Cho bé sơ sinh ngon giấc

Bé khó ngủ thường cáu kỉnh, quấy khóc, kém hoạt động và thậm chí kém ăn. Những gợi ý dưới đây từ Babysleepsite được coi là khá hữu ích cho cha mẹ trong việc giúp bé yêu có được cữ ngủ tốt.

 
Cho bé sơ sinh ngon giấc - 1


Cho bé đi ngủ đúng lúc

 

Trong vài tuần đầu tiên, bé dường như ngủ liên tục nhưng khoảng thời gian sau đó, bé đã thức được dài hơn. Bé có thể chơi 1-2 giờ đồng hồ rồi mới có một cữ ngủ. Bạn cần nhận biết dấu hiệu buồn ngủ của bé kịp thời và dỗ bé ngủ ngay. Nếu bạn đợi đến khi bé quấy khóc, cáu kỉnh mới dỗ bé ngủ thì e rằng, thế là muộn.

 

Khi quá giấc, bé thường khó ngủ và dễ bị tỉnh giấc khi ngủ. Một số bé nhạy cảm và khó ngủ hơn các bé khác vì thế, các bé này sẽ trở nên cáu bẳn và không ngủ ngon nếu bị quá giấc.

 

Bọc trong chăn mỏng

 

Để bắt chước cảm giác ở trong tử cung của mẹ, bạn hãy quấn bé với một cái chăn mỏng khi bé ngủ. Bạn có thể thấy bé sơ sinh khi còn nằm trong bệnh viện cũng được bao bọc như vậy. Cách này cho bé cảm giác an toàn đồng thời giúp bé ngủ ngon ngay cả khi bé giật mình. Khoảng 4-5 tháng tuổi, bé không còn giật mình nữa.

 

Ngày sáng - đêm tối

 

Dù bạn cố gắng giữ cho phòng ngủ của bé được yên tĩnh và tối thì bé vẫn chưa nhận thức được đâu là giấc ngủ ban ngày, đâu là giấc ngủ ban đêm. Khi bé còn nằm trong bụng mẹ, những chuyển động của mẹ sẽ ru ngủ cho bé, còn khi mẹ nghỉ ngơi, có khi bé lại hoạt động. Khi chào đời, bé có thể còn chưa quen với việc nhận thức thời gian ngủ - thời gian chơi.

 

Vì thế, cần để bé nhận thức về ánh sáng của ban ngày và không gian tối, yên tĩnh của ban đêm. Cách này giúp bé phân biệt được ngày và đêm nhanh hơn.  Nhờ đó, bé sẽ sớm ngủ sâu giấc và liền mạch vào ban đêm.

 

Chú ý đến giấc ngủ ngắn

 

Để bé phân biệt được ngày và đêm nhanh hơn và cũng để cho giấc ngủ ban đêm ở bé nhiều hơn thì bạn cần giới hạn giấc ngủ ban ngày của bé, không quá 3 giờ đồng hồ cho một giấc ngủ ngày.

 

Cho bé chơi sau khi bú

 

Vào ban ngày, có thể lên lịch vui chơi cho bé sau mỗi cữ bú. Để bé thức 30 phút sau mỗi cữ bú bằng cách hát, chơi với bé, bế bé… Ánh sáng kích thích vào mắt cũng là cách để bé phân biệt được thời gian ban ngày. Nhiều người mẹ thích cho bé ngủ ngay sau mỗi cữ bú và điều này không thực sự mang lại cho bé giấc ngủ ngon.

 

Ngủ chung

 

Ngủ chung là cách để mẹ ứng phó nhanh với những cữ bú hoặc phải thay tã ban đêm. Ngủ chung còn khiến bé thoải mái vì có cảm giác gần gũi do được nghe và ngửi thấy mẹ. Để việc ngủ chung được an toàn, bạn cần chú ý đến vị trí, tư thế và đồ đạc trên giường khi bé ngủ chung.

 

Nghiêng đệm

 

Với những bé hay bị trớ, có thể chọn cách hơi nghiêng đệm khi bé ngủ trong cũi và ở tư thế nằm ngửa. Khi đó, chân của bé sẽ thấp hơn đầu và những chất có trong bụng sẽ được giữ lại. Để nghiêng đệm, có thể đặt một cái chăn mỏng hoặc cái gối nhỏ ở dưới đệm. Đảm bảo đệm luôn được giữ phẳng trong mọi thời gian, kể cả chỗ góc nghiêng. Không nghiêng đệm đến mức bé bị trượt xuống phía dưới.

 

Mô phỏng âm thanh

 

Những âm thanh như tiếng máy hút bụi, máy sấy tóc, tiếng vo vo của quạt điện… cũng khiến bé mới sinh ngon giấc vì chúng giống những tiếng động khi bé còn nằm trong bụng mẹ, như tiếng nhịp tim hoặc các mạch máu lưu thông… Đó là lý do vì sao, căn phòng yên tĩnh quá lại khiến bé mới sinh hoảng hốt.

 

Cái nôi đua đưa

 

Để bắt chước những chuyển động của mẹ mà bé cảm nhận được khi còn nằm trong bụng mẹ, bạn có thể dùng một chiếc nôi đu đưa để dỗ bé ngủ. Nhưng đó phải là chiếc nôi đảm bảo an toàn.

 

 

TheoNgọc Huê

Mẹ và bé