“Chồng luôn đúng” có là cách “dạy vợ” hay?
Những ngày gần đây, trên một cộng đồng mạng lớn dành cho chị em đang dậy sóng vì một bức ảnh ghi lại đoạn nhắn tin của hai vợ chồng. Trong đó, người chồng yêu cầu vợ phải nhận đã ăn cắp tiền của mẹ chồng và xin lỗi cả nhà dù bị oan, thậm chí còn tuyên bố, cả nhà này không có ai sai, nếu có người sai thì chỉ có thể là người vợ. Điều đáng nói là tư tưởng “dạy vợ” ứng xử theo cách “chồng luôn đúng” để giữ gìn nề nếp gia phong như vậy không phải là hiếm trong đời sống.
Tin nhắn dạy vợ được đăng trên cộng đồng mạng gây xôn xao thời gian qua.
Dạy vợ cách ứng xử “chồng luôn đúng”
Một bức ảnh chụp tin nhắn của cặp vợ chồng đăng trên diễn đàn tâm sự có nội dung như sau:
“Mẹ bảo em lấy trộm tiền của mẹ sao em không nhận.
Em có lấy đâu mà nhận, anh với mẹ anh đừng có vô lý như thế.
Anh nói cho em biết nhé, em không lấy nhưng em vẫn phải nhận, dù mẹ có nói oan cho em thì em cũng phải nhận. Mẹ là mẹ đẻ ra anh, mẹ có đối xử tệ với em thì anh không cho phép em láo với mẹ. Dù mẹ có nói oan cho em, em vẫn phải nhận, rồi xin lỗi mẹ và cả nhà. Anh không cho phép em có thái độ bất kính với mẹ, dù mẹ có sai em cũng không được phép hé răng cãi dù chỉ một câu. Em phải luôn nhớ rằng, nhà này không có ai sai, nếu có sai thì em luôn là người sai”.
Mặc dù khó có thể xác thực, thực hư cuộc nói chuyện trên nhưng bên dưới bức ảnh, hàng trăm bình luận kể về nỗi cay đắng khi làm dâu của mình. Có người bị mẹ chồng đổ oan hết lần này đến lần khác, phải gọi cả công an về làm việc để minh oan cho chính mình rồi xách túi và bế con bỏ về nhà ngoại. Nhẹ thì bị nghi ăn cắp tiền, nặng thì bị vu cho ngoại tình, gì cũng có cả... Thế nhưng chị em vẫn cứ cắn răng chịu đựng với suy nghĩ rằng, mình cố gắng duy trì hạnh phúc và cuộc hôn nhân của mình.
Trở lại nội dung câu chuyện được chia sẻ, không hiểu ông chồng lấy đâu ra suy nghĩ, đã là vợ của anh ta thì nhất nhất phải nghe anh ta. Đã là vợ của anh ta thì phải phục tùng tất cả những thứ liên quan đến anh ta, đến mức nếu mẹ anh ta có vu cho mình ăn cắp thì cũng phải nhận và không được cãi lời. Dựa vào đoạn tin nhắn trao đổi giữa cặp vợ chồng này, chúng ta có thể phần nào đọc được suy nghĩ và tư tưởng của người chồng. Đó là tư tưởng của người đàn ông gia trưởng, làm chồng là được quyền dạy vợ “dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Việc giữ gìn nề nếp gia phong là giữ tôn ti trật tự trên – dưới, cụ thể ở đây chồng là bề trên, còn vợ thì phải răm rắp nghe lời. Trong suy nghĩ của người đàn ông này, chồng, gia đình chồng, bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng luôn đúng…
Mặc dù chế độ phong kiến đã lùi xa nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng tam tòng vẫn ảnh hưởng nặng nề trong cách nghĩ của một số đàn ông hiện nay, nó thể hiện rõ trong suy nghĩ và lối ứng xử của người chồng trong câu chuyện trên.
Hôn nhân đáng giá bao nhiêu?
