Chuyện cái ví

Ngẫm cho kỹ, vật chứng bất ly thân theo sát những câu chuyện tình từ lúc mới quen, dù kết cục có đường ai nấy đi, hay ở bên nhau đến tận phút cuối, hoá ra lại là cái nằm bẹp dí dưới mông chàng, hay im lặng trong tay nàng: chiếc ví!

Câu chuyện tình yêu được kể bằng lời của những chiếc ví lại là câu chuyện sống động và hiểu rõ nhất chuyện đôi ta…

 

Ai chung - Ai chi? - Một câu hỏi lớn không lời đáp!

 

Đã xa lắm rồi cái thuở yêu nhau chỉ cần uống nước trắng, ngồi nhìn vào mắt nhau mà thấy vui. Tình yêu đi lên, ví tiền đi xuống. Tình phí ngày càng đắt đỏ. Câu hỏi "ai chung - ai chi?" luôn được đặt ra và gây đau đầu cho đa số người trong cuộc.

 

Thời gian đầu, có thể có người toàn tâm toàn ý tự nguyện cống nạp thật nhưng về lâu về dài sẽ không ổn chút nào. Nàng không thể cứ đóng vai con nai vàng ngơ ngác, vô tư vô tội trước mọi hoá đơn tính tiền. Chàng cũng chẳng để yên cho nàng ngơ ngác mãi. Như chuyện T. Trung ( 24t, nhân viên marketing), suốt thời gian đầu cưa cẩm, đến lúc nhận lời yêu, điểm nổi bật nhất mà Trung nhận được ở nàng là không-bao-giờ-mang-ví(?!).

 

Từ mua bịch khăn giấy 1.000đ đến bữa ăn 50.000đ, tất tật Trung chi. Đến một tối về khuya, bể bánh xe, ban tối Trung lỡ tiêu hết tiền, chàng và nàng cùng bó tay! Dắt bộ suốt 5km đưa nàng về nhà, thêm 3km nữa về nhà mình, Trung ngậm ngùi chia tay với người yêu là "phu nhân trùm sò".

 

Dù rằng trên thực tế, sự độc lập về tài chính cũng chỉ là tương đối thôi, vì bao giờ phận làm trai cũng nên chi trả nhiều hơn. Thực tế hơn thì chọn lối Mỹ: share sòng phẳng cho khỏi ai có cảm giác nợ ai. Tuy nói thật, có sòng phẳng thì cũng nên bên tám lạng, người nửa cân.

 

Nhiều tình yêu lạnh lùng đến mức cảm giác tình yêu ấy như bàn cờ tướng, vạch nước nào đi nước ấy. V. Hùng và T. Tiên, quen nhau lúc còn là du học sinh ở Úc, sống kiểu Mỹ quen rồi.  

 

Mỗi đầu tuần, Vinh đưa Trúc cố định 200.000đ làm tình phí tuần ấy. Trong tuần có ăn uống, chơi bời, quà cáp tiệc tùng của cả hai, Trúc cứ lấy tiền ấy ra chi trả hết. Cuối tuần, tổng kết lại, nếu dư, Trúc giữ lấy tiêu xài riêng. Chẳng may tuần nào lỡ chi ra nhiều quá, thiếu bao nhiêu Trúc cũng tự động lấy tiền túi mà bù thêm vào.

 

200.000đ là cứ đúng boong 200.000đ, cấm không được mè nheo thêm. Ai bảo độc tài, gia trưởng, Vinh cứ cười hề hề: "Đó là chiêu dạy vợ của tui mà... Có thế mới nắm tay hòm chìa khoá sau này được chớ!".

 

Đi ăn: share, vé xem phim: share; chàng qua đón nàng đi chơi: tiền giữ xe nàng trả; quà Valentine chàng tặng nàng cái áo trị giá 100.000đ, nàng đáp lễ một chiếc cà vạt 105.000đ. Yêu nhau cũng độ nửa năm, T. Tiên cầu cứu bạn bè: "Anh ấy cái gì cũng tốt, nhưng cứ yêu nhau kiểu này, tao tính toán nhức đầu chết mất! Đi chơi mà trong đầu cứ lo lẩm nhẩm tính tiền để tí về chia nhau".

 

Ví anh - ví em - Ví chúng ta!

 

Câu hỏi được đặt ra thế này: "Chúng mình tuy hai mà một, thế ví chúng mình có tuy một mà hai không hở em (anh)?!?". Thật sự câu trả lời dù "gật" hay "lắc" cũng làm người ta phải méo mặt!

 

Đơn giản nhất là xài quỹ chung. Con heo đất - tài sản đứng tên chung đầu tiên của hai người. Nó có thể khởi đầu cho vô vàn thứ "chung" khác, và cũng có thể sẽ chẳng còn gì mang tên chung nữa, kể cả tình yêu. Phần nhiều các bạn trẻ ở tỉnh cùng lên thành phố học hành, làm việc, yêu nhau và quyết định thuê nhà ở chung cho tiết kiệm tiền điện, tiền nước, tiền ăn... Số khác thích hiện đại, bỏ nhà làm cuộc sống thử trước hôn nhân… Xài ví chung cũng là điều dễ hiểu.

 

Kinh nghiệm rút ra từ chiếc ví xài chung này là lúc vui vẻ đầm ấm thì không sao, cẩn thận lúc gây gổ, chia tay. Bao giờ, tiền bạc cũng là thứ làm người ta mất lòng tin về nhau nhanh nhất. Ở khu nhà trọ gần ga Hoà Hưng, hàng xóm vẫn kể nhau nghe trận thư hùng chí tử của một cặp yêu nhau từ thời SV thuê nhà ở chung đã 3 năm.

 

Chàng và nàng xài ví chung, mỗi người góp vào 1triệu/ 1 tháng. Luân phiên mỗi người cầm trịch chi trả một tuần. Ỷ có phần đóng góp của mình, đến phiên mình giữ ví, mạnh ai nấy mua sắm thả ga cho nhu cầu riêng của mình, không ai thèm đếm xỉa lại xem ví còn bao tiền.

 

Hôm ấy, mì hết, gạo hết, chàng lại cảm cúm cần mua thuốc. Sờ ra, ví toang hoác… Trong trận ném đĩa, tung bát mù mịt ấy, nghe rõ tiếng la chói lói: "Anh ăn trộm tiền tôi cờ bạc…", "Cô là người đua đòi! Ăn diện quá mạng nên hành tôi khổ thế!"...

 

Bản bonus bổ sung cho chuyện xài quỹ chung là đứng tên xe, nhà cửa, shop kinh doanh… hộ nhau. Của anh tên em thôi mà. Phổ biến nhất vẫn là đứng tên đăng ký chủ quyền xe. Lý do thì nhiều lắm: một trong hai không có hộ khẩu thường trú; đứng tên xe giùm... Yêu nhau mà, đến giấy khai sinh của con còn đứng tên chung được, huống hồ gì đứng tên xe giùm.

 

Song đôi khi sự đời đâu đơn giản thế, vì xe cộ đo lường được (bằng tiền), còn lòng người nông sâu khó lường. Con xe Piaggio cáu cạnh 6.800 USD của Đ. Dũng (chủ shop N.L) nằm trong tình trạng ấy, được người yêu Dũng đứng tên hộ. Đùng một phát, do mai mối, nàng đi lấy chồng Việt kiều. Trước khi đi nàng không quên bán con Piaggio ấy (đứng tên nàng mà!). Thôi, coi như "của hồi môn" Dũng tiễn người yêu đi lấy chồng!

 

Tương tự như ai đó nếu có "lỡ" cho người yêu mượn tiền. Lúc tiền trao tay ấy, cả người vay lẫn người cho vay mấy ai nghĩ dại đến chuyện chia tay. Đ. Hiếu (23t), gặp lúc nàng than mẹ nàng làm ăn thiếu nợ, không suy tính, Hiếu về lén trộm chiếc nhẫn kim cương của mẹ bán lấy tiền cho nàng vay. Lần sau, đến ba nàng đau ốm, Hiếu cầm tiếp chiếc Spacy của bố. Nghĩ đơn giản thôi "trước sau gì nàng cũng là vợ mình..." nhưng chưa kịp dâu con gì thì ba mẹ Hiếu phát hiện, một hai đòi lại tài sản. Khi ấy, nàng đã chọn giải pháp là "ngậm ngùi" chia tay với Hiếu...

 

Chả trách, các chàng có câu "ranh ngôn" nghe ai oán: "Tình đến theo bước chân em đến và tiền đi theo bước chân em đi!", ghê rợn hơn: "Tiền hết, tình tan, đời lựu đạn!".

 

"Tình là cõi phúc, tiền là dây oan…"

 

Kết thúc Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đúc kết bằng câu: "Tu là cõi phúc, tình là dây oan". Riêng trong cõi tình, cũng có một version thế này: "Tình là cõi phúc, tiền là dây oan".

 

Những hàng rào kẽm gai của tình yêu mà chăng mắc bởi tiếng sột soạt của xấp giấy bạc, vết cứa sắc bén và ngọt lắm. Nó khiến tình yêu trầy xước và rỉ máu khi nào không hay. Và những câu chuyện tình kết thúc bởi vì tiền, quả là oan lắm! Vì tình yêu không đáng bị đối xử như thế! Thôi thì chỉ mong, "còn tình yêu ấy, lỗi lầm sẽ qua…".

 

Theo Sài Gòn tiếp thị