Đàn ông cũng phải “công, dung, ngôn, hạnh”

Khi chị mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng, anh bị tai biến. Sau hai tháng nằm viện, anh về nhà với một cánh tay bị liệt, một chân đi tập tễnh. Từ vị trí trụ cột gia đình, anh lui về “hậu phương”, nhường “tiền tuyến” cho chị.


Đàn ông cũng phải “công, dung, ngôn, hạnh”



Thời con gái, chị luôn ao ước lấy được một người chồng khỏe mạnh để có chỗ dựa. Anh là chủ một cửa hàng điện gia dụng, kinh tế ổn định; vóc người lại to khỏe, rắn chắc. Vừa có sức khỏe, vừa có điều kiện kinh tế, anh khiến chị yên tâm sẽ có một bờ vai vững chãi cho tương lai. Ngày chị cấn thai, anh đã bàn chị sẽ nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Anh tự tin có thể lo cho chị và con một cuộc sống ổn định.

Anh ra như thế, chị chết đứng. Nghĩ đến tương lai hai mẹ con, chị gần như hoảng loạn, bế tắc. Nhưng, tình yêu thương chồng con đã vực chị dậy. Những đêm nằm ôm con, chị suy nghĩ rất nhiều về những gì phải làm sao để thay chồng lo cho gia đình, khi con còn quá nhỏ. Chị không thể vừa làm chồng, vừa làm vợ nên quyết định bàn với anh việc chị và anh “đổi vai”. Khi nói thẳng với chồng ý định đó, chị lo anh sẽ tự ái, không ngờ anh đồng ý ở nhà cáng đáng việc nội trợ, chăm con để chị yên tâm ra ngoài kiếm tiền.

Anh chỉ còn một tay, làm việc gì cũng khó. Những khi anh làm rơi vỡ ly tách, đổ sữa, nhìn gương mặt chồng nhăn nhúm đau khổ, chị không khỏi xót xa. Chị tìm mọi cách động viên chồng, không để anh nản. Những ngón tay to bè của người đàn ông, vốn không thích hợp với những công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận, nhưng chị vẫn phải kiên nhẫn tập cho anh pha sữa, thay tã, bế bồng con bằng một tay. Một tháng rồi hai tháng, cuối cùng anh cũng thuần thục việc chăm sóc con.

Không chỉ “luyện” chồng cách chăm sóc con, chị còn phải hướng dẫn việc bếp núc. Những ngày đầu, cá chiên cháy đen, nồi canh mặn chát. Anh nản. Chị nhẫn nại khuyên chồng. Việc thuyết phục anh chịu đi chợ là điều khó khăn nhất với chị. Khi chưa bị bệnh, anh rất ngại phải trả giá những khoản vụn vặt. Mỗi ngày cùng chồng ra chợ, chị chỉ anh cách lựa thực phẩm tươi sống, chỉ những hàng quen chị hay lui tới mua để anh không phải ngại chuyện “cò kè bớt một thêm hai”.

Con được ba tháng, chị yên tâm giao cho anh. Chuyện bếp núc, nhà cửa anh cũng hoàn thành chu đáo. Chị xin làm thợ cắm hoa ở một tiệm lớn, mỗi tháng lương ngót nghét chục triệu. Những ngày lễ Tết, chị lấy hoa ra đường bán thêm, kiếm tiền trang trải cho gia đình. Những khi đi làm về sớm, chị thường vào bếp giúp chồng. Chưa bao giờ chị nặng nhẹ với anh nửa lời, vợ chồng vui vẻ chia sẻ công việc nhà với nhau.

Nhiều người đến nhà, ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của anh chị vẫn yên ấm, hạnh phúc. Chị quan niệm, sống phải luôn linh hoạt; không ai quy định đàn ông phải là trụ cột, phải ra ngoài kiếm tiền còn phụ nữ phải ở nhà nội trợ. Tùy vào tính chất công việc, sức khỏe của từng người để có sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng. Cuộc sống luôn biến đổi, không ai chắc chắn có thể sống khỏe mạnh cả đời, nên việc chuẩn bị cho chồng những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ vợ những khi gia đình xảy ra biến cố là điều mỗi phụ nữ nên làm. Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy, không phải chỉ trông vào vợ.

Theo Nguyễn Mỹ
Phụ nữ TPHCM