Đôi nam nữ nhảy lầu vì bị ngăn cấm tình cảm:

Cứ gặp khó khăn là nghĩ đến chết hay sao người trẻ ơi?

Huyền Anh

(Dân trí) - “Nếu bạn thấy hối hận thì phải sống tiếp để thay đổi tất cả, bởi vì nếu bạn chết, mọi thứ sẽ dừng ở đó, mãi mãi không thay đổi được”.

Mới đây, sự việc đôi bạn trẻ nhảy từ tầng 35 một khu chung cư trên đường Liễu Giai (Hà Nội) tự tử bước đầu được xác định là do bị ngăn cấm tình cảm khiến cư dân mạng bày tỏ tiếc thương, mà càng thương thì càng giận.

Cứ gặp khó khăn là nghĩ đến chết hay sao người trẻ ơi? - 1

Hiện trường nơi xảy ra sự việc đôi nam nữ nhảy lầu tự tử

Tiếc cho tuổi 24 đầy tươi đẹp đang đứng trước cánh cửa mở ra con đường thênh thang của tương lai chưa đạt tới thành tựu đã vội vàng đóng sập, tiếc cho phút suy nghĩ nông nổi, tiếc cho quyết định lớn được đưa ra từ suy nghĩ cạn đã khiến họ tự tước đi mọi cơ hội thay đổi cuộc sống của bản thân và cả người thân chỉ vì bế tắc nhất thời.

Tôi có xem một bộ phim truyền hình Trung Quốc đang có rating cao, được nhiều khán giả không chỉ ở Trung Quốc mà cả nhiều nước Châu Á khác yêu thích vì những giá trị, bài học nó mang lại cho người trẻ trong đời sống, gia đình.

Có đoạn người con trai nói với bà mẹ cạn nghĩ tự tử nhưng may mắn không chết đại ý rằng: “Nếu mẹ thấy hối hận thì phải sống tiếp để thay đổi tất cả, bởi vì nếu mẹ chết, mọi thứ sẽ dừng ở đó, mãi mãi không thay đổi được”.

Đúng là như vậy. Trước mọi khó khăn, như vấp váp trong công việc, bị bắt nạt ở trường, điểm số/ thành tích tồi tệ, mâu thuẫn với những người xung quanh hay tình yêu bị cấm cản (cuộc sống này thì thiếu gì khó khăn để thử thách lòng người cơ chứ!)… cách duy nhất bạn phải làm là tìm cách tháo gỡ, hoá giải, và thay đổi, không thay đổi được ngay thì thay đổi dần dần.

Luôn nhớ một điều rằng “khổ tận cam lai”, vạn vật vận động, chẳng có ai khổ mãi được, chẳng có chuyện gì khó mãi được, sống là vượt qua, là chứng kiến bản thân giải quyết mọi chuyện như thế nào, để trưởng thành hơn và đón nhận những điều tốt đẹp còn đang ở phía trước.

Cuộc sống còn nhiều khía cạnh khác có thể mang đến cho bạn niềm vui, tiếp sức cho bạn xử lý những chuyện không như ý. Nhất định không được nghĩ đến chết, bởi chết là đầu hàng. Bạn không chỉ tước đi của mình cơ hội thay đổi thực tại, cơ hội đón nhận những điều tốt đẹp một ngày sẽ tới trong cuộc đời, bạn còn vĩnh viễn cứa vào tim những người yêu thương mình trên cõi đời này - cha mẹ, bạn bè, người thân, người yêu… - một vết đau không bao giờ lành được.

Có một thời, màn ảnh Hàn Quốc đầy những bộ phim kết thúc trong cực đoan, cái chết và tự tử, sao Hàn bước ra khỏi phim sống trong đời thực cũng chọn tự tử như một cách giải thoát bản thân khỏi những bế tắc, khó khăn. Cái họ không nhìn thấy sau khi chết là khoảng trống đau đớn họ để lại trong lòng người thân và những người hâm mộ yêu thương họ. Họ để lại cả những lời hờn trách dành cho chính mình. Người ta bị khắc ghi một ấn tượng rằng người Hàn Quốc thật yếu đuối và chán ngấy những bộ phim Hàn sướt mướt tới mức điện ảnh Hàn Quốc phải thay đổi. Nói vậy để thấy rằng, mạnh mẽ tiến về phía trước, bản lĩnh đương đầu với khó khăn mới là “chân ái” mà mọi người đều hướng tới. Bạn chỉ có một cuộc đời thôi, sống sao cho ra sống, sống thật ý nghĩa đừng để hoài phí một kiếp người.

Cũng lại thêm một lần những người làm cha làm mẹ nên nhìn nhận lại: Chúng ta có thể can thiệp mãi vào cuộc sống của con cái như khi chúng còn nhỏ được không?

Theo chúng sát sao, ép buộc chúng mọi chuyện theo ý mình vì mình “có kinh nghiệm sống” là cách để bảo vệ chúng khỏi những tổn thương trong cuộc sống này ư?

Thật ra thì, hãy cho chúng cơ hội tự trải nghiệm, tự vấp váp, ngã thì đứng dậy, thất bại nhiều là tiền đề cho những thành công còn hơn bố mẹ bảo bọc khư khư để con thiếu kinh nghiệm sống, non nớt và yếu đuối.

Cha mẹ ở đó để nâng đỡ, an ủi và tiếp thêm sức mạnh cho con cái mỗi lần vấp ngã sẽ tốt hơn là ép buộc chúng đi theo đường mình “vẽ”, trở thành áp lực, gánh nặng tâm lý của con cái tới mức bất chấp sự bảo vệ mù quáng của cha mẹ, chúng tự quay ra gây tổn thương cho chính mình.