“Cái máng lợn cũ”
Không ít người sau một thