Cuộc chiến giành cháu của ông bà

Ngày nay, do sinh ít con, nên khi “lên chức” ông bà, nhiều người thú nhận “có cảm giác thương cháu còn hơn cả thương con ngày trước!”. Gặp trường hợp hôn nhân của các con đổ vỡ, nỗi lo lớn nhất của các ông bà nội, ngoại là phải xa cháu…

 
Cuộc chiến giành cháu của ông bà   - 1


Ra tay

 

Bà Hoàng Lan, chủ một shop thời trang có tiếng ở Q.3, TPHCM tuy mới 60 tuổi nhưng đã quyết định giao hết cho con cháu việc kinh doanh để nghỉ ngơi. Thời gian này, con gái của bà ra tòa ly hôn. Từ ngày con gái ôm con về nhà mẹ, nhìn cháu ngoại bụ bẫm, thông minh bà càng... đâm thù thằng con rể.

 

Mỗi lần con rể đến thăm con là bà xua chó ra sủa inh ỏi, hoặc gọi người giúp việc ra bảo cháu không có ở nhà. Anh con rể thăm con hụt nhiều lần bắt đầu đổ quạu, anh đệ đơn lên tòa đòi quyền thăm con, đòi thay đổi quyền nuôi con. Bà Lan thách thức: “Đố nó làm được gì khi bà ngoại này đã ra tay!”. Những biện pháp cấm cửa, cách ly càng ly kỳ hơn. Bà còn dọa sẽ đưa cháu đi… mất nếu anh con rể còn tìm đến nhà.

 

Bà Trần Thị Hòa, giáo viên đã nghỉ hưu tại Q.Gò Vấp, điện thoại đến Báo Phụ Nữ khóc ngất: “Nó cứ khư khư giữ rịt thằng nhỏ, kiểu này chắc vợ chồng tôi chết mất”. “Nó” đây là cô con dâu cũ của bà. Vợ chồng con trai bà ly hôn từ tháng 4/2009, vì con chung còn nhỏ, tòa giao quyền nuôi con cho chị Phương, vợ anh Hiền, con trai bà Hòa. Hiền theo cô vợ mới đi lập nghiệp ở Bình Dương, không ngó ngàng gì đến con, nhưng bà Hòa được đứa cháu trai giống… con trai bà như đúc. Vậy là bà đòi quyền thăm nom, đòi chăm sóc cháu nội thay con trai! Ban đầu, con dâu cũng rất hợp tác. Tuần nào cô cũng gửi con về ba má chồng, hoặc nhắn người qua đón. Mỗi lần như vậy bà Hòa sung sướng lắm. Dần dà, bà lại muốn cu Bin ở luôn với mình. Ban đầu bà giao trả cháu đúng hạn, nhưng sau đó là giữ lâu hơn, lâu hơn. Có hôm, bà còn bày đủ món đồ chơi để dụ cháu ở lại với mình… Cô con dâu ngày càng bực mình với cách giữ cháu của bà, cuối cùng ra điều kiện mới, mỗi tháng bà chỉ được đón một lần… Bà Hòa quyết định tìm luật sư tư vấn…

 

 Thua kiện… chơi luật rừng!

 

Cuối tháng 3/2010, bà Nguyễn Thị Miên, chủ một cửa hàng vải sợi lớn ở Đà Nẵng bỏ hết việc kinh doanh vào tận TPHCM để dự phiên tòa phúc thẩm, tranh chấp quyền nuôi con giữa con trai và vợ cũ.

 

Theo bản án sơ thẩm ở TAND Q.Tân Bình năm 2007, con dâu bà được quyền nuôi dưỡng trực tiếp đứa con chung 18 tháng tuổi. Vì thương cháu nội, bà đã đề nghị con dâu cho mình giữ cháu vài tháng nữa. Mến tay, mến chân, bà giữ luôn đến một năm trời. Năn nỉ mãi, đến cuối năm 2009, con trai bà mới chịu làm đơn kiện ngược vợ cũ, xin thay đổi quyền nuôi con.

 

Bà Miên tất tả ngược xuôi lo luật sư nhưng cuối cùng gia đình bà vẫn thua kiện. Bà tuyên bố thẳng thừng: “Ai muốn rước cháu bà đi, phải bước qua xác của bà!”. Cô con dâu khóc nức: “Má không giao cháu, con sẽ đợi ngày thi hành án (THA)!”.

 

Rơi vào “thảm cảnh” bị gia đình chồng giữ rịt con, không cho thăm nuôi, cấm tiếp xúc… một cách oan ức và vô lý, dù tòa án đã giao cho mình quyền nuôi dưỡng trực tiếp đứa con chung, chị Trần Thị Hiên, ở huyện Hớn Quản (trước đây là huyện Bình Long), tỉnh Bình Phước, chỉ biết khóc. Anh Lý chồng chị, hiện đang ở nhà trọ cùng bố mẹ và hai cô em gái, dù cuộc sống chật vật, khó khăn, lại không màng đến con, nhưng bố mẹ anh vẫn kiên quyết không giao cháu K. cho chị Hiên, ngăn cấm không cho chị Hiên tiếp xúc với con.

 

Chị Hiên ấm ức: “Mỗi lần thấy tôi ở đầu cổng khu nhà trọ, là ông bà nội cháu cho người bồng cháu chạy cổng sau… để trốn. Tôi ghé trường mầm non thăm con, cô giáo cũng nói ông bà cháu không cho gặp mặt nên không cho tôi vào thăm hay bế bồng con, tôi chỉ đứng nhìn con từ xa…”.

 

Không chịu nổi sự bất công, chị Hiên gửi đơn kháng cáo lên tòa án tỉnh. Kết quả phiên xử phúc thẩm tháng 12/2008, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện, chấp nhận yêu cầu của chị Hiên, buộc anh Lý phải giao bé K. cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

 

Ngay sau khi có quyết định của tòa, ông bà đã mang cháu về Thanh Hóa để “giấu”. Chị Hiên chỉ còn biết kêu trời: “Cháu K. mỗi ngày một lớn trong cảnh bị cha bỏ bê; hằng ngày còn bị ông bà nội rỉ tai mẹ ruồng bỏ cháu… Như vậy, khi con tôi lớn lên sẽ có cái nhìn lệch lạc về cuộc đời, ai chịu trách nhiệm với cháu đây?”.

 

Tệ hơn, chị Lê Thị Nguyệt, ở huyện Cần Giờ, bị chồng bỏ theo vợ bé, phải đơn phương ly hôn ở tòa. Dù được quyền nuôi con, nhưng con chị, mới bốn tuổi, lại bị cha mẹ chồng “bắt” vì chị phải đi làm mướn. Cuối tuần, chị về thăm con chẳng những không được cho thăm, mà ông bà nội còn dọa: “Mẹ con ác lắm, con mà theo “nó”, “nó” bắt con cắt cổ như con gà, con vịt” làm cháu Nga, con gái chị, thấy mẹ bước vào cổng là khóc thét lên chạy trốn!

 

Luật sư Vũ Thị Hoài Vân - Trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6, khẳng định: “Theo quy định tại điều 60, 61 của Luật Dân sự 2005, ông bà thuộc hàng giám hộ thứ ba đối với trẻ (sau cha mẹ và anh chị em ruột). Như vậy khi cha mẹ trẻ ly hôn, mà cả cha lẫn mẹ đều còn sống, còn đủ khả năng nuôi dưỡng, được tòa án phân xử và quyết định của tòa có hiệu lực mà ông bà, nội ngoại cố tình tranh chấp trẻ là vi phạm pháp luật. Việc cơ quan THA cố tình kéo dài, trì hoãn việc THA, vì bất cứ lý do gì cũng vi phạm Luật Tố tụng dân sự. Những người cha, người mẹ trong trường hợp này đều có thể khiếu kiện tại TAND quận, huyện để đòi lại công bằng, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà còn là bảo vệ cho sự phát triển an toàn, đầy đủ của con mình”.

 

Tiếc thay, nhiều cơ quan THA dân sự đã chùn bước, không cưỡng chế thi hành quyết định của tòa. Nhiều trường hợp bản án có hiệu lực tám, chín năm trời mà đứa trẻ vẫn bị ông bà nội hoặc ngoại giữ chặt, khiến cha mẹ ruột của trẻ đau khổ vì phải xa con. Thời gian kéo dài ấy còn đủ cho đứa bé dần lớn lên chỉ với ông bà, không thấy cha mẹ quan tâm, sinh mặc cảm, tủi hờn. Có trẻ còn đâm ra thù hằn cha hoặc mẹ, nghĩ mình bị bỏ rơi, mà không biết cha, hay mẹ bé đã bị ông bà xua đuổi, từ chối… ngăn cản quyền làm cha mẹ của cha mẹ mình, tước quyền làm con của chính mình! Tất yếu, đứa trẻ ấy sẽ phát triển tâm lý không ổn định, thậm chí lệch lạc nhân cách.

 

Tình cảm với con trẻ của ông bà nội, ngoại luôn thiêng liêng, không thể nào phủ nhận, nhưng xin đừng biến tình cảm đó thành một áp lực, cản trở sự phát triển bình thường của một đứa trẻ còn đầy đủ cả cha, lẫn mẹ. Đừng vì chút vị kỷ mà “lạm quyền” làm ông bà với trẻ, giành giật trẻ, ngăn trẻ không được tiếp xúc, yêu thương người đã trực tiếp sinh thành ra trẻ. Hành vi đó, không chỉ vi phạm luật mà còn là tội ác!

 

Theo Nghi Anh

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm