Đằng sau cái tát và tâm sự của giáo viên dạy trẻ tự kỷ

(Dân trí) - Sau khi thằng bé hoàn toàn bình tĩnh, nó lại đáng yêu như 1 chú cún con, giúp cô cất đồ, lau nước mắt và nở nụ cười tươi hơn bao giờ hết. Và đây là lúc tôi sợ nhất, tôi sợ nhìn thấy những vết thương tóe máu thằng bé gây ra cho bố mình, tôi sợ khi nhìn vào mắt ông và hướng dẫn những gì cần làm khi thằng bé có hành vi mất kiểm soát vì tôi biết hơn bất cứ ai, ông yêu con vô cùng.

“Trên khuôn mặt khắc khổ, những nếp nhăn hằn sâu dưới nụ cười gượng gạo của người đàn ông ở tuổi lục tuần. Ở tuổi của ông, người lính chắc đã vui hưởng tuổi già bên con cháu nhưng ông không may mắn như người khác, ông có 1 đứa con tự kỷ.

BỐP! Thằng bé òa khóc, miệng không nói được câu gì hơn tiếng “Pi, Pi…”

Đó là ngôn ngữ không phải duy nhất nhưng là tín hiệu chính để cậu giao tiếp. Ngày đầu tiên học với cô, cậu nói được tiếng “HÀ” một cách chính xác, không méo mó. Bố cười hạnh phúc, cô vui sướng ngập tràn đến nỗi gặp ai cũng khoe còn trong lòng thì thầm cảm ơn bố mẹ vì đã đặt cho mình 1 cái tên dễ gọi đến thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng khi cái giây phút âm thanh chua chát ấy vang lên, cả căn phòng như chết lặng cùng thời gian. Mọi người bất động, cô giáo trợ giảng đứng hình choáng váng với 5 ngón tay in hằn trên má đứa trẻ. Tôi chạy đến ôm thằng bé thật chặt, chỉ ôm thôi, ôm thật chặt. Thằng bé gục đầu vào vai cô nức nở. Nhẹ nhàng tôi đưa tay ra, thằng bé cầm chặt đôi bàn tay tôi. Tôi cố tránh ánh mắt nó nhìn bố, tránh tất cả âm thanh phá nhiễu sự kết nối của chúng tôi. Vâng, chúng tôi giao tiếp không cần lời, chúng tôi giao tiếp bằng tín hiệu “Pi.. pi..” mà theo tôi nó như cách con người phát nhạc giao hưởng ngoài không gian với hi vọng ngày nào đó người ngoài hành tinh có thể bắt được tín hiệu đó và biết đến sự tồn tại của chúng ta.

Sau khi thằng bé hoàn toàn bình tĩnh, nó lại đáng yêu như 1 chú cún con, giúp cô cất đồ, lau nước mắt và nở nụ cười tươi hơn bao giờ hết. Và đây là lúc tôi sợ nhất, tôi sợ nhìn thấy những vết thương tóe máu thằng bé gây ra cho bố mình, tôi sợ khi nhìn vào mắt ông và hướng dẫn những gì cần làm khi thằng bé có hành vi mất kiểm soát vì tôi biết hơn bất cứ ai, ông yêu con vô cùng”.

Trên đây là những dòng chia sẻ của cô giáo trẻ Phùng Ngọc Hà, cán bộ đào tạo và giảng dạy cho giáo viên, phụ huynh và trẻ tự kỷ của một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Tâm sự về “sự cố” trong buổi dạy của mình, cô cho biết: “Cả ngày hôm nay em cứ nghĩ về việc này suốt chị ạ. Cái tát mạnh quá, nhìn ánh mắt người bố hối hận vì 1 giây mất kiềm chế nỡ đánh con, thương con muốn trực trào nước mắt. Hàng ngày đối diện với ánh mắt của người đời, vất vả mưu sinh rồi đối mặt với đứa trẻ mãi không thấy lớn khiến bố cũng gặp nhiều áp lực. Với rất nhiều phương pháp tiếp cận cho trẻ, em thực sự mong muốn một vài biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng cho chính cha mẹ của các cháu”.

Bảo vệ thành công Thạc sĩ Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam với đề tài “Sử dụng âm nhạc trong giáo dục trẻ tự kỷ”, có thể nói, cô giáo Phùng Ngọc Hà là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và bảo vệ đề tài này. Cô Hà cũng từng nhận chứng chỉ Âm nhạc trị liệu cho trẻ khuyết tật do chuyên gia Nhật Bản đào tạo.

Với cô Hà, mỗi tiết học là 1 câu chuyện về một bạn nhỏ đặc biệt nào đó với đủ sắc thái tình cảm và hành vi. “Những đôi mắt to tròn không nhìn tôi nhưng khi âm nhạc bắt đầu chúng tôi nắm tay nhau nhảy múa, những điệu nhảy kỳ cục chả ra làm sao nhưng cả cô và trò đều cảm thấy sảng khoái vì bọn trẻ được giải phóng năng lượng, được tung tăng làm điều chúng thích, được thể hiện đủ các động tác kỳ cục mà cô cũng bắt chước theo chúng và chính điều ấy làm bọn chúng “khoái” tôi và tôi đã thành công trong việc bước vào thế giới riêng của chúng.

“Ở đâu ngôn ngữ bất đồng thì ở đó Âm nhạc vang lên thay thế”

"Nhiều người thắc mắc không hiểu tôi dạy gì cho lũ trẻ khi mà chúng không nói và không hiểu lời nói. Và lúc nào chúng tôi cũng cười, bởi tôi không dạy gì nhiều cho lũ trẻ, chỉ đơn giản là tôi cùng chúng học cách lắng nghe, dạy chúng cách cảm nhận Âm nhạc. Thay vì cố bắt chúng phải hòa nhập thế giới của mình, tôi học cách để bước vào thế giới riêng của trẻ. Tôi dạy trẻ thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt với những bản nhạc không lời mang đủ sắc thái hỉ - nộ - ái - ố, sử dụng Âm nhạc với đủ chất liệu, hình thức, thể loại phong phú để giải phóng năng lượng khi trẻ bị ức chế, để trấn tĩnh khi trẻ tăng động và dạy trẻ chơi 1 số nhạc cụ đơn giản để trẻ tương tác, hòa tấu với nhau. Âm nhạc tuyệt vời ở chỗ ấy, nó như sợi dây vô hình giúp trẻ tự kỷ kết nối với người khác một cách tự nhiên nhất.

Tôi chỉ là 1 cô giáo bình thường nhưng điều quan trọng là tôi biết cách bước vào thế giới của trẻ và dẫn chúng đi theo con đường của tôi. Con đường ấy, tôi thấy mình hạnh phúc!
"Tôi chỉ là 1 cô giáo bình thường nhưng điều quan trọng là tôi biết cách bước vào thế giới của trẻ và dẫn chúng đi theo con đường của tôi. Con đường ấy, tôi thấy mình hạnh phúc!"

Tôi nhớ giây phút người lính già đến và nói với tôi “Cô ơi, dạo này bố không phải buộc con nữa rồi”. Niềm hạnh phúc đến xót xa. Vì ông bị hàng xóm kêu là đồ độc ác, tàn nhẫn vì ông hay trói con bằng 1 sợi dây rất chắc. Chẳng ai hiểu được nỗi lòng của người đàn ông một mình ở nhà chăm con, có những lúc bất tiện ông không thể kè kè bên thằng bé, chỉ 5- 7 phút thôi nó có thể phi ra đường, lao xuống ao hay có hành vi xâm kích”, cô giáo trẻ Phùng Ngọc Hà chia sẻ.

Xã hội đã nhận thức về tự kỷ nhưng để cảm thông hay đơn giản là tránh xát muối vào vết thương của những gia đình không may mắn vẫn còn xa xôi lắm. Vẫn còn những lời nhiếc mắng từ chính người thân trong gia đình vì “đẻ đứa con rồ dại” và “nó có biết gì đâu mà dạy với học cho tốn công phí sức” nhưng vẫn luôn có những người mẹ đơn thân mạnh mẽ đưa con đi khắp nơi, dạy con cảm nhận mọi điều về cuộc sống hoặc miệng luôn nở nụ cười khi xin lỗi mọi người khi con mình “nhanh tay” làm phiền người khác.

Vẫn có những ông bố cả cuộc đời chinh chiến năm châu bốn biển nhưng từ bỏ tất cả chỉ để “chinh phục” nụ cười của cô con gái. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, đôi khi khó khăn mà gia đình này đang mắc phải lại là niềm mong ước của vợ chồng nhà kia.

“Chưa biết con đường phía trước còn bao xa nhưng thành quả trước mắt đã giúp người lính già không phải tự tay “buộc chân” con mình, ông không cúi mặt khi bị hàng xóm chửi rủa, ông đã hiểu và luôn dành thời gian đưa con đến chơi nhà những người bạn và kiên nhẫn dạy con từ những điều nhỏ bé nhất. Tôi thường hay động viên các bố mẹ “Trong cuộc chiến này, chiến thắng chỉ dành cho người không bỏ cuộc” và tôi tin họ là chiến binh kiên cường sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”.

Được biết, trước khi trở thành cán bộ đào tạo và giảng dạy cho giáo viên, phụ huynh và trẻ tự kỷ, cô giáo Phùng Ngọc Hà từng giảng dạy tại một ngôi trường song ngữ lớn tại Thủ đô. Nhiều người bạn hỏi cô: Dạy trẻ tự kỷ có áp lực lắm không? Sao đang yên lại bỏ trường thế? Đường quang không đi lại thích đâm đầu vào bụi rậm!

Cô trả lời: Đã bao giờ thấy nụ cười tắt trên môi mình chưa?

“Nhiều lúc mọi người thấy tôi điên theo đứa trẻ và cũng nhiều lúc mọi người thấy đứa trẻ cũng bình thường giống tôi. Tôi không quá phi thường như những gì mọi người nghĩ. Và tôi cũng chẳng làm được gì nhiều. Tôi chỉ là 1 cô giáo bình thường nhưng điều quan trọng là tôi biết cách bước vào thế giới của trẻ và dẫn chúng đi theo con đường của tôi. Con đường ấy, tôi thấy mình hạnh phúc!”.

Khả Vân