Cha mẹ làm bạn với con thế nào để khỏi ân hận cả đời?

Nuôi dạy con khi chúng bước vào tuổi dậy thì luôn là vấn đề làm đau đầu các bậc làm cha làm mẹ. Lứa tuổi dậy thì được ví như “quả bom nổ chậm” nên nếu chỉ cần có một sơ suất nhỏ trong ứng xử là cha mẹ có khi ân hận cả đời.

Cha mẹ làm bạn với con thế nào để khỏi ân hận cả đời? - 1

Lứa tuổi dậy thì được ví như “quả bom nổ chậm” nên chỉ cần có một sơ suất nhỏ trong ứng xử là cha mẹ có khi ân hận cả đời. Ảnh minh họa

 

Tự tử chỉ vì mẹ xem điện thoại

Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM vừa tiếp nhận bệnh nhi L.A.Q (quận 10, TP HCM) được chuyển đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng dập gan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dập gan là do cháu Q nhảy lầu tự tử.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 sau khi cấp cứu vẫn luôn theo sát và điều trị bảo tồn gan cho cháu Q. Bệnh viện cũng cử bác sĩ tâm lý để thăm khám, tư vấn cho bé. Trò chuyện với bác sĩ, bé Q cho biết do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên cháu đã nhảy lầu tự tử vào lúc 20h30 ngày 20/11.

Vụ việc của cháu Q khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình nhận thấy sự nguy hiểm của lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ vị thành niên tự tử do ứng xử từ cha mẹ. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã từng tiếp nhận những trẻ bị chấn thương do tự tử bởi nguyên nhân như: Bị cha mẹ la mắng, kiểm tra điện thoại, gây áp lực học tập…

Theo các chuyên gia, trẻ em trong độ tuổi dậy thì tính tình thường nhạy cảm và hết sức bướng bỉnh, khó lường. Nếu các bậc cha mẹ không có kỹ năng ứng xử khéo léo, tôn trọng và thấu hiểu thì việc dạy con trong độ tuổi này là vô cùng nan giải. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất lực trước việc dạy bảo những đứa con của mình. Việc kiểm tra điện thoại của con như trong trường hợp xảy ra ở trên cũng cho thấy phụ huynh đang gặp khó khăn trong vấn đề ứng xử và nuôi dạy con mình.

Làm bạn thay vì kiểm soát con

Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, việc phụ huynh kiểm tra điện thoại của con đôi khi chỉ vì tò mò và đang tìm kiếm bất kỳ một điều bí mật nào mà con họ có thể có, một số cha mẹ thì tò mò xem con mình đang giấu mình điều gì. Ở đây, không phải phụ huynh cũng có ý xâm phạm đời sống của con nhưng với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, chúng cảm thấy sự riêng tư của chúng đang bị xâm phạm.

Việc nắm bắt mọi vấn đề mà con trẻ đang gặp phải là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Bởi vậy xét về nguyên nhân sâu xa, hành vi xem điện thoại của con là xuất phát từ mục đích bảo vệ con của họ. Các bậc cha mẹ làm như vậy là để đảm bảo rằng con mình được lớn lên an toàn. Tuy nhiên khi đứa trẻ bắt đầu lớn, chúng bắt đầu có những suy nghĩ, mong muốn và có nhu cầu riêng thì hành vi kiểm soát con cái của cha mẹ thường khiến cho đứa trẻ cảm thấy bị vi phạm quyền được sống một cách nghiêm trọng.

Vì sao cha mẹ thường theo dõi, kiểm soát con cái theo cách xem điện thoại của chúng? Theo chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa, tình trạng này xảy ra có thể do giữa cha mẹ và con cái thiếu sự giao tiếp, thiếu sự tin tưởng hoặc thiếu sự tôn trọng từ cả hai phía. Cũng có thể là do các bậc cha mẹ được nuôi dưỡng và giáo dục theo cách dạy con bằng cách kiểm soát như vậy. Và với những đứa trẻ trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay, cách áp dụng đó của bố mẹ đã không còn được chúng chấp nhận theo cách mà cha mẹ họ chấp nhận trước đây nữa, và vì thế "độ chênh" trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái xảy ra.

Tiến sĩ xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, lứa tuổi dậy thì đang ở giai đoạn xác lập cái tôi cá nhân nên rất dễ bị tự ái, dễ tổn thương, chỉ cần một sự xâm phạm nhỏ về tinh thần hay thể xác là có thể bùng nổ. Một giáo sư của ĐH Harvard vừa xuất bản cuốn sách "Não bộ tuổi teen" ví trẻ ở tuổi này như "bãi mìn nổ chậm". Nghĩa là chạm vào sẽ nổ. Hành động cha mẹ kiểm soát điện thoại của con là vô cùng nghiêm trọng, nó như một giọt nước làm tràn ly. Trước đó có thể người mẹ đã có nhiều hành động tương tự mà cô bé này đã từng phản ứng nhưng người mẹ vẫn tiếp tục.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, vì đang trong giai đoạn khẳng định cái tôi, trong khi các con vẫn còn non nớt, chưa đủ tự tin, chưa có đủ trải nghiệm để vững chãi, nên khi bị cha mẹ, người lớn la mắng, kiểm soát lộ liễu hay xúc phạm riêng tư sẽ nảy sinh những suy nghĩ, hành động bột phát tiêu cực, như hành vi tự tử ở trên.

Bởi vậy, cách ứng xử đúng của cha mẹ đối với con khi bước vào lứa tuổi "bom nổ chậm" này đó là, cha mẹ cần phải xem mỗi đứa con của họ là những cá thể độc đáo riêng biệt và chúng cần được giải quyết và thừa nhận như vậy. Cha mẹ cần thực hiện một số quy tắc, kỳ vọng, quan điểm và niềm tin sớm hơn trong cuộc sống của con mình. Tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng sự riêng tư của con, cho con thấy rằng, con là một cá thể độc lập cần được tôn trọng. Để con vẫn có thể ở trong tầm tay của mình, cha mẹ cần học cách hiểu con, làm bạn với con thay vì "kiểm soát" và lục soát chúng.

Theo Ngân Khánh

Gia đình và Xã hội

Phản ứng của bé khi cha mẹ nói "Không!"