Chuyện cô đơn thật và yêu thương ảo trong xã hội hiện đại

(Dân trí) - Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu mỗi ngày đều có một người ẩn danh nhắn tin cho bạn với những tin nhắn kiểu như: “Nhớ lắm!”, “Còn sống đấy chứ?”, “Nói chuyện đi mà!”…?

Chuyện cô đơn thật và yêu thương ảo trong xã hội hiện đại


Bạn chẳng biết người nhắn tin cho mình là ai, nhưng đặc biệt hơn nữa, người nhắn tin cho bạn cũng… chẳng biết bạn là ai. Đối với người này, việc ngày ngày cần mẫn nhắn tin cho bạn là một nhiệm vụ; cái tên và số điện thoại của bạn đối với người ta chỉ là một hạng mục công việc thường ngày.

Nghe có vẻ “lạ đời”, nhưng giữa bối cảnh xã hội hiện đại với guồng quay không ngừng nghỉ của áp lực công việc và cuộc sống, có rất nhiều dịch vụ lạ sản sinh ra để đi theo sau, “giải quyết” những hệ lụy từ cuộc sống hiện đại và từ cả… sự điên rồ của con người.

Trước đây, nhiều người có thể đã bất ngờ khi nghe về dịch vụ “ôm trong sáng” ở Nhật. Những người cảm thấy cô đơn tìm đến “quán ôm”, trả tiền để được ôm, để tìm một phút giây ấm áp, được vỗ về trong vòng tay ai đó.

Dịch vụ đang nói tới ở đây cũng tương tự, tạm gọi là dịch vụ “người yêu vô hình”. Những người muốn sử dụng dịch vụ này phải trả phí hàng tháng. Đổi lại, người dùng dịch vụ sẽ nhận được những tin nhắn quan tâm gửi tới thường xuyên vào điện thoại của mình, như thể tin nhắn của người yêu.

Chuyện cô đơn thật và yêu thương ảo trong xã hội hiện đại


Dịch vụ này thoạt tiên nghe có vẻ kỳ lạ, thậm chí là “ngớ ngẩn”, buồn cười, nhưng có cung thì mới có cầu, thực tế, dịch vụ này hiện giờ đang dần trở nên phổ biến với các loại hình ngày càng đa dạng. Những người sử dụng dịch vụ thường là những người cô đơn, khao khát nhận được sự quan tâm, bất kể đó là sự quan tâm ảo và cần phải trả phí.

Trong xã hội hiện đại, sự cô đơn, trống rỗng là một hệ lụy đã được nhắc đến nhiều. Những con người cô đơn tìm tới dịch vụ này để có được… những cuộc chuyện trò bằng tin nhắn. Vậy là, những tin nhắn được gửi đi “tằng tằng” theo nhiệm vụ sẽ có thể khiến người nhận “nức nở” cảm động.

Những người nhận làm công việc nhắn tin này thường là những người chưa tìm được việc làm ổn định, hoặc những bà nội trợ muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi. Họ có thể làm việc tại nhà, lại kiếm thêm được chút đỉnh từ việc nhắn tin cho người lạ. Đầu tiên, người nhắn sẽ được đọc qua thông tin cá nhân của khách hàng, được xem lịch sử tin nhắn của khách hàng với những người nhắn trước đó.

Vì có nhiều người luân phiên nhắn tin cho cùng một khách hàng nên giọng điệu cũng thay đổi luôn, lúc hài hước, lúc khiêu khích, lúc dịu dàng… Những tin nhắn này được thực hiện bởi những con người thật, vì vậy, người nhận hiểu rằng họ đang được giao tiếp với một con người (chứ không phải một tổng đài gửi tin nhắn tự động).

Chuyện cô đơn thật và yêu thương ảo trong xã hội hiện đại


Cả người gửi và người nhận tin nhắn đều hiểu họ chỉ đang “đóng kịch” trong một dịch vụ có trả tiền, nhưng điều quan trọng hơn đối với những khách hàng cô đơn, đó là họ đang được giao tiếp với một con người thật, được vô tư thể hiện mình mà không sợ bị phán xét, hơn nữa lại phần nào giải tỏa được sự cô đơn chất chứa.

Chính điều này đã làm nảy sinh những vấn đề phức tạp ngoài dự kiến. Nhiều người làm nhiệm vụ gửi tin nhắn nhiều khi cảm thấy khó xử bởi dần dần những tin nhắn trở nên quá thân mật, có những khách hàng thậm chí còn muốn chia sẻ những bí mật cá nhân, những chuyện đời tư thầm kín.

Mỗi tin nhắn gửi đi, người làm nhiệm vụ nhắn tin chỉ nhận được vài xu, nhưng đổi lại, sau một quá trình nhắn tin qua lại, họ có thể phải đối mặt với những vấn đề “hại não”, “đau đầu”.

Giờ đây, khi dịch vụ “người yêu vô hình” đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, nhiều nhà cung cấp dịch vụ còn muốn mở rộng loại hình kinh doanh này sang cả tặng quà và gửi thư tay. Đây là một “tầm cao mới” của loại hình cung cấp “yêu thương ảo”.

Chuyện cô đơn thật và yêu thương ảo trong xã hội hiện đại


Đối với những “ca khó”, khi khách hàng bỗng phát sinh tình cảm với “người yêu ảo”, giờ đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã yêu cầu những người làm nhiệm vụ nhắn tin không được từ chối thẳng thừng tình cảm của khách hàng.

Đây là một loại hình dịch vụ vừa thú vị vừa kỳ khôi, vừa ý nghĩa vừa “rùng rợn”. Một dịch vụ giúp xoa dịu nỗi cô đơn có thật bằng những yêu thương, quan tâm rất ảo (và cần trả phí). Câu hỏi sau cùng, liệu rằng hạnh phúc mà người sử dụng dịch vụ cảm nhận thấy (nếu có) nên được coi là hạnh phúc thật hay ảo?


Bích Ngọc
Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm