Chút nghĩa cũ càng

(Dân trí) - Chị nhìn người đàn ông tóc muối tiêu đang hăm hở chơi cầu lông với hai thằng nhóc lên sáu, không tin nổi người đó đã từng gắn bó với mình, đã bao năm ở bên chị, cùng khóc cười nhìn số phận trêu ngươi.

 
Chút nghĩa cũ càng


Nhớ năm xưa lúc mới cưới, ai cũng tấm tắc khen hai người khéo chọn nhau. Chị là giáo viên cấp ba, không đến nỗi sắc nước hương trời nhưng được cái cao ráo, lại đảm đang, khéo léo. Anh là bác sĩ trẻ tâm huyết rất được lòng mọi người. Chị làm dâu cũng chỉ dăm bữa nửa tháng vì bố mẹ anh vừa nghỉ hưu thì quyết định về quê sống, để lại cho hai vợ chồng căn nhà nhỏ trên phố. Bạn bè khen chị có số hưởng, giữa thời buổi ấy đã có nhà riêng, có bố mẹ chồng tâm lý.

 

Sống với nhau năm năm, anh chị đã có hai bé gái kháu khỉnh. Nhưng chị vẫn canh cánh trong lòng nỗi day dứt khó tả. Anh là con trai độc đinh, không sinh được mụn cháu trai nối dõi, xem chừng chị không còn mặt mũi nào nhìn họ hàng đằng nội. Vợ chồng cũng nhiều lần bàn với nhau cố kiếm thằng con trai, dẫu có bị kỷ luật hay đuổi việc cũng ráng chịu.

 

Oái oăm thay từ lúc hạ sinh con bé thứ hai, chị rất khó mang thai. Những lần hi hữu chị mang trong mình một mầm sống mới, anh chăm sóc vợ như nâng trứng hứng hoa nhưng không lần nào cái thai trụ nổi qua ba tháng. Chị khóc đến cạn nước mắt, anh nhìn chị xanh xao, tiều tụy, buồn chẳng nói nên lời.

 

Ngày tháng cũng trôi đi, con gái của anh chị càng lớn càng ngoan ngoãn, học giỏi. Biết bố mẹ buồn chuyện không có em trai, hai đứa luôn bảo ban nhau cố trở thành niềm tự hào của gia đình. Quả thật cả họ ai cũng tự hào vì hai cô cháu gái hiền lành, xuất chúng ấy. Cô chị đoạt giải nhì Hóa quốc gia, cô em lên cấp ba đã kiếm được học bổng du học toàn phần ở Singapore.

 

Chưa hết mừng vì hai con trưởng thành tử tế, tin vui mới lại bất ngờ ập đến. Có nằm mơ chị cũng không dám tin ở cái tuổi lưng chừng này chị vẫn có thể có con. Lúc siêu âm biết đó là con trai, hai vợ chồng ôm nhau khóc nức nở. Anh lấy điện thoại gọi cho hai cụ thân sinh mà miệng run lập cập, lắp bắp mãi mới nói thành câu.

 

Thằng bé lên năm tuổi, suốt ngày tíu tít nói cười, cả nhà ai cũng thương. Nhưng rồi nó sống mãi tuổi lên năm, chẳng bao giờ chịu lớn. Nó ra đi bất ngờ cũng như lúc đến, cả nhà không kịp trở tay khi nghe tiếng nó gọi “mẹ ơi lên đây chơi với con”, liền sau đó là âm thanh kinh hoàng, nó rơi từ lầu ba xuống. Lúc đưa vào bệnh viện, bác sĩ không còn cứu được.

 

Mất con trai, cuộc sống của gia đình như chìm vào địa ngục tăm tối. Bố chồng chị đổ bệnh, nằm liệt trên giường. Hai vợ chồng cứ như người mộng du, ngày ngày đi làm rồi về nhà, không nói không rằng. Sau giỗ đầu của nó, chị chìa ra trước mặt anh tờ đơn ly hôn, bảo anh hãy cứu bố. Chị biết ở Khoa anh có cô y tá trẻ vẫn để ý đến anh, chị cũng đã gặp cô ấy nói chuyện. Ban đầu anh kiên quyết không chấp nhận, nhưng chị mãi làm mặt lạnh. Chị nói không muốn nhìn thấy anh nữa vì con trai giống anh quá, chị thấy tội lỗi, thấy ám ảnh, đó là cách duy nhất khiến chị thanh thản.

 

Cuối cùng thì anh cũng trở thành chồng người ta. Chị nghĩ tâm hồn mình đã bớt đi chút day dứt nhưng nước mắt cứ rơi vỡ như có thứ gì thiêng liêng lắm vừa đổ nát dưới chân mình. Một năm sau, người ta gọi điện mời chị và các con gái đến dự lễ đầy tháng của hai thằng sinh đôi bụ bẫm. Chị mang rất nhiều quà sang thăm, gặp cả bố mẹ chồng đang giành nhau bế cháu. Bố anh từ ngày có cháu trai đã khỏe hẳn, chị cũng thấy an lòng.

 

Giờ hai đứa đã sắp vào lớp Một, ơn trời là chúng luôn khỏe khoắn, hồng hào. Chị vẫn ở một mình trong căn nhà cũ, con gái đã đi lấy chồng, cuối tuần nhà chị lại rộn ràng tiếng khóc cười của các cháu ngoại. Thỉnh thoảng anh đưa các con trai sang thăm chị, chúng gọi chị là mẹ, khen chị nấu ăn ngon và rất thích khoảng sân trống trước nhà có thể chơi cầu lông thỏa thích. Nhiều năm trôi qua chị đã thôi xót xa cho số phận mình, giờ nhìn chồng cũ vui đùa với các con, chị đã hết buồn tủi nhưng vẫn bần thần nhớ chút tình nghĩa cũ càng.

 

Bình Tâm