Cùng vợ vào phòng sinh

Với phụ nữ, không giây phút nào sánh được khoảnh khắc chào đón đứa con yêu. Những ai may mắn có chồng cùng “vượt cạn” thì ý nghĩa của khoảnh khắc ấy càng lớn lao gấp bội.

 
Cùng vợ vào phòng sinh  - 1


Ở những quốc gia phát triển, việc các đức lang quân theo vợ vào phòng sinh là chuyện hết sức bình thường và được khuyến khích. Tại Việt Nam, dịch vụ này vẫn chưa được phổ biến, mới chỉ xuất hiện tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), Phụ sản quốc tế, Từ Dũ, Hùng Vương (TPHCM). Sự quá tải, cơ sở vật chất chưa đồng bộ của các bệnh viện là nguyên nhân khiến dịch vụ chưa phát triển. Thêm vào đó, nhiều người cho rằng, việc này không cần thiết vì từ trước đến nay, phụ nữ đã quen với việc “đi biển mồ côi một mình”, hay vì tâm lý e ngại. Nhưng, với những ông bố được chứng kiến giây phút con yêu chào đời sau bao vất vả của vợ thì niềm hạnh phúc ấy không sao diễn tả được bằng lời.

 

Cảm động chuyện phòng sinh

 

Có rất nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc theo vợ vào phòng đẻ của các đấng mày râu. Nhưng, trên tất cả là sự cảm động, tình thương yêu bao trùm khắp căn phòng. Có nhiều cách để các ông bày tỏ niềm hạnh phúc của mình: Ông hô hào cổ vũ, ông bật khóc ngon lành, ông gồng mình... rặn cùng vợ. Có một điểm chung là ông nào ông nấy đều lóng ngóng, cuống quýt, hồi hộp và âu lo.

 

Chị Tô Thị Phương, nữ hộ sinh Bệnh viện Việt Pháp, tâm sự: “Được chứng kiến cảnh các ông bố nắm tay động viện vợ, rồi khi em bé chào đời thì nhảy cẫng lên sung sướng, bắt tay cảm ơn tất cả bác sĩ lẫn hộ sinh trong phòng, có anh còn ôm chầm lấy bác sĩ... chúng tôi rất xúc động. Tôi nghĩ, thật may mắn cho những ai có chồng bên cạnh trong lúc sinh”.

 

Có anh chồng lúc vào phòng sinh do quá lo lắng nên quên mất lời vợ dặn là “chỉ được nhìn từ trên xuống”. Anh đứng cạnh bác sĩ, hô vợ “cố lên” lạc cả giọng, cho đến khi đứa bé đỏ hỏn, lòng thòng rãi rớt cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc anh òa khóc.

 

Nhiều ông lần đầu lên chức bố nên vào phòng sinh với vợ cứ lóng nga lóng ngóng, tay chân thừa thãi nên bị bác sĩ, hộ lý nhắc nhở liên tục. Anh Nguyễn Anh Văn (Ba Đình - Hà Nội) vẫn nhớ như in tâm trạng của mình ngày hôm đó: “Thấy vợ đau đớn mà mình chẳng giúp được gì mới thấy cuộc vượt cạn không đơn giản như mình vẫn tưởng, thấy thương và quý trọng vợ nhiều hơn. Trước đó, mình lúc nào cũng thích có con trai, nhưng sau giây phút ấy mình không quan trong chuyện ấy nữa”.

 

Chị Mai vợ anh cũng không giấu được niềm xúc động khi nhớ lại: “Lúc ấy mệt rã rời, lại lo lắng nữa, nhưng có chồng ở bên động viên mình vững tâm hơn nhiều. Khi con chào đời, hạnh phúc của vợ chồng như được nhân lên gấp đôi vì được ở bên nhau trong những giây phút ấy”.

 

Cần “tập huấn” trước

 

Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy hạnh phúc khi có chồng ở bên trong lúc “vượt cạn”, nhưng cũng không ít người lắc đầu quầy quậy khi tưởng tượng ra cảnh đó. Xuất phát từ tâm lý e ngại chồng nhìn thấy cảnh “không đẹp mắt”, sợ chồng “khiếp” không dám “gần gũi” mình nữa. Trên thực tế, có ông chồng lần đầu đưa vợ đi đẻ, nhìn ai cũng thấy xấu hổ, khi bác sĩ gọi vào nhận con mặt mũi còn đỏ bừng, ngượng nghịu. Đó cũng là cảm giác chung của nhiều ông bố trẻ, nhất là những ai chưa được chuẩn bị kỹ kiến thức về sinh sản và quá trình chuyển dạ của phụ nữ.

 

Anh Vũ Đức Lợi (Công ty Uniliver) kể: “Lúc ấy, cảm giác hồi hộp, lo lắng choán hết tâm trí mình. Thương vợ, thương con còn chưa hết, làm gì có tâm trạng để ý đến chuyện đẹp hay xấu nữa”. Trước đó, anh Lợi đã đến gặp bác sĩ tư vấn, tìm hiểu thông tin về sinh sản nên không bị sốc hay lúng túng lúc vợ sinh. Được đặt nụ hôn và nói lời cảm ơn vợ “đã sinh cho anh một thiên thần”, được tự tay cắt dây rốn cho con là khoảnh khắc thiêng liêng không thể quên trong cuộc đời của những ông bố như anh.

 

Theo các bác sĩ, để chuẩn bị trước tâm lý, hai vợ chồng nên tham gia lớp tiền sản để được hướng dẫn các bài tập nhẹ nhàng, cách massage thư giãn, những kiến thức lúc chuyển dạ... Khi đó, người đàn ông sẽ cảm nhận được trọn vẹn nhất ý nghĩa của việc cùng vợ lâm bồn.

 

 

Theo Vân Anh

Đất Việt