“Chuột” khổ vì “sa hũ nếp”
Gần mười năm vừa ăn học vừa vật lộn với cuộc sống ở Hà thành, Hải trở thành giảng viên trẻ tiềm năng của một trường đại học có tiếng trong nước. Rồi chàng trai quê mùa gặp Nga, bà xã tương lai. Cô không đẹp nhưng ăn nói có duyên, lại rất cá tính.
Vợ anh khi đó là nghiên cứu sinh năm thứ hai. Ngày mới quen nhau, Hải rất ngại mối quan hệ thầy - trò. Anh cũng cho Nga biết mình từ Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp, gia cảnh chẳng giàu có gì, nhưng chính Nga chủ động nói lời yêu trước.
Cô còn trấn an: “Ai dám xem thường anh, em sẽ cho họ biết tay!”.
Đám cưới của Hải và Nga diễn ra sau hai năm tìm hiểu. Hôm đám cưới, ai nhìn vào cũng thấy sự chênh lệch.
Khách khứa đàng gái xấp xỉ sáu trăm người trong khi bên đàng trai chưa tới mười bàn. Cha mẹ, họ hàng bên cô dâu xúng xính quần là áo lượt, nhà chú rể ăn mặc quê mùa, áo dài khăn đóng đã ngả màu cũ kỹ. Dù nhà gái cố tỏ ra thân thiện, trong lòng Hải vẫn thấy tủi thân, một sự mặc cảm, tự ái mà anh gọi là “rất đàn ông”.
Tiệc cưới đang tưng bừng, đứng ngoài hành lang châm thuốc hút, trong Hải chỉ một nỗi dằn vặt: “Sao lại oái ăm thế này, yêu đâu không yêu, yêu ngay tiểu thư nhà giàu!”. Thở dài đánh thượt, Hải quay trở lại bàn tiệc.
Và thực tế đã hiện ra sau tiếng thở dài trong ngày cưới của Hải.
Ngôi nhà hai vợ chồng ở có một phần nhỏ do bên vợ hỗ trợ. Lời ong tiếng ve xuất hiện. Ban đầu là những lời chúc mừng nửa đùa nửa thật của đồng nghiệp kiểu như: “Trời ơi, thời buổi kinh tế khủng hoảng thế này mà tậu được căn nhà to ra phết, chả bù cho tụi tôi… Hải đúng là có số hưởng”.
Người ác miệng hơn buông một câu: “Cái thằng này cưa cẩm vợ nó cũng mấy năm rồi, con ông lớn mà, chắc bên vợ cho tiền!”.
Đến mức này, Hải không nhịn được nữa, anh thấy công sức và mọi cố gắng vươn lên của mình đều bị trôi sông, biển, chẳng còn ý nghĩa gì. Cái mác “nhà mặt phố, bố làm to” của vợ quá lớn, nó biến anh thành kẻ ăn bám nhà vợ trong mắt thiên hạ.
Anh đâm ra ngại đến nhà bố mẹ vợ, đôi khi còn hạn chế đi chung với vợ. Dù vợ anh là người hiểu biết, luôn cố gắng xóa khoảng cách giữa hai chữ giàu - nghèo trong lòng chồng.
“Sống với chồng, tôi dần mất đi tính tự quyết. Ăn mặc, đi đâu hay thậm chí mua sắm gì trong nhà dù nhỏ cũng phải thông qua ý kiến anh. Không khéo anh lại nói mình ỷ bố mẹ giàu nên cố ý qua mặt, khinh thường anh ấy. Ngày trước, anh rất thích đưa vợ về quê chơi, vợ chồng son đèo nhau bằng xe đạp dạo phố, giờ cũng bỏ luôn vì ở quê người ta hay nói này nói nọ. Khổ lắm. Cũng chỉ vì bố mẹ mình quá …giàu”, Nga than thở.
Cô đơn với ông chồng cán bộ
Ngày Hải Yến lên xe hoa, ai cũng trầm trồ: “Con bé này thiệt có phước, chồng vừa đẹp trai vừa là quan chức nhà nước”.
Mỗi lần vợ chồng đưa nhau về quê ngoại, đám em út, cậu, mợ tranh thủ nhờ vả: “Con nói chồng lo cho thằng Bình vô cơ quan chồng con nha. Cho nó đi theo ông anh học hỏi”. Kiểu nhờ vả, xin xỏ đó đôi khi làm Yến phát mệt. Chỉ có mẹ ruột của Yến mới hiểu cuộc sống của cô.
Chồng Yến rất nguyên tắc, đôi khi hơi cứng nhắc. Với anh, không có chuyện nhờ vả ngang xương như vậy được. Thậm chí đối với vợ, anh cũng đối xử như thế, vô tình tạo khoảng cách giữa hai vợ chồng.
“Lúc mới quen nhau, tôi vừa yêu vừa nể tính nghiêm túc, chín chắn của anh ấy bao nhiêu, khi về chung sống với nhau, tôi ghét cay ghét đắng những cái tính ấy bấy nhiêu”, Yến tâm sự.
Chồng Yến ít khi kể chuyện cơ quan cho cô nghe vì cho rằng phụ nữ biết gì mà tham gia. Còn Yến, chẳng lẽ lại kể mãi với chồng chuyện cơm nước, con cái. Mỗi lần đề cập, chồng cô đều gạt phăng với lý do, chỉ cần cô đảm nhiệm tốt vai trò người vợ, người mẹ là OK! Yến thấy tủi thân vô cùng, dù sao cô cũng tốt nghiệp đại học chứ đâu phải là người không hiểu biết.
Gia đình giàu có nên cư xử cũng quan cách. “Mỗi lần mua biếu ông, biếu bà cái gì cũng phải nghĩ nát óc mới dám mua, thậm chí mua rồi vẫn còn sợ… ông, bà chê”, Yến nói về bố mẹ chồng.
Chồng làm cán bộ dự án nên có khi cả tháng Yến chẳng thấy mặt chồng ở nhà. Cô vợ trẻ một mình đối nội, đối ngoại không phải dễ, nhất là sợ mất hình tượng của chồng.
Những bữa ăn tối lãng mạn bên nhau như hồi mới cưới không còn. Những giờ phút tâm sự, nói chuyện tầm phào, trên trời dưới đất cũng chẳng có.
Nhiều khi vợ chồng cãi vã, Yến cũng phải ghìm mình lại để giữ thể hiện cho chồng. Nụ cười duyên ánh mắt lúng liếng trong veo của Yến ngày trước đã bị thay thế bởi nét ưu tư.
Có lẽ điều khác biệt nhất từ ngày làm “phu nhân” của một cán bộ dự án là cô ở căn nhà to hơn, tiền bạc dư dả, đi đâu gặp ai cũng được đon đả chào mời.
Mang tiếng dựa hơi chồng
Cô giáo Hoàng Mai dù đã lấy chồng được tám năm nhưng thỉng thoảng vẫn ấm ức: “Làm như lấy chồng cán bộ ghê gớm lắm ấy!”.
Là cô giáo dạy Văn cấp hai ở quê, tính tình hiền lành, Mai quen Sơn, nguyên là cán bộ giáo dục ở tỉnh.
“Con đó mà yêu đương gì, nó chỉ nhắm vào “cái ghế “ của thằng Sơn mà thôi!”. Những lời nói dị nghị như vậy, ban đầu làm Mai tổn thương ghê gớm vì dù sao cũng còn trẻ người non dạ. Sau này, cô cứ coi như không, bởi: “Chấp gì loại người ghen ăn tức ở!”.
Thế nhưng, ngôi nhà to hai vợ chồng đang ở, chiếc xe máy Attila Mai đi làm lại là cái gì đó rất “gai” trong mắt một số người ở vùng quê nghèo này. Mai đã là vợ Sơn, có bị nói bóng gió cũng không sao. Nhưng tội nghiệp cho họ hàng nhà cô bị mang tiếng là dựa “hơi” chồng cô trong mọi chuyện.
Có lần đứa em ruột của Mai mếu máo: “Em có công việc tốt là nhờ tốt nghiệp loại giỏi và kinh nghiệm làm thêm hồi sinh viên. Em cũng tự thân đi nộp đơn xin việc, cũng qua mấy lần phỏng vấn mới đậu. Vậy mà bạn bè, đồng nghiệp xì xầm em có ông anh rể lo, chứ sinh viên mới ra trường thì làm gì có cửa ấy…”.
Nghe em gái kể, Mai thấy bức bối vô cùng. Bản thân cô cũng vậy, dù cố gắng đến đâu cũng bị người ta gán: “Chắc chồng nó cơ cấu giúp”.
Nỗi lòng người trong cuộc
Nỗi khổ của những người “lấy chồng quan, cưới vợ giàu” hoàn toàn có cách giải quyết nếu cuộc hôn nhân đó xuất phát từ tình yêu chân thành, không vụ lợi.
Trong trường hợp của Hải, giá như anh biết vượt qua mặc cảm bản thân, không quá để ý lời ra tiếng vào, có lẽ cuộc sống của anh và gia đình sẽ dễ chịu hơn.
Đối với người đàn ông mà nói, chữ “sĩ” trong họ rất lớn. Sợ mang điều tiếng, những ông chồng như Hải luôn sống trong tư thế cảnh giác cao độ, hễ có ai đó vô tình chạm vào những vấn đề liên quan đến tiền bạc, sự giàu có, chức vị… là ngay lập tức họ xù lên phản ứng một cách tiêu cực. Cách phản ứng như vậy chỉ càng thể hiện sự kém tự tin và thiếu vốn sống.
Về phía phụ nữ, thật ra vấn đề đơn giản hơn nếu chúng ta chuẩn bị tâm lý tốt hơn trước khi cưới.
Hiểu công việc, tính cách của chồng là một lẽ, bổn phận dâu con chúng ta còn phải chủ động tiếp cận bố mẹ chồng. Càng chuẩn bị kỹ, chúng ta càng tự giảm đi những cú sốc nhỏ khi lọt vào một gia đình chồng danh giá, giàu có.
Phàm là con người ai cũng có lòng tự trọng bất kể đàn ông hay đàn bà. Tuy nhiên, đừng để nó lấn át làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Điều quan trọng là phải tự biết vượt qua rào cản, định kiến tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người.
Đúng là không phải người nào lấy được chồng là “quan to” hay bất cứ ai “sa hũ nếp” đều sung sướng. Tuy nhiên, nếu bản thân họ biết dung hòa, tế nhị trong các mối quan hệ và biết bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.
Theo Tiếp Thị Gia Đình