Chiều chồng tai hại

Yêu thương hết lòng, nhiều người vợ bao bọc hết mọi việc trong nhà, biến chồng thành kẻ “vô tích sự” và con là “lũ vô ơn”.

 
Chiều chồng tai hại


Hy sinh cạn kiệt

 

Chị Đào Thu Cúc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con gái phố cổ. Chị được cả bà, cả mẹ giáo dục theo nếp xưa, thuần thục nữ công gia chánh. Học xong ĐH Ngoại thương bằng giỏi, nhiều công ty nước ngoài mời chị, nhưng chị lại xin đi làm giáo viên.

 

Theo lý lẽ của chị: “Giáo viên là nghề thuần, êm ả, lại có nhiều thời gian rỗi để chăm lo cho chồng con”. Lấy chồng, sinh liền 2 đứa con, chị hoàn toàn hết lòng vì gia đình.

 

Sau cưới, chị phân công cho chồng làm những việc “đối ngoại” vì chị không quen xã giao. Còn việc nhà, chị làm cả vì “anh giữ sức mà đi làm”. Sáng chị dậy sớm nấu đồ ăn cho chồng, đổi đủ món phở, xôi, bún miến như “nhà hàng”, chiều có cơm đủ món canh, xào, nướng, rán…

 

Chồng chị đi làm đã có quần áo là lượt để sẵn trên mắc, giày được đánh bóng, tối về có nước lạnh uống mùa nóng, nước ấm ngâm chân mùa đông… Hai đứa con ra đời cũng một tay chị chăm ẵm, bú mớm. Con lớn, 5h chị dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, đèo con lớn đến trường tiểu học, con bé qua mẫu giáo, tạt qua chợ mua đồ ăn cho tươi ngon mới đi làm.

4h chiều, xong sự nghiệp “trồng người”, chị lại sấp ngửa về nhà tiếp tục sự nghiệp “nuôi người”. Bố mẹ chồng lại đau ốm, chị quanh quẩn ở nhà suốt ngày để cơm bưng, nước rót cho các cụ.

 

Từ cô giáo dạy giỏi cấp thành phố, chị Cúc phải lui về làm thư viện vì không có đủ thời gian soạn bài. Chị cũng “tiện thể”, “quen tay” làm nốt những việc đối nội, đối ngoại hai bên họ hàng thay chồng...

 

Bạn bè phản đối, cho rằng chị làm hư chồng con. Nhưng chị Cúc một mực: “Hy sinh cho chồng con, đi đâu mà thiệt. Chắc chắn chồng con sẽ luôn ghi nhận công lao của mình”.

 

Nghịch lý “báo đáp”

 

Chồng chị Cúc nhàn rỗi nên thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè, không thiết về nhà nữa. Chị cằn nhằn, nhắc nhở anh ấy về nỗi vất vả của chị với gia đình thì anh bảo: “Ai yêu cầu cô làm đâu”. Chị càng nhắc nhở, anh càng về nhà muộn. Con lớn đi học suốt ngày, cũng chẳng thích trò chuyện, đùa vui với mẹ.

 

Chị đau đớn: “Bỗng chốc tôi trở nên vô hình trong mắt chồng con”. Suốt ngày đứng lên ngồi xuống lau nhà, 5 đốt xương sống của chị Cúc đổ sụm. Ông chồng và ba đứa con thản nhiên đi làm, đi học khi thấy chị ngồi lặng trên ghế không đứng dậy được. Đến chiều, họ lại lần lượt đi qua trước mặt chị.

 

Chồng chị gọi vợ lấy cốc nước mát, con thì kêu lớn: “Con đói quá, mẹ dọn cơm đi”, chị thực sự nổi đóa. Giận mờ mịt cả mắt. Chị bắt đầu kể nỗi đau khổ, vất vả sau 20 năm hầu hạ chồng con vô điều kiện. Nhưng thay vì chia sẻ, hàm ơn, trên nét mặt của chồng con, chị chỉ đọc được sự thất vọng và chán ngán.

 

“Tôi chỉ cho và cho, miệt mài hầu hạ chồng con bằng tất cả sức lực, bằng cả trái tim và khối óc, đến nỗi họ tưởng tôi là… con trâu sắt, không biết mệt mỏi, không biết đau buồn. Bây giờ thì tôi mặc kệ, tôi đã mệt mỏi lắm rồi, mệt mỏi và thất vọng với cả bản thân mình. Tôi chẳng làm gì nữa” - chị Cúc giận dữ.

 

Hẫng hụt và sự đổ vỡ không chỉ đối với chị Cúc mà với mọi thành viên trong gia đình. Quen với sự chăm sóc của mẹ, các con chị xao xác, vụng về kéo nhau đi ăn quán. Chồng chị cũng chẳng biết gỡ rối từ đâu chỉ trách chị “dở chứng”. Rốt cuộc vẫn không phải điều chị mong muốn. Đó là ngõ cụt của việc cho và nhận không cân xứng giữa các thành viên trong gia đình.

 

Sự nguy hiểm trong việc cho quá nhiều là chị em luôn chờ đợi một sự trả lại ngang bằng của chồng con. Nhưng sự chờ đợi này là vô vọng khi chính bạn lại tạo cho họ một thói quen chỉ biết nhận. Điều này dễ tạo ra sự ức chế, bất bình cho người phụ nữ.

 

Nếu một ngày kia bạn nhận ra những gì bạn hy sinh cho chồng con không được đánh giá đúng mức thì có thể những mệt mỏi do công việc, do giận dữ kìm nén mà trước bạn vẫn cố nín nhịn sẽ bùng cháy thiêu đốt cuộc hôn nhân của bạn. Người phụ nữ sẽ chán chường buông xuôi, kéo theo sự xáo trộn trong một gia đình mà xưa nay vẫn không được tạo cho thói quen tự lập. Một điều mỉa mai, việc chấm dứt sự chăm sóc, o bế cũng có thể khiến những người quen nhận… bất bình!

 

Theo Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm