Chạnh lòng dâu sống chung

Thấy bố chồng khen em dâu hiếu thảo vì mua biếu thùng bia, Mai chạnh lòng. Cùng cảnh làm dâu nhưng vì sống chung nên hàng tháng vẫn đều đều mua bia cho bố chồng mà Mai chưa được khen câu nào.

 
Chạnh lòng dâu sống chung - 1

"Em dâu thỉnh thoảng mới sang thăm bố mẹ chồng nên mua gì cũng được khen..."

Nhà chồng Mai có 2 anh em trai, Mai lấy anh cả nên sau cưới phải sống chung cùng bố mẹ chồng. Chú em chồng cũng kết hôn sau đó một năm nhưng được bố mẹ chồng cho vốn, cất nhà ở riêng, tuy cùng thành phố nhưng cũng cách khoảng 15km. Do chồng bận công tác liên miên nên cô em dâu hay xin về nhà bố mẹ đẻ, thỉnh thoảng mới sang thăm bố mẹ chồng.

 

Những lúc như thế, em dâu lại mua biếu bố chồng thùng bia hay chai rượu ngoại. Còn mẹ chồng, do yếu men gan nên hay được con dâu út mua biếu thuốc bổ gan. Sau đó, bố mẹ chồng tấm tắc khen em dâu ngoan ngoãn, có hiếu, năng động, kiếm được tiền khiến Mai tủi thân so sánh. Bởi chuyện mua bia, rượu cho bố, Mai vẫn làm đều đều. Còn với mẹ chồng, Mai không chỉ mua biếu sữa, thuốc bổ mà còn lặn lội nhờ cô bạn cùng phòng mua hộ vài kg hoa atiso tươi, cặm cụi sơ chế, phơi khô để mẹ chồng pha nước sôi uống dần vì Mai nghe nói thứ này tốt cho gan.

 

Tuy nhiên, chưa bao giờ Mai được bố mẹ chồng khen, thậm chí còn bị chê là mua đắt hoặc ì ạch vác được thùng bia của hãng A về thì bố chồng than là bia của hãng khác ngon hơn, mua thuốc bổ thì mẹ chồng sợ thuốc này không phải hàng “xịn”, mua hoa atiso thì mẹ chồng ngại uống vì biết đâu người ta phun thuốc sâu hay ướp hóa chất bảo quản...

 

Cũng không ít lần chạnh lòng vì làm dâu sống cùng bố mẹ chồng nhưng là phận em, Ánh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Bà chị dâu sống trong Nam, có khi cả năm mới ra một lần, mua biếu bố mẹ chồng áo len thì các cụ quý lắm, cứ khen bà ấy khéo chọn. Còn mình mùa nào cũng chịu khó sắm sửa quần áo mới cho bố mẹ nhưng toàn bị... chê”.

 

Đợt trời mới chuyển lạnh, Ánh mua biếu mẹ chồng cái áo len nhưng lại bị chê là nhiều hoa quá, đính nhiều cườm quá. Mua áo len biếu bố chồng, Ánh cũng bị chê vì cụ thích có áo len cổ tim, màu be như ông bạn hàng xóm, chứ không phải áo len cổ tròn. Thế mà khi bà chị dâu ra thăm, biếu mẹ chồng cái áo len còn nhiều hoa hơn cả áo Ánh đã mua thì chẳng thấy mẹ chồng chê gì, còn mặc ngay vào người, khen áo đẹp, giặt giũ cẩn thận để cuối tuần mặc đi đám cưới.

 

Bà chị chồng Ánh tuy nhanh nhẹn những đoảng, hết làm vỡ nhiệt kế của bé Bông nhà Ánh, lại làm rơi đĩa sứ đựng hoa quả, thế mà vẫn được mẹ chồng khen là tháo vát, làm hỏng thứ gì cũng không bị mắng. Trong khi đó, nếu Ánh chẳng may làm vỡ thứ gì là ngay lập tức bị mẹ chồng xót ruột nên bóng gió là... đoảng.

 

Thường khi con dâu sống chung với nhà chồng, mọi người trong gia đình không còn khách sáo với nhau. Tức là nếu con dâu có hiếu thảo, đảm đang việc nhà, mua biếu bố mẹ thứ này thứ kia cũng là thường, là bổn phận dâu con, không cần phải khen ngợi nức nở. Cái tốt của con dâu là lẽ thường tình, còn cái dở mới là chuyện... cần nói. Chính vì thế, nếu trong nhà có cảnh một nàng dâu sống chung, còn một nàng dâu ở riêng thì người ở chung dễ có tâm lý so bì, chạnh lòng hay tủi thân vì không được nhà chồng đánh giá cao bằng người ở riêng. Đó cũng là tâm lý hết sức bình thường và khó tránh khi sống chung dưới một mái nhà.
 

Ở vào hoàn cảnh này, nếu lúc nào cũng ấm ức và so đo thì bản thân nàng dâu sẽ mệt mỏi nhất. Bố mẹ chồng hay chồng có khi cũng không hiểu và thông cảm được cho nàng dâu. Có thể gọi đó là “khuyết điểm” của sống chung, nghĩa là nếu đã chấp nhận sống chung thì sẽ có va chạm, có ấm ức, có những cái không vừa lòng, có khúc mắc... Vì thế, nếu nghĩ thoáng thì mọi chuyện sẽ đơn giản; chẳng hạn, nếu thấy em dâu (chị dâu) được bố mẹ khen thì có thể tếu táo với cả nhà: “Con vẫn hay mua đồ biếu bố mẹ mà không được khen như em (chị)... nhỉ?”.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ&Bé

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm