Cứ có “hoa đồng tiền” là tươi

Nói ra thì anh giống như một kẻ xét nét, bần tiện nhưng thú thật, anh không tài nào “thăng hoa” được trong đêm tân hôn khi trước đó ít phút, phải ngồi đợi chị đếm đếm ghi ghi số tiền mừng cưới.

Hình ảnh ấy của chị lặp lại ngay sáng sớm hôm sau, rồi thì anh không bao giờ còn “gặp” lại số tiền ấy nữa. 
 
Cứ có “hoa đồng tiền” là tươi


 

Một lần kẹt tiền, anh rào đón hỏi chị về tiền mừng đám cưới thì chị nhăn nhó bảo đã trích dần vào những khoản quan hệ xã hội, đáp lễ người ta. Chưa kể chị tiêu tiền dành dụm của anh trước ngày cưới để sắm vô số quần áo, giày dép, tới khi anh phát hiện thì chị “chiến tranh lạnh”, lại còn vin vào con trai mà lúc đó chị đang mang nặng để gây áp lực với anh... 

 

Mấy năm chung sống bên nhau có biết bao chuyện vui buồn, thế nhưng ngẫm lại, mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ tiền cả. Đầu tháng lãnh lương thì không khí rôm rả, gần cuối tháng lại buồn tẻ, ngột ngạt. Ra ngoài ăn uống, vui chơi mà anh chi tiền thì chị hớn hở, còn anh ngó lơ để chị mở bóp thì thể nào chị cũng bực bội, dấm dẳng chuyện không đâu. Dù suy cho cùng, tiền trong bóp chị chính là số tiền mà anh đưa cho chị lo việc chi phí trong nhà mỗi tháng. Chi phí này liên tục tăng lên không theo giá thị trường mà theo yêu cầu của chị, đến nỗi anh chịu không nổi, cách đây một năm, phải yêu cầu chị chung tay đóng góp. Từ lúc đó, chị bắt đầu chẳng nể nang gì anh, thậm chí tiêm nhiễm vào đầu con những suy nghĩ “chỉ có mẹ thương con”, “cái này chính mẹ mua cho con”...

 

Chị phân chia tiền nong rạch ròi khiến có lúc anh ngỡ ngàng tự hỏi họ đang là vợ chồng hay chỉ “góp gạo thổi cơm chung” theo đúng nghĩa đen. Tháng nào anh lỡ đưa tiền ít một chút, y như rằng chị để nhà bị cắt điện, nước hay internet, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Thế nhưng phần phải chi của chị thì đôi khi chị cố tình làm ngơ, như thay bình gas hay mua gạo, mắm muối... Bấm bụng bỏ qua hết lần này đến lần khác, anh thấy... thiệt thòi quá! 

 

Cái thiệt thòi về vật chất có đáng gì so với những tổn thương tinh thần mà anh đã chịu. Anh không bao giờ quên được năm đầu tiên sinh nhật chị mà anh chỉ mang về chiếc bánh kem. Gặp lúc cô bạn thân tới chơi, chị cắt hơn phân nửa bánh cho bạn, lý do: “Tớ không thích mấy thứ sến rện này”. Bạn vừa về, chị kiếm chuyện hỏi anh tiền tháng, anh than: “Chưa có”. Thế là chị nổi trận lôi đình, bảo: “Không có tiền, còn bày vẽ bánh kem”. Gặp hôm đó người giúp việc xin nghỉ, chị không thèm giặt ủi quần áo cho anh mặc đi làm, như một cách trừng phạt cái tội “không có quà cho vợ”. Rút kinh nghiệm những sinh nhật chị về sau, anh tặng luôn chị... tiền mặt cho ấm êm nhà cửa. 

 

Có lần, anh tâm sự những chuyện ấm ức này với cậu em vợ, cậu ấy cười hềnh hệch nói: “Bả (vợ anh) giống y chang tính má (má vợ anh), lúc nào có tiền là tươi như hoa. Thế nên anh ráng mà lao động, cứ mang được hoa đồng tiền về là bà cười suốt ngày cho xem”. Anh nghe cậu ấy đùa mà lòng dạ tê tái, tình cảm vợ chồng cứ phải có hoa đồng tiền xen vào mới tươi được thì kể cũng lạ...

 

Mới đây, vài lần đi uống bia với bạn bè, khách hàng về mệt anh ngủ say. Khi tỉnh dậy, anh đều phát hiện thấy trong ví hụt đi vài tờ tiền mệnh giá lớn. Anh nhẹ nhàng hỏi vợ thì chị hét toáng lên, la rằng anh “lấy tiền cho gái rồi không nhớ còn về đổ cho vợ”. Anh buồn lắm! Vợ chồng mà phải tính toán với nhau từng đồng, phải canh chừng nhau từng chút như nhà có trộm, liệu tình cảm có vẹn tròn?!

 

Theo Đỗ An

PNVN