Có những người mẹ như thế

(Dân trí) - Dạy con chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Cha mẹ tốt dạy con đã khó, cha mẹ không tốt thì dạy con bằng cách nào đây? Những con đường con đi ngập tràn ánh sáng hay bóng tối, một phần lớn là do sự dẫn dắt của cha mẹ.

Có những người mẹ như thế - 1

Hôm qua, tôi được ông xã cho xem một đoạn video trên mạng. Xem xong tôi đã ước giá mà tôi chưa xem thì tốt hơn. Đó là đoạn video do camera an ninh của một cửa hàng ghi lại cảnh hai mẹ con dàn cảnh vào ăn trộm điện thoại. Trong khi người mẹ giả vờ xem hàng ngó nghiêng thì cậu con trai vào quầy và lấy một chiếc điện thoại nhét vào người. Cậu bé còn rất nhỏ, có lẽ đã được mẹ chỉ dẫn cẩn thận. Cũng có thể đây không phải là lần đầu cậu bé thực hiện hành vi này. Dù gì đi nữa, xem xong vẫn thấy xót xa. Trẻ con như tờ giấy trắng, tô màu hồng hay màu xám lên đó là việc của người lớn. Một chiếc điện thoại không làm cho người ta trở nên giàu có hơn, nhưng đã khiến tâm hồn của một đứa bé con trở nên nhàu nhĩ. Và liệu con có vì thế mà trượt dài trên con đường tội ác trong tương lai không, thật khó để đoán định.

Tôi còn nhớ cách đây ba năm, khi vợ chồng tôi mới ra Hà Nội lập nghiệp, việc đầu tiên khi ra thủ đô chính là tìm nhà trọ. Tìm đến cuối ngày mới có một phòng ở ưng ý. Chủ nhà trọ là hai vợ chồng rất trẻ, có ba đứa con xấp xỉ từ 2 đến 5 tuổi. Nhà rất rộng, nhiều phòng, ở không hết nên cho thuê.

Ngay ngày hôm sau, khi tôi đi chợ ở đầu ngõ, bà bán thịt kéo tay thì thầm: “Cô ơi, sao không thuê chỗ nào lại đi thuê nhà ấy”. Tôi lắc đầu không hiểu. Vậy là bà ấy kể tôi nghe những “thành tích bất hảo” của gia đình tôi đang thuê trọ. Bố đang ở tù chung thân vì buôn ma túy. Mẹ lãnh án 16 năm tù với tội danh tương tự. Cậu chủ nhà đã từng ở tù 8 năm vì tội danh cướp giật. Nghe xong tôi hoang mang về bảo chồng đi tìm chỗ ở mới. Chồng tôi nghe xong chỉ bảo: “Làm sao cứ xồn xồn lên thế. Việc mình mình làm, cơm mình mình ăn, động chạm gì đến ai mà sợ. Cứ ở ít bữa xem thế nào nào”. Sống rồi thấy cũng quen. Cô vợ nhìn có vẻ ghê gớm nhưng khá vui vẻ và biết điều. Còn anh chồng, tôi không hiểu sao nhìn hiền lành chân chất thế lại có thể từng đi cướp giật được.

Một lần tôi mua mấy lốc sữa tươi về cho con, vừa xách để ở bàn, quay vào quay ra đã không thấy đâu. Đây không phải lần đầu nên tôi biết chỉ có thằng bé con nhà chủ. Tôi nịnh nọt mãi nó mới về chui vào gầm giường lôi ra trả. Đúng lúc đó bố cậu bé về. Tôi đem chuyện này nói với cậu ấy. Vừa nghe tôi dứt lời, cậu ấy đã cầm ngay cây chổi quất tới tấp vào người cậu bé, vừa đánh vừa mắng khiến tôi phát hoảng. Cậu ấy bảo tôi: “Chị đừng can, để tôi dạy nó, bằng tuổi này đã đi ăn cắp, lại muốn đời mình giống bố nó hay sao?”

