Con không giống cha, có lẽ nào tôi là người “đổ vỏ”?
(Dân trí) - Ba mươi tám tuổi tôi mới lấy vợ nhờ người quen mai mối. Vợ tôi cũng đã ngoài ba mươi. Ở quê, phụ nữ tuổi ấy cũng đã được liệt kê vào tuối “ế”. Có lẽ vì thế mà qua vài lần gặp gỡ cô ấy đồng ý lấy tôi, dù nhà tôi không giàu có và về ngoại hình thì cô ấy xinh xắn còn tôi cục mịch không khác gì một đôi đũa lệch.
Vợ tôi trước đây làm thuê trên thành phố. Không ai biết chính xác cô ấy làm gì nhưng mỗi lần về đều là lượt phấn son. Người ta nói ai ra thành phố cũng đều thay đổi như thế. Nhưng cũng có người nói cô ấy không học hành đến nơi đến chốn, xinh đẹp thế chắc chỉ làm tiếp viên quán nhậu hay quán karaoke. Rồi cô ấy về làng mở một quầy tạp hóa, bán túc tắc đủ sống qua ngày. Tôi cũng không để ý đến những chuyện người ta đồn đại lắm.
Qua người mai mối, chúng tôi chỉ đi lại một thời gian ngắn rồi làm đám cưới. Trong thời gian tìm hiểu chúng tối có “ăn cơm trước kẻng”. Vậy nên ngày cưới tôi được dẫn “cả trâu lẫn nghé” về nhà.
Vợ tôi tính tình cùng nhanh nhẹn khôn ngoan nên khá được lòng gia đình chồng. Mấy gã đàn ông thì bảo tôi lấy được nàng chẳng khác gì “mèo mù vớ được cá rán”. Cuộc sống kể ra như vậy cũng không có gì phải phàn nàn, cho đến khi con trai tôi ra đời.
Người ta hay nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, còn con trai tôi xét một cách toàn diện chẳng có nét gì giống tôi, từ màu da cho đến đôi mắt, cái miệng, cái mũi, cái mày. Mà nó cũng chẳng giống mẹ. Thằng bé đẹp như tranh vẽ, nhìn qua sẽ chẳng ai bảo nó là con tôi.
Mẹ tôi từ chỗ vui mừng được đón thằng cháu đích tôn nay trở nên lạnh nhạt. Đã mấy lần bà bóng gió với tôi “coi chừng mày đi đổ vỏ cho thằng khác”. Những lời nói vô tình của anh em láng giềng càng khiến bà bực mình ra mặt. Bà không thích bế cháu, nếu mà vợ tôi bận nhờ bà bế thì bà cũng cưng nựng cháu bằng những lời khó nghe: “Thiên hạ họ độc mồm, họ bảo thằng tó con không phải cháu của bà. Nếu không phải cháu bà thì bà vứt ra đường, nghe chưa?”. Vợ tôi biết hết, cô ấy nghe hết nhưng không phản ứng cũng không nói năng gì.
Người ta có xỏ xiên gì tôi cũng không quan tâm nhưng chính thái độ dửng dưng của vợ tôi lại làm tôi nghĩ ngợi. Gặp phải tôi mà bị người ta bóng gió thế thì tôi bực lắm, nhưng cô ấy thì chẳng quan tâm ai nói gì. Kể cả mẹ tôi có nói kháy trước mặt cô ấy cũng chẳng thèm để ý. Vậy cho nên tôi lại đâm nghi ngờ hay thằng bé không phải con tôi thật. Hay là cô ấy đã ăn nằm với người khác có bầu rồi nên mới dễ dàng chấp nhận tôi như thế. Bao nhiêu câu hỏi xoay vòng trong đầu khiến tôi khó chịu.
Một lần không nén nổi sự tò mò, tôi hỏi vợ:
- Sao người ta cứ bóng gió thằng bé không phải con anh mà em chẳng nói năng gì thế?
- Em có tật đâu mà phải giật mình. Tai gần miệng, ai nói nấy nghe, em quan tâm làm gì cho mệt xác.
- Nhưng mẹ cũng nghĩ thế. Anh không muốn em sống mà bị người ta dị nghị. Hay là kiểm tra ADN?
- Anh muốn kiểm tra ADN cũng được. Ai nói gì tôi cũng kệ, nhưng nếu anh cũng nghĩ như thế thì tôi sẽ ngay lập tức bế con ra khỏi nhà, coi như nó không có bố.
Cô ấy tỏ vẻ tức giận thực sự khiến tôi phải hết lời xoa dịu cô ấy. Thế nhưng rồi tôi lại nghĩ nếu đó đúng là con tôi thật thì tại sao cô ấy lại không muốn cho tôi kiểm tra ADN. Và suy nghĩ ấy càng ngày càng lớn trong đầu tôi.
Đã mấy lần tôi định lén nhổ tóc thằng bé đưa đi xét nghiệm. Nhưng tôi lại sợ nếu thằng bé không phải con tôi thì tôi sẽ xử lý thế nào. Tôi không muốn bỏ vợ nhưng cũng không thể chấp nhận nó nếu đó không phải con tôi. Còn nếu nó là con tôi thì tôi sẽ cảm thấy có tội. Đó là chưa kể nếu vợ tôi biết được cô ấy sẽ ôm con bỏ đi ngay.
Tôi đã ở tuổi này rồi cũng không muốn đời mình có biến động xáo trộn gì nữa. Nhưng cứ sống trong nỗi hoang mang nghi ngờ như thế thật chẳng dễ chịu chút nào.
T. T. Tùng