Trên thực tế, lối suy nghĩ “chồng luôn đúng”, “chồng sai, vợ cũng không được cãi” không phải là câu chuyện cá biệt. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy xung quanh mình, thậm chí ngay trong gia đình mình, thỉnh thoảng tư tưởng đó vẫn rơi rớt đâu đó.
Một nghệ sĩ khá nổi tiếng ở miền Bắc, anh ấy rất đẹp trai, tài hoa nhưng chỉ ngặt một nỗi… rất gia trưởng. Vợ anh ấy là người khá vui vẻ và hoạt ngôn thế nhưng mỗi lần đang ngồi đâu mà chồng xuất hiện thì đột nhiên chị ấy im bặt, không hé răng nửa lời. Bạn bè có thắc mắc thì chị ấy nói rằng: “Chồng tớ là người “luôn luôn đúng” nên tốt nhất là im lặng cho lành. Vợ chồng tớ khắc khẩu mà chồng tớ lại có lối suy nghĩ, đã là vợ thì không được cãi. Chồng có nói sai đến đâu cũng không được cãi. Theo chồng tớ thì, vợ mà cãi chồng thì cái tôn ti trật tự của gia đình không còn, con cái sẽ hư hỏng từ đó. Hồi đầu tớ cũng ấm ức lắm nhưng bây giờ nhịn thành quen. Thế nhưng đôi lúc tớ cảm tưởng mình cứ như người câm trong nhà”.
Nếu cứ mang tư tưởng “chồng luôn đúng” như những câu chuyện trên thì người con gái đi lấy chồng, họ sẽ nhận được gì từ hôn nhân?
Đối với bất kỳ ai, ngày cưới vẫn luôn là ngày trọng đại nhất cuộc đời, người gắn bó cùng không còn là người yêu nữa mà là bạn đời. Hạnh phúc ấy là hạnh phúc cả đời chứ không phải chỉ là những thứ như tình bạn hay công việc. Người ta vẫn hay nói vui rằng, lấy chồng nghĩa là bỏ nhà theo trai một cách công khai và hợp pháp. Nghe thì vui đấy nhưng cũng có ngậm ngùi. Lấy chồng, nghĩa là phải rời bỏ ngôi nhà mình gắn bó cả thời ấu thơ, phải rời xa sự che chở của cha và vòng tay chăm sóc của mẹ, rời xa anh chị em và tất cả mọi sự thân quen để đến một ngôi nhà xa lạ, phải chăm sóc những người xa lạ, những nếp sống xa lạ, phải nhìn sắc mặt người khác để mà cư xử, nhiều người còn phải xa hẳn quê hương.
Lấy chồng đã phải từ bỏ gần như tất cả những gì mình có để theo chồng nhưng không phải ai cũng may mắn được êm ấm. Khi về ở chung với nhau rồi mới biết người mình từng yêu không hề giống như mình tưởng tượng, không hề như vẻ bề ngoài, hay cách cư xử đã thay đổi như trở bàn tay. Nhiều người phải thấm thía cảnh "khác máu tanh lòng" với gia đình chồng, người lại phải oằn mình trả nợ thay cho chồng và gia đình chồng, khổ cực hơn cả là phải chịu đựng chồng cờ bạc, nghiện ngập, vũ phu, tệ bạc và ngoại tình.
Vợ chồng cũng sẽ có những lúc “bát đũa xô nhau” nhưng sau đó lại có thể “cơm lành canh ngọt” được vì dẫu sao cũng còn có tình yêu và sự gắn bó để nhường nhịn, thông cảm và tha thứ. Còn những sứt mẻ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu hay chị dâu với em chồng thì khó mà hàn gắn được. Mọi việc đều sẽ chẳng đáng gì nếu như có một người chồng tốt, biết cách cư xử. Còn nếu rủi ro lấy phải một người chồng gia trưởng hay không ra gì thì cuộc đời người phụ nữ coi như “sai một ly đi cả ngàn dặm”. Biết khổ nhưng trên thực tế nhiều chị em vẫn chấp nhận chịu đựng vì không muốn hôn nhân tan vỡ.
Theo Ngân Khánh - Tuệ San
Gia đình và Xã hội