Chuyện cái dây phơi

(Dân trí) - Ngày mới chuyển về xóm trọ mới, chị ái ngại nhìn chiếc dây phơi quần áo chung. Cả dãy có tới mươi hộ mà chỉ duy nhất cái dây dài chừng bảy mét chăng ở giữa. Ai phơi, ai đừng? Nnghĩ thì nghĩ vậy, việc phơi chị vẫn phải phơi.

Chuyện cái dây phơi


Giống như cuộc tranh giành lặng lẽ nhưng không kém quyết liệt, thoạt đầu chị cố gắng dậy sớm giặt giũ. Ngay buổi đầu, mới 6h sáng, dây phơi đã ăm ắp áo quần. Chị hơi nản, cố tìm chỗ nào còn có thể len vào.

Những ngày tiếp sau, rút kinh nghiệm, chị chuyển sang giặt buổi tối, thật muộn và đem phơi. Tình hình khả dĩ hơn. Dây phơi trống và lũ quần áo như cũng hớn hở vui đùa trong gió thênh thang. Nhưng buổi sáng, định thu quần áo vào nhà trước khi đi làm, chị phát hiện một số cái đã bị ẩm lại do quần áo ướt của một vài nhà khác phơi thêm. Nản thật.

Thôi thì đất không chịu trời, trời đành phải chịu đất. Những ngày sau, tiện lúc nào giặt lúc đó, chị không cố thức khuya hay dậy sớm để giành chỗ phơi nữa vì xét ra “lợi bất cập hại”, lại mất thời gian.

Một buổi chiều, ngồi trên cơ quan, thấy trời nổi giông đen kịt, chị giật mình lo ngại nghĩ tới đám quần áo ở nhà. Chán thật, giá mình cất được trước khi đi. Chờ tạnh cơn giông, chị hối hả về nhà. Trong bụng chắc mẩm phải giặt và phơi lại đống quần áo dính mưa.

Lạ chưa, nép vào góc dây phơi được che chắn cẩn thận, đám quần áo nhà chị trông thật yên ổn. Một bàn tay nào đó ở nhà đã kịp thời giúp những người đi vắng lúc cần thiết. Chị nhìn quanh, các cửa nhà đều khép. Không biết cần phải cảm ơn ai, nhưng lòng chị tự nhiên ấm áp. Hóa ra cái dây phơi không chật như lâu nay chị vẫn nghĩ. Thoáng đỏ mặt vì những so đo ích kỷ mình từng có.

Những lần phơi quần áo sau này, chị đều gắng để quần áo ướt của mình không làm ẩm lại những món đồ đã gần khô của người khác. Chị cũng quên luôn việc phải làm thế nào để nhanh chân có một chỗ phơi rộng rãi trên cái dây chật hẹp của xóm trọ.

Đỗ Dương