Bài đạt giải Khuyến khích cuộc thi viết Mùa hè của tôi:

Cánh diều lem màu mực tím

(Dân trí) - Cậu Minh ngồi bệt trên nền đất, khéo léo vót từng nan tre. Chốc chốc, cậu dừng lại, nheo mắt ngắm nghía rồi gật gật cái đầu tỏ ý hài lòng. Cái khung diều cong cong vừa duyên dáng vừa vững chãi đặt giữa sân khiến tôi háo hức tợn.

 
Cậu Minh phân công tôi cắt giấy còn thằng Công quấy hồ. Tôi khoanh chân ngồi giữa một đống giấy vở lem nhem mực tím và cả những tờ giấy báo trắng đen có cả báo màu thằng Công vừa mang bên nhà nó sang ngồi cắt rồi đưa cho cậu dán thân và đuôi diều. Ngoại bê cái mủng gàu đựng đầy khoai khô đi ngang qua, cốc vào đầu cậu:

- Học thì dốt làm diều thì tài không ai bằng!

Cậu Minh không giận, chỉ toe miệng cười rồi cậu phủi tay một cái:

- Xong rồi đó!

Tôi và thằng Công tròn mắt thán phục rồi hò nhau mang diều ra triền đê. Ông mặt trời đỏ au như một quầng lửa đang lùi về đi ngủ về sau một ngày vất vả chiếu sáng. Tôi cầm diều chạy trước. Thằng Công cầm cái lon sữa bò và cuộn chỉ chân sáo theo sau.
 
Cánh diều lem màu mực tím - 1

Buổi chiều, bầu trời bao la và cao vọi. Đó là một thế giới đầy bí ẩn với chị Hằng Nga, chú Cuội, ông Thần Nông…những thứ đã xuất hiện trong chuyện kể và những câu đồng dao mẹ hát cho tôi nghe càng thúc giục tôi khám phá. Những cơn gió chiều lồng lộng và hào phóng. Cánh diều no gió cao dần rồi vút mãi như muốn bay lên tận trời xanh. Tôi và thằng Công đứng dưới đất rướn cổ hò hét:

- Bay đi, lên cao, cao nữa!

Lũ trẻ xóm Bãi cũng mang diều ra thả, nhưng cánh diều “đói bụng” của chúng chấp chới rồi chúi xuống đất. Chúng ngó theo cánh diều của tôi đầy thèm thuồng và ghen tị. Khi cánh diều "chơi xích đu" giữa lưng chừng trời, tôi và thằng Công nhắm mắt bắt đầu những điều ước. Thằng Công ước gì nó giấu tiệt. Còn tôi, tôi ước ngày mai cô giáo quên kiểm tra bài cũ, ước không phải ngồi cạnh cái Xuân vì nó đanh đá lắm, ước sau này lớn lên sẽ là kiến trúc sư để xây cho ngoại một ngôi nhà thật đẹp, thật to, có khi tôi ước mình có cánh để bay lên và lêu…lêu… trêu cậu Minh là người tí hon đang đứng phía dưới đất nhìn theo. Cánh diều của tôi có lẽ chở quá nhiều điều ước nên đuối sức loạng choạng như người say rượu rồi đứt phựt theo chiều gió cuốn, rơi xuống mặt sông mang theo biết bao nối tiếc và xấu hổ trước tiếng hò reo, cười cợt của lũ trẻ xóm bãi. Tôi và thằng Minh mặt ỉu xìu “vác” cánh diều bị thương về. Cậu Minh như một y tá tẩn mẫn ngồi "băng bó" cho cánh diều đầy những vết thương. Cánh diều "sống lại" và những điều ước của tôi lại được bay lên cao hơn theo tiếng sáo diều vi vu.

Một hôm, trên đường đi học về, tôi nghe chiếc loa phóng thanh của thôn đang sa sả đọc tên những thanh  niên chuẩn bị nhập ngũ. Tôi giật mình khi nghe tên cậu Minh. Tôi chạy thốc về nhà, bắt gặp khuôn mặt hoan hỉ của ngoại và mẹ:

- Vào quân ngũ cho nó chững chạc.

Cậu Minh có vẻ cũng thích, thấy cậu cứ huýt sáo hoài.

Tôi bỏ ra vườn, ngồi bó gối dưới gốc ổi ba chạc. Nghĩ đến cảnh mùa hè không còn được chơi diều, hai khoé mắt ràn rụa nước.

- Con trai gì mà mít ướt vậy? Cậu đi rồi, trong nhà chỉ còn mày là “đàn ông”, có việc gì phải biết phụ giúp ngoại và mẹ nghe chưa?

Cậu Minh vỗ vỗ vào vai, khiến tôi càng nấc tợn.

Gần tới ngày cậu lên đường, hàng xóm đến nhà ngoại rất đông nhưng cậu vẫn ngồi dạy tôi cách làm diều. Nhưng tôi là đứa chóng quên nên ngày cậu vác ba lô lên vai, trong đầu tôi mấy cái động tác vót nan, cắt giấy, quấy hồ... vẫn chỉ nhớ mang máng.

Đơn vị của cậu đóng quân ở trên biên giới. Ngày ấy, tôi chẳng biết biên giới ở chỗ nào chỉ nghe mẹ nói là xa lắm. Thỉnh thoảng, cậu có gửi thư về. Cứ thấy cái chuông xe reng reng của bác đưa thư là tôi chạy ù ra ngõ rồi  lại cầm lá thư chạy ù vào nhà. Mẹ thường giao cho tôi trọng trách đọc cho cả nhà nghe. Tôi cố hắng giọng đọc to, dõng dạc. Cậu bảo: Cuộc sống quân ngũ gian khổ nhưng mà vui lắm. Cậu còn đùa rằng: Giờ cậu đen như củ tam thất ấy. Đến những đoan cậu hỏi thăm tôi, tôi cố tình đọc thật chậm, ngước lên nhìn ngoại và mẹ rồi lập luận theo cách của trẻ con:

- Cậu Minh dành hẳn nửa trang cho con chứng tỏ trong nhà cậu vẫn nhớ con  nhất.

Rồi buổi tối, sau khi học xong bài, tôi lại ngồi hí húi viết thư cho cậu. Tôi cố nắn nót những nét chữ thật đẹp, thật đúng chính tả để cậu khoe với các “chiến hữu” của cậu là cháu tớ viết chữ đẹp hết ý. Có hôm ngồi viết thư giữa trưa nắng hè, tay tôi đổ mồ hôi lem cả ra giấy. Hôm sau, cậu gửi thư về hỏi tôi: Bộ nhớ cậu quá hả? Tôi chỉ tủm tỉm cười. Người lớn giàu trí tưởng tượng ghê.

Sắp đến sinh nhật lần thứ 12 của tôi, tôi cứ ngóng mãi mà không thấy thư cậu. Thấy bác đưa thư đeo cái xắc bên hông đạp xe đi ngang qua nhà, như một phản xạ tôi lại chạy ra. Nhưng rồi chỉ nhận được một cái lắc đầu. Tôi lững thửng đi vào buồn ơi là buồn. Buổi chiều, tôi ngồi trên chõng tre  thở dài y hệt như người lớn:

- Chẳng biết bận gì mà cả tháng nay không gửi thư về nữa.

Ngoại chau mày nhìn tôi, mắng:

- Đợt này, chắc cậu đang huấn luyện nên không có thời gian ghi thư. Mày nhắc nhiều cậu hắt xì hơi là bị kỷ luật đấy.

Tôi im re nhưng trong bụng thì giận cậu ghê ghớm. Rồi một buổi chiều, tôi lao như một mũi tên về nhà khi gặp bác đưa thư đầu ngõ với một tin vui:

- Cậu mày gửi thư về đấy!

Đó thực sự là lá thư cậu viết cho riêng tôi. Cuối thư cậu viết: “Cậu có mua cho mày một cây sáo nhưng xa quá không mang về được. Chờ đến hè, cậu cắt phép mấy ngày sẽ mang về cho”.

