Chuyện tình chốn “Tây lương Nữ quốc”

Moso có lẽ là bộ tộc duy nhất trên thế giới không có khái niệm hôn nhân, những cuộc tình đến vào lúc nửa đêm và ra đi khi ánh bình minh ló rạng trên đỉnh Cách Mẫu - ngọn núi linh thiêng của người Moso, và tập tục “tẩu hôn” là một phần cuộc sống của họ ngàn năm qua.

Chúng tôi cất bước đến Lạc Thủy Thôn nằm ven hồ Lugu mờ sương.

 

Đây là một trong những thôn cổ xưa nhất của bộ tộc Moso, người Moso đến đây từ hơn 1.000 năm trước và vẫn giữ gần như nguyên vẹn tập tục cổ truyền xa xưa.

 

Không biết có phải vì đây là vùng đất của nữ quyền hay không mà cả thôn có 500 người nhưng nam giới lại chưa tới 200 người.

 

Phụ nữ Moso được xem là tự do luyến ái sớm bậc nhất thiên hạ, con gái khi đến 13 tuổi đã được tổ chức một nghi thức gọi là lễ thành nhân, được mặc chiếc váy trắng muốt (biểu tượng cho sự trưởng thành) và được tạo lập cho một căn phòng riêng được gọi là hoa lầu để tự do tìm hiểu, ái ân bạn trai mà không gặp phải một sự cấm đoán nào trong gia tộc cũng như cộng đồng.

 

Có lẽ vì thế mà người ta đồn thổi rằng nam giới lạc bước đến đây được cưng như trứng mỏng và được tự do ân ái vì tình trạng nam thiếu nữ thừa.

 

Hôm đến thăm nhà Thaxi Zouma, cô gái Moso mới 20 tuổi, cô đã không ngần ngại đưa chúng tôi lên thăm hoa lầu của cô trong ngôi nhà được cất theo lối tam hợp viện.

 

Một gian phòng khang trang khá đẹp mà “trọng tâm” của nó là chiếc giường phủ màn hồng huyền ảo. Với người Moso, tình yêu đến rất tự nhiên và họ xem đó chính là hôn nhân thực tế. Ngay sau khi được làm lễ thành nhân - người con gái đương nhiên được “tẩu hôn”: nam không cưới, nữ không gả.

 

Chuyện tình chốn “Tây lương Nữ quốc”  - 1
 

Các cô gái Mosco trong điệu Giáp tha vũ

chuẩn bị cho đêm "tẩu hôn". 

 

Sau những đêm hát đối, nhảy điệu Giáp tha vũ, trai gái phải lòng nhau, trao cho nhau tín vật là món nữ trang bằng bạc, chiếc khăn tay, một món thuốc “đông trùng, hạ thảo”, hay chỉ cần người nam cào nhẹ vào tay người nữ hai cái và nếu người nữ đáp lại cũng bằng một cái cào nhẹ thì xem như sự luyến ái “tẩu hôn” đã bắt đầu.

 

Vào lúc nửa đêm, chàng trai lặng lẽ tìm đến dưới hoa lầu và ra ám hiệu, hoặc chỉ cần gọi khẽ: “Azhiu ơi, anh đã đến!”.

 

Do ngôn ngữ Moso không hề có tên gọi vợ chồng, do đó từ “azhiu” (bầu bạn) là từ ngữ trìu mến nhất trong quan hệ nam nữ, nàng sẽ mở cửa sổ cho chàng trai trèo vào hoa lầu để ân ái thâu đêm đến khi tới bình minh chàng trai phải rời khỏi hoa lầu trở về nhà mình, và nếu có gặp nhau ngoài đường thì vẫn xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

 

Thaxi Zouma sống trong hoa lầu đã nhiều năm, trong phòng của cô có khá nhiều tín vật bằng bạc quí giá, và cả một hộp “đông trùng, hạ thảo” to đùng, nhưng cô chưa một lần “tẩu hôn”, bởi theo Thaxi: “Em chưa tìm được azhiu nào ưng ý, tình yêu là tự do yêu thương mà không bị ràng buộc bởi dục vọng và hình thức - đó mới là tình yêu đích thực”.

 

Ở tuổi 20, nhưng Thaxi nói về tình yêu như người từng trải. “Tẩu hôn” là một phần quan trọng của cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc này. Càng có nhiều kinh nghiệm ái ân thì cuộc tình mới gắn bó bền chặt.

 

Người con gái “tẩu hôn” không cần cho gia đình mình biết đó là ai, thậm chí đến khi có thai, sinh con cho dù không biết bố đứa bé là ai, nhưng trong gia đình đều vui vẻ chấp nhận.

 

Một phụ nữ có quyền “tẩu hôn” với nhiều người đàn ông. Ông cụ Long Bu Jia Che đã 71 tuổi nhưng vẫn không hề biết cha mình là ai: “Mẹ tôi sinh ra tôi khi bà mới 19 tuổi. Khi sinh ra tôi, cả tổ mẫu lẫn ông cậu đều không hề quan tâm cha tôi là ai. Sau đó mẹ tôi lại “tẩu hôn” với nhiều người nữa và sinh ra hai đứa em gái, và chúng tôi vẫn coi nhau như anh em ruột thịt, rất hòa thuận”.

 

Tình yêu của người Moso đến nhanh và ra đi cũng rất nhanh như làn sương. Nếu tình cảm hai người không còn thì đường ai nấy đi, không hề có sự ghen tuông, hờn trách. Chỉ cần cô gái có bạn trai mới thì khi chàng trai cũ tìm đến dưới hoa lầu, cô gái nói vọng ra: “Anh đừng đến nữa, em đã có azhiu mới rồi!”, chàng trai sẽ tự động rút lui mà không hề oán giận cho dù hai người đã từng có những đứa con chung, những đứa con chỉ cần biết mẹ mà không cần biết cha chúng là ai.

 

Theo tư liệu trong “Một vương quốc vô phụ vô phu” của tiến sĩ Châu Hoa Sơn - giáo sư Trường đại học Hong Kong, người đã từng đến sinh sống và nghiên cứu người Moso trong năm 1998 tại làng Vĩnh Ninh (Ninh Lạng, Vân Nam, Trung Quốc), thể chế “tẩu hôn” Moso không hề có hôn lễ, đứa trẻ sinh ra không cần biết cha chúng và người mẹ nhiều lúc cũng không quan tâm cha đứa trẻ là ai.

 

Theo luật lệ Moso, họ được phép “tẩu hôn” cùng một thời gian với nhiều người đàn ông, nhưng khi sinh ra đứa trẻ nhất thiết phải được làm tiệc rượu đầy tháng, nếu không đó là sự nhục nhã cho cả dòng họ. Và người đàn bà sau “tẩu hôn” mà có thai và hạ sinh là điều tốt lành, thịnh vượng cho cả gia tộc. Người cậu (lão cửu cửu) trong gia đình sẽ đóng vai trò người cha nuôi nấng và chăm sóc đứa bé.

 

Trời mưa như trút nước, cái lạnh miền sơn cước như cắt vào da thịt, nhưng chúng tôi vẫn háo hức theo Tiểu Trần - một chàng trai Moso hát hay múa giỏi đến tham dự đêm Giáp tha vũ - đêm hội truyền thống của người Moso.

 

Đó là nơi nam nữ tìm hiểu nhau, trao cho nhau tín vật để chuẩn bị cho chuyện “tẩu hôn” vào lúc nửa đêm.

 

Ánh lửa bập bùng trong đêm, từng đoàn trai gái trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của người Moso càng làm cho đêm hội thêm huyền ảo, lung linh.

 

Điệu nhảy Giáp tha vũ gần như bất tận giữa đêm lạnh, từng ánh mắt, cái nắm tay như truyền hơi ấm cho nhau, lời bài hát “ma da mi” (anh yêu em) cứ cất cao, nồng nàn của bao đôi trai gái chuẩn bị bước vào cuộc hoan lạc như thuở hồng hoang.

 

Vậy mà Tiểu Trần như cắt đứt sự hưng phấn đang dâng cao của chúng tôi khi nói: “Đến để cho biết phong tục tập quán của bộ tộc chúng tôi thôi. Các anh không thể có được một đêm “tẩu hôn” hoan lạc đích thực của người Moso!”.

 

Hóa ra suy tôn nhục cảm, trai gái có thể sống với nhau như vợ chồng từ ánh mắt đầu tiên, tình yêu là không độc chiếm; nhưng lẳng lơ, đa tình và loạn luân nằm trong 10 trọng tội của luật lệ Moso.

 

Bộ tộc Moso được xem là hóa thạch sống của chế độ mẫu hệ từ thuở bình minh của loài người còn sót lại đến nay, nhưng bản năng cơ bản của con người không thể đến từ sự lợi dụng. Mọi biểu hiện gian dâm, đa tình “tẩu hôn” một lúc với nhiều cô gái còn nghiêm trọng hơn tội giết người.

 

Một người đàn ông lợi dụng sự tự do luyến ái để trong cùng một thời gian “tẩu hôn” với nhiều người đàn bà sẽ bị cả cộng đồng lên án, đuổi ra khỏi bộ tộc và đó sẽ là nỗi nhục truyền kiếp cho cả những thế hệ về sau. Chỉ có cái chết mới gột rửa hết nỗi ô nhục này.

 

Theo Tiểu Trần, từ rất lâu rồi trong cộng đồng Moso hầu như chưa nghe đến chuyện gian dâm, đa tình. Trước đây có một số chàng trai dân tộc Hán nghe nói xứ sở Moso tự do luyến ái và con gái Moso cực kỳ xinh đẹp và rất khỏe mạnh trong chuyện chăn gối nên đã tìm đến lợi dụng. Nhưng hầu như không một ai có thể tồn tại được nơi này và đều bị trục xuất ngay lập tức khỏi cộng đồng Moso theo luật của nữ vương ban ra từ ngàn đời nay.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm