Đàn ông đâu phải cái máy ATM

Tôi thực sự buồn cười nhưng không ngạc nhiên khi thấy một nàng nào đó mặc nhiên coi đàn ông là cái ATM đúng nghĩa.


Đàn ông đâu phải cái máy ATM

Không ngạc nhiên là vì bây giờ việc này quá phổ biến, đến mức nhắc đến con gái thời nay là đa phần bị gắn thêm hai chữ 'thực dụng".

Ví dụ:

- Đi ăn, uống: Giai rút ví
- Đi mua sắm (cho nàng): Giai xuất xiền
- Đi du lịch, giải trí: Giai chủ chi
- .....

Cô em đồng nghiệp cũ của tôi ngày trước, thu nhập bằng nửa tôi, cũng cảnh thuê nhà như nhau, nhưng mọi thứ sinh hoạt, đồ dùng, ăn uống, giải trí của nàng đều xa xỉ một cách choáng váng. 

Nàng mua cái váy gần 2 triệu (bằng 1/2 tháng lương của nàng) mà chẳng hề lăn tăn, chớp mắt gì. Nàng rút ví mua bộ mỹ phẩm bằng hai tháng lương mà không lăn tăn. Nguồn ở đâu thì mãi sau tôi mới biết, lúc đầu cứ tưởng nhà nàng có điều kiện, hóa ra không phải. Rồi xe ga, điện thoại thời thượng, giày, túi hàng hiệu... Nàng còn khoe: "Em đang gạ gẫm giai mua cho em cái laptop hơn 3.000$ chị ạ! Dại gì không tranh thủ hả chị!".

Mặc dù làm chung phòng nhưng hãn hữu lắm tôi với nàng mới đi cà phê chung. Mỗi lần như thế, nàng mặc nhiên nhường quyền thanh toán cho tôi. Mà đi với nàng toàn chỗ sành điệu nhé! Một đôi lần không sao, đến lần thứ ba, tôi kể với nàng: 

- Nhóm bọn chị bảy tám đứa chơi với nhau hơn chục năm nay, đi ăn uống liên hoan gì toàn đếm người chia tiền!

- Nàng tròn mắt: Cả con gái chia tiền? Thế bọn con trai để làm gì? 

- Tôi phì cười: Tại sao lại mặc nhiên ấn định việc thanh toán là của các giai? Ngay cả là người yêu của nhau, thi thoảng gái giả tiền thì có chết ai? 

- Nàng: Đàn ông đi cùng mà để phụ nữ chi tiền, mất mặt! 

- Tôi: Hơ, sao không nghĩ đó là một sự sẻ chia hết sức bình thường như thế mới bền được chứ?

- Nàng: Em chả ngu mà làm thế! 

- Tôi: Thế hóa ra chị và bao nhiêu người khác ngu cả sao?

Và rồi, lần đó, tôi với nàng cưa đôi tiền cà phê, hình như mỗi đứa hơn 100 ngàn, và đó cũng là lần cuối cùng đi cùng nhau.

Tôi có cậu em làm lái xe cho một công ty tư nhân, nó kể: "Lương cả tháng của em chỉ đủ đưa nàng đi chơi hai tối. Con bé chưa đi làm. Con gái gì mà không biết nấu ăn, chưa từng giặt giũ, có hôm trong ví em còn 3 triệu, em nghĩ chắc hai đứa đủ tiêu 2 tuần, ai dè nàng kéo đi ăn hai tối, hết veo! Kiểu này chắc em đầu hàng quá!".

Còn anh bạn thân của tôi (bạn thân đúng nghĩa) đã bộc bạch: "Nói thật với em, đa phần các giai chẳng ai hài lòng với kiểu con gái tiêu tiền không chớp mắt, nhất là khi tiêu tiền của người khác. Các gái đừng sai lầm mà cho rằng mặt mình xinh, chân mình dài thì mặc nhiên các giai sẽ cung phụng, chu cấp. Nếu có, cũng chỉ là chơi bời thôi em ạ". 

Tôi hỏi: "Thế chắc bạn gái anh phải đặc biệt lắm"? 

Anh hào hứng: "Bạn gái anh mọi thứ về hình thức đều bình thường, nhưng anh đổ gục vì sự tự lập, chu toàn của nàng. Cuối tuần nào anh cũng háo hức chờ đón những món ăn nàng nấu. Cùng nhau vào bếp, nhìn nàng say sưa chế biến, bếp lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Trong câu chuyện, nàng hỏi han từng sở thích của từng người trong gia đình anh, quả thật không ước gì hơn! Nếu đi mua đồ, nàng nhất định không chịu cho anh mua đồ quá đắt tiền dù nàng thừa biết anh hoàn toàn có thể. Bất ngờ nhất là có lần đi ăn tiệm, lúc thanh toán, nàng níu tay anh nũng nịu: "Hôm nay em lĩnh lương, anh cho phép em trả nhé!". Anh hoàn toàn không bị sức ép về vấn đề chu cấp và cuối năm bọn anh cưới đấy!".

Tôi không thể biết rằng có bao nhiêu % đàn ông cảm thấy mất mặt khi đi cùng mà để bạn gái trả tiền? Tôi chỉ biết rằng đa số đàn ông cực ngán khi bị kéo vào các trung tâm thương mại, các siêu thị, đợi cho các nàng vung tay nhặt đồ, rồi chờ đàn ông thanh toán (kể cả khi đang yêu hay đã lấy nhau). Chưa chắc họ đều thuộc dạng ki bo đâu, vấn đề là chả đàn ông nào thích thú khi có một cây tầm gửi bám vào mình, thế thôi!

Theo Nga Minh
Pháp luật Việt Nam