Tôi nhảy cẫng lên sung sướng và chạy sang khoe ngay với thằng Công. Từ hôm đó, buổi tối lên giường, sáng mai thức dậy là tôi lẩm nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa là đến hè. Trong lòng tôi đầy những háo hức, chộn rộn.

Nhưng  nào ngờ đó là lá thư cuối cùng cậu viết cho tôi.

Một hôm đi học về, tôi thấy trong nhà rất đông người, có cả các bác cán bộ trên xã. Ngoại tôi gục xuống giường nức nở. Mẹ thấy tôi lững thửng đi vào ngơ ngác nhìn thì chạy lại ôm chặt lấy:

- Cậu Minh hy sinh rồi con ơi!

Tôi đứng chết lặng, hết nhìn ngoại lại nhìn mẹ hồi lâu rồi hét lên:

- Không phải, mẹ nói dối.

Chỉ khi cầm cây sáo trên tay, cây sáo được một người đồng đội của cậu trao lên cho ngoại với cái ba lô bạc thếch, tôi mới tin. Cậu không bao giờ về nữa. Cậu đã nợ tôi một lời hứa.

Chiều hôm đó, cả tôi và thằng Công ngồi riết ngoài triền đê. Những cánh diều của lũ trẻ xóm Bãi vẫn bay lượn trên bầu trời vòi vọi. Duy chỉ có cánh diều của cậu là vắng bóng.

- Mẹ tao bảo cậu mày hy sinh khi giúp bà con chạy lũ phải không?

Giọng thằng Công buồn xo.

Tôi gật mà hai hàng nước mắt cứ chực trào ra.

Mùa hè đến, tôi nhìn lên di ảnh cậu, mím chặt hai môi để ngoại và mẹ không biết là tôi đang khóc. Đêm, tôi thức rất khuya, bên cạnh là lỉnh kỉnh những kéo, giấy và hồ được quấy từ bột sắn. Bên tai văng vẳng tiếng của cậu ngày nào: Lúc vót nan phải thật khéo, không quá dày để còn uốn cong được, lại không quá mỏng dễ bị gió bẻ gãy... 

Buổi chiều, triền đê ngập gió-những cơn gió nếp mát lành thổi tung mái tóc khét nắng của tôi. Vẫn như mọi khi, tôi cầm diều, thằng Công cầm cái lon sữa bò có quấn chỉ ngang thân chạy ra xa. Cánh diều chấp chới bay lên. Tim tôi đập bình boong. Bất ngờ, cánh diều ưỡn tấm ngực căng phồng bay lên tít tắt. Tôi sung sướng chảy nước mắt, hét to:

- Bay cao, bay xa nữa đi, có gặp cậu Minh tao.. bảo cậu là... tao đã biết làm diều... Cứ thế, tôi hét cho đến khi giọng khản đặc và đôi mắt ầng ậc nước.

Cánh diều hình trăng lưỡi liềm lem màu mực tím của tôi vẫn vút cao giữa bầu trời lồng lộng gió. Và tôi ngỡ từ trên cao, cậu tôi vẫn đang nheo mắt nhìn xuống, giơ ngón tay cái lên tươi cười:

- Giỏi lắm, nhóc ạ!

Mười năm đã trôi qua, ước mơ chở trong cánh diều lem màu mực tím tuổi thơ ngày ấy đã giúp tôi bước vào giảng đường đại học Kiến Trúc với niềm đam mê những bản thiết kế hoàn hảo, những toà cao ốc độc đáo... Nhưng vào những buổi chiều hè, tôi vẫn có thói quen đi bộ trên bờ đê sông Hồng để được ngắm những cánh diều hình cá mập, chim sặc sỡ đang bay lượn giữa bầu trời rất đỗi bình yên. Trong lòng tôi, nỗi nhớ cậu lại dâng trào và thầm hỏi: Có biết bao ước mơ đã được chắp cánh bay lên từ những cánh diều giấy chan chứa yêu thương như cậu đã dành cho tôi?

Bùi Thu Hoàn
(Phòng Truyền Thống, Uỷ ba TW MTTQ Việt Nam, 46 Tràng Thi, Hà Nội)