Cay nghiệt và oan trái

(Dân trí) - Anh chị lấy nhau vốn không được gia đình anh vun vén. Họ bới ra nói xấu đủ điều cũng bởi nhà chị khốn khó, lương công nhân của chị chẳng thể biếu xén những gì quý hoá như cô hàng xóm hay mang sang.

Anh chị quyết tâm, dùng dằng đến ba năm thì họ cưới. 

 

Đó là những chuỗi ngày khổ cực của chị, đi làm cách nhà gần chục cây số, về lại tối mắt tối mũi với những công việc mà ban ngày mẹ chồng cất công bày ra. Cuối tuần được ở nhà chị lại phải hứng chịu những cơn thịnh nộ mỗi khi bà phật ý. Nào chị dám cãi.

 

Rồi đến ánh mắt khi thương hại, khi khinh rẻ của láng giềng vì mẹ chồng dành bao tâm sức đi nói xấu chị. Thôi thì đủ mọi thói hư tật xấu, bà kể không thành có, đơm đặt đủ điều, bởi ban ngày vốn chẳng có nhiều việc để làm.

 

Vậy là chị trở thành trung tâm cho đề tài "buôn" của họ, buôn đến bằng "lãi" mới thôi. "Lãi" của bà đây là những trận ốm kịch liệt của chị, phải nghỉ cả làm. Chiều hôm đó đi làm về muộn, trời lạnh, gió tạt vào buốt mặt, chị bị trúng gió, lảo đảo bước vào nhà. Anh vội vàng cạo gió, chị chẳng ăn được gì bên lời chì chiết của mẹ chồng. Chị mệt lả đi đến tận sớm hôm sau. Anh nghỉ được một buổi ở nhà nấu cho chị bát cháo rồi chiều lại đi luôn, công việc đang chờ.

 

Bà mẹ chồng mặc kệ chị nằm đó đi rêu rao: "Ôi chao ôi, tôi chửa được bát cháo nào của con giai nấu, thế mà giờ con giặc cái kia về, nó bắt thằng bé nấu cho nó ăn, dâng tận miệng mẹ trẻ nó. Nhà tôi vô phúc mục mả thế nào mà lại rước con nặc nô ấy về. Con nhà mình cũng ăn cơm như con nhà người ta mà sao ngu thế…". 

 

Chị ngồi trong nhà ứa nước mắt, đâm nghĩ quẩn, trách mình sao cứ "chịu đấm ăn xôi", còn bao nhiêu đám tốt chẳng "ừ" cố kiết lấy về để rồi bị họ rẻ rúng, coi khinh. Chị mệt mỏi nằm lịm đi cốt không muốn nghe những lời cay nghiệt. Mẹ chồng vẫn đi lang thang khắp xóm… 

 

Khi tỉnh lại chị tự trấn an mình, đã quyết tâm thì dù có khó khăn cũng đã bên nhau rồi, giờ ân hận còn nghĩa lý gì. Mẹ khó tính cũng vì mẹ chưa hiểu chị mà thôi. Mẹ giờ có tuổi, già cũng muốn vui vầy cùng con cháu, chị trách mình chưa ở cạnh tâm sự cùng mẹ, thường ngại ngùng, gần như tránh mặt bà, từ đó khoét sâu thêm khoảng cách.

 

Chị mỉm cười. Thay đổi người khác khó hơn thay đổi mình, chi bằng tiếp cận, lấy lòng mẹ vẫn hơn. Chị thấy mình khỏe thêm một chút liền nhỏm dậy, đi lại, chuẩn bị bữa tối. 

 

Bóng chiều nhập nhoạng, chị bỗng thấy có người đang nằm vật trong sân, dụi dụi mắt chị thấy rõ là dáng mẹ chồng. Hốt hoảng trong giây lát chị bình tĩnh xốc bà, dìu đưa vào giường trong. Vừa lúc anh đi làm về, họ vội vàng gọi xe đưa mẹ vào viện.

 

Thì ra bà bị tai biến mạch máu não, đột nhiên khuỵu xuống không biết gì. May gia đình kịp thời đưa nhập viện, hú vía. Giờ phải ở đây một thời gian theo dõi rồi mới về nhà được. Anh chị thay phiên nhau nghỉ việc chăm mẹ. Chị thức đêm, thức hôm mắt thâm quầng, tranh thủ lúc anh đến trông, chị đảo về nấu cho bà bát cháo. Anh chạy đôn chạy đáo, sấp ngửa đi vay tiền, chị cắn răng bán một chỉ vàng mẹ chị gửi gắm ngày chị về nhà chồng. Họ hàng, bạn bè thắc mắc, lần bà khoe cái tiền về hưu chế độ 41, mấy chục triệu đâu hết, bà mới rưng rưng: "Ghét con dâu không vừa ý, tức con trai không nghe lời, nên đem cho con gái vay làm nhà hết rồi, chả biết đến bao giờ nó mới trả".

 

Bà bạn quát lên: "Trời! Sao bà "khôn" quá vậy? Sau này có sống cả đời với con gái được không, con nào cũng là con, phải lo đều cho chúng nó chứ".

 

Hàng xóm xầm xì: "Con bé ngoan hiền, hiếu thảo thế cơ mà". "Thế con gái hay con dâu?". "Con gái toàn ở xa đã thấy mặt đứa nào đâu".

 

Bà nhắm mắt vờ ngủ để có thời gian suy nghĩ, con dâu bà làm gì đến nỗi, nghèo đâu phải là cái tội, ai sinh ra mà chọn được gia cảnh và số phận? Như bà rồi “mẹ chồng già thì mẹ chồng chết/ con dâu tốt nết con dâu còn". Sự sống và cái chết mong manh, nó khiến bà nhớ đến câu Kiều ngày nào: "Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều".

 

Nghĩ cảnh con dâu mấy ngày hết lòng chăm lo, phụng dưỡng bà lại thấy day dứt quá, bà đã cư xử không phải với nó thật rồi.

 

Thiều San Ly