Sau đó cậu kể tôi nghe tuổi thơ của cậu. Ngày cậu mới lên 8, một lần theo mẹ ra phố, trên xe buýt, cậu thấy có người đàn ông dùng hai ngón tay thò vào túi quần một người khác, nhanh nhẹ rút ra chiếc ví cho vào túi mình. Cậu nghĩ bụng “tưởng gì, việc ấy không khó”. Lúc xuống xe, thấy con mình xòe ra trước mặt chiếc ví màu nâu, mẹ cậu ngạc nhiên hỏi ở đâu ra. Cậu tường thuật lại câu chuyện, bà mẹ cười khoái trá vỗ đầu khen con giỏi. Hôm đó về nhà, mẹ cậu còn vui cười kể với bố cậu: “Thằng N nó nhanh tay thật đấy bố mày ạ”. Cậu nói cậu học không giỏi, chưa bao giờ được khen, đó là lần đầu tiên cậu được bố mẹ khen như thế. Được khen, hẳn là việc làm đó cũng chẳng xấu xa gì lắm. Kể từ đó cậu đã chẳng còn hứng thú chuyện học hành, chỉ hứng thú chơi trò “hai ngón” bất cứ lúc nào có thể. Và kết quả của chuỗi ngày dài lêu lổng ấy được kết thúc bằng bản án 8 năm tù vì tội cướp giật. Sau khi cậu thụ án được 5 năm thì bố mẹ cậu cũng bị sa lưới vì tàng trữ và vận chuyển heroin.

Giờ thì đời cậu đã sang trang mới rồi, đã biết chí thú làm ăn, có vợ và ba đứa con. Thế nhưng cậu không thể thay đổi cái nhìn đầy ác cảm của người đời về cậu. Và sự thật, những chuỗi ngày đã qua vẫn là dấu vết không thể nào xóa bỏ. Cậu nói, cậu không trách mẹ. Nhưng giá như mẹ cậu đừng ngợi khen và khích lệ khi cậu phạm tội lần đầu tiên, giá như cậu được lớn lên trong một môi trường được cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc hơn… Bao nhiêu từ “giá như…”cuối cùng cũng chỉ để dằn vặt, ước mơ và hối tiếc.

Tôi cũng từng một lần chứng kiến cảnh ở trong một cửa hàng tạp hóa, khi hai mẹ con nhà nọ sắp rời khỏi cửa hàng thì chủ quán gọi: Chị ơi, chị chưa trả tiền hộp bánh. Người mẹ nhìn hộp bánh trên tay con gái mình vừa rối rít xin lỗi vừa mắng con: “Sao con lấy bánh mà không nói để mẹ trả tiền. Lần sau không được tự lấy nữa nghe chưa?” Cô con gái chừng ba tuổi, nghe mẹ mắng thì òa khóc: “mẹ đưa cho con bảo con cầm cơ mà”. Người mẹ đưa trả hộp bánh rồi kéo tay con đi. Chủ cửa hàng nói, đây không phải lần đầu. Những lần trước khi thì gói bim bim, khi thì cây kẹo mút, chị chả tính làm gì. Nhưng lần này lại bảo con cầm cả hộp bánh mấy trăm nghìn, chị không “cho” được. Trót lọt thì không sao, không trót thì đổ tội cho con là xong. Ai lại đi trách một đứa bé 3 tuổi. Nghĩ mà thương cô bé, 3 tuổi đã bị mẹ mình đưa ra làm bình phong cho lòng tham.

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhiều người vẫn nói thế khi bất lực không dạy bảo được con. Dạy con- chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Cha mẹ tốt dạy con đã khó, cha mẹ không tốt thì dạy con bằng cách nào đây? Con đường phía trước con đi ngập tràn ánh sáng hay bóng tối, một phần lớn là do sự dẫn dắt của cha mẹ.

Mỗi lần đọc báo hay gặp ở đâu đó những đứa trẻ bị đánh vì ăn cắp, tôi thấy thương nhiều hơn giận. Bởi tôi vẫn nghĩ, khi trẻ con phạm lỗi, lỗi không hoàn toàn ở chúng.

Lê Giang