Chồng phá sản, vợ vẫn mua sắm quần áo "chất cao như núi"

Trước kia con trai tôi làm ăn khá giả, con dâu chi tiêu hoang phí đến đâu tôi không can thiệp. Thế nhưng khi chồng làm ăn thua lỗ, là người vợ, lẽ ra con dâu tôi nên chia sẻ gánh nặng kinh tế ấy. Đằng này…

Con dâu và con trai tôi kết hôn được 12 năm. Đó là khoảng thời gian cháu sống trong nhung lụa. Con trai tôi không làm to, không quyền cao chức trọng mà chỉ kinh doanh. Tuy nhiên cháu chiều vợ đến mức con dâu tôi tiêu tiền không bao giờ phải nghĩ.

Tôi sống cùng nhà, thấy con dâu không bao giờ động tay động chân việc gì, ăn mặc thì chải chuốt, quần áo nhiều đến mức không đếm xuể. Tuy nhiên không bao giờ tôi có ý kiến.

Tôi nghĩ "của chồng công vợ", chồng kinh doanh được thì vợ con hưởng thụ, ăn diện một chút cũng là lẽ bình thường.


Ảnh: Psrindustrialflooringltd

Ảnh: Psrindustrialflooringltd

Thời gian đó, tôi chỉ có duy nhất một lần góp ý. Đó là việc con dâu tôi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, tuy nhiên sau khi lấy chồng, sinh con, cháu không muốn đi làm, cũng không động tay vào việc kinh doanh của chồng. Cháu chỉ muốn ở nhà.

Tôi khuyên cháu nên ra ngoài làm việc. Công việc có thể không có thu nhập cao nhưng đó là cách có thể khiến cháu có thêm những người bạn, thêm niềm vui. Ngoài ra, tôi chỉ nhắc các con nên biết tiết kiệm phòng khi thất bát.

Cháu nghe lời tôi, đi làm ở một công ty xuất nhập khẩu với mức lương 11 triệu. Tuy nhiên cháu chỉ nói với gia đình tôi rằng, cháu được 5 triệu tiền lương. Số tiền đó, cháu xin giữ để chi tiêu lặt vặt cho riêng mình. Tôi biết con dâu nói dối nhưng không ý kiến gì vì cùng là phận đàn bà, tôi biết cháu cần có những khoản tiêu riêng.

Mọi chuyện có lẽ sẽ không có gì phải mâu thuẫn nếu như con trai tôi không phá sản.

2 năm nay, cháu làm ăn khó khăn. Năm ngoái, cháu tuyên bố phá sản. Gia đình tôi phải bán đi mấy mảnh đất, mấy căn nhà, gom tất cả tiền và vay tiền khắp nơi để trả nợ.

Mặc dù vậy, con dâu tôi như người ngoài cuộc. Cháu vẫn đi làm, vẫn mua sắm tới tấp. Mỗi tháng, ít nhất cháu mang về gần chục đôi giầy, dép. Váy vóc, quần áo... cháu cũng sắm rất nhiều. Tháng gần Tết, con trai tôi bí tiền, không còn đủ tiền đóng học cho con, cháu hỏi vợ nhưng con dâu tôi từ chối thẳng thừng.

Cháu bảo: “Đó là việc của anh, trước thế nào nay vẫn phải vậy. Lương tôi ba cọc ba đồng chỉ đủ tiền ăn sáng, đổ xăng nên anh đừng hỏi tiền từ tôi. 700 nghìn anh vay tôi mua sữa cho con tuần trước, anh mau thu xếp trả lại”.

Tôi đứng bên ngoài, nghe vợ chồng chúng cãi nhau mà tan nát cõi lòng. Vợ chồng sướng khổ có nhau. Lúc có tiền, con trai tôi không tiếc vợ điều gì. Cháu cũng hay tự ái nên chắc vào đường cùng mới hỏi đến tiền của vợ. Vậy mà…

Hôm sau, tôi đành bán đi sợi dây chuyền vàng cuối cùng để đưa con trai đóng học cho cháu. Sau đó, tôi gọi con dâu ra và nói chuyện.

Tôi bảo: “Chồng đang khó khăn, con hãy là chỗ dựa cho chồng lúc này. Cả nhà cùng nhau tiết kiệm. Những khoản không cần thiết, con có thể hạn chế mua sắm. Quần áo, giày dép cũng vậy, mẹ thấy con đã có nhiều. Từ nay tiền lương của con, con cố gắng phụ thêm với chồng nhé”.

Cháu cúi mặt bảo: “Con có mua gì mà nhiều”. Thế nhưng hôm sau, cháu lại viết một bài dài trên trang facebook cá nhân kể chuyện tôi săm soi đến từng đôi dép, cái áo của con dâu.

Tôi thấy thật sự đau lòng. Tôi có bao giờ săm soi chuyện đó. Tuy nhiên trong căn nhà 4 tầng của mình, nói không hề ngoa, số giày dép của con dâu tôi xếp chặt 4 tầng cầu thang không hết. Như thế là quá lãng phí so với lúc khó khăn thế này.

Vậy thì tôi khuyên con dâu tiết kiệm có gì sai? Mong quý vị hãy giải thích giúp tôi. Có phải tôi đã già và lạc hậu nên khắt khe với cháu hay không?

Theo Lê Ngọc Trâm
Vietnamnet