Chuyện cái roi tre

(Dân trí) - Mất cả tháng trời chị không sao tìm được cái roi tre để treo “làm phép” trên tường nhà cho thằng nhỏ biết sợ mẹ. Cái chuyện tưởng như quá đơn giản và vặt vãnh, ấy thế mà làm chị điên cả đầu.

 
Chuyện cái roi tre


 

Ở thành phố lớn vào loại nhất nước này, tưởng như không thiếu cái gì vì bước ra cửa là gặp cửa hiệu, hàng quán vây bủa, ấy thế mà để tìm một chiếc roi tre, chị đành bó tay!

 

Đám bạn bè nghe chuyện, ai cũng bật cười. Nhưng khi chị nghiêm túc nhờ chúng kiếm cho chị một cái roi tre, ngẫm một lúc rồi đứa nào cũng ngớ ra bảo, “ừ nhỉ, lấy đâu ra thứ đó ở đây bây giờ?”. Thành phố giờ chỉ toàn nhà ken nhà, tường nhà nào nhà nấy chỉ chực chờ hàng xóm lơ là một chút là xổ thêm, lấn ra cho thật sát với mép ranh giới, lấy đâu ra chỗ cho cỏ mọc, đừng nói tới chuyện một thứ cây “xa xỉ” dạng thân cành to hơn cỏ có thể chen chân. Bảo thành phố không có cây thì không đúng. Nhưng đó chỉ là những cây trong bồn, trong chậu, những cây được xếp vào loại làm cảnh được chăm chút từng cái lá, cái rễ, đừng hòng nghĩ tới chuyện bẻ cành làm roi cho con. Vậy là cái chuyện tưởng rất be bé của chị, kiếm cái roi để thị uy với thằng nhỏ đang tuổi cãi bướng, thành ra vô cùng nan giải. “Ở quê mình ấy à, chạy ra vườn thì có cả một ôm rồi”, chị buột miệng lẩm bẩm khi bất lực ngắm nhìn các cao ốc chọc trời, những trạm phát sóng, những cột ăng ten, những bồn nước, những máy thông gió đang cố vươn lên hoạt động hết công suất trên các mái nhà.

 

Đô thị ngày càng trở thành mảnh đất xa lạ với thiên nhiên. Và con người, cũng như đang ngày càng quên mất mình đã từng được sống giữa một thiên nhiên ngập tràn khí trời với nắng và gió. Đến một cái roi tre cũng không kiếm nổi, thực khó để hình dung cuộc sống nơi đô thị đang ngày càng trở nên nhân tạo tới mức nào. Chị bật cười, ừ thì cứ cho là khi quy hoạch, người ta không nghĩ tới việc có một chốn “sản xuất roi” cho các bà mẹ nghiêm khắc như chị, thì cũng phải nghĩ tới một thứ không gian thật sự thiên nhiên cho con người chứ. Đôi khi, nhìn những bóng người nhỏ bé ngoi ngóp dưới các ngõ nhỏ chật chội, rồi biến mất sau các cánh cửa kín mít riêng biệt của từng căn hộ chung cư, lòng chị u uất một nỗi niềm không biết là thương họ hay thương mình nữa.

 

Không có roi tre, thằng bé dường như nghịch ngợm hơn và cũng bớt sợ mẹ hơn. Chị cũng thấy, vẻ như, sự uy nghiêm của mình phần nào bị giảm sút, mặc dù cả chị và nó đều biết, cái roi ấy lắm khi chỉ treo để “làm phép”, có mấy khi được dùng đến. Rồi tự nhiên chị thấy thương con. Đang và sẽ có nhiều thế hệ như nó, lớn lên không biết thế nào là “roi tre”, không biết thế nào là thiên nhiên cây cỏ xung quanh, chỉ biết tới thức ăn nhanh và những trò game siêu tốc. Thế hệ ấy sẽ có rất nhiều những gương mặt đờ đẫn vì ngồi quá lâu trước máy tính, sẽ chỉ cắm mặt vào màn hình điện thoại hay ipad và chỉ ngẩng đầu lên trả lời chiếu lệ khi có ai đó hỏi han. Tạm dẹp qua nỗi bực mình vì việc không tìm thấy chiếc roi tre, chị biết, mình phải kéo thằng bé ra khỏi “thế giới không có roi tre” này. Dĩ nhiên, không phải tới một thế giới có roi tre khác, mà là thế giới của những điều không “ảo”, của những đời thường chân thực và thô nháp. Đó mới là chiếc “roi tre” thực sự cần cho nó lúc này.

 

Đỗ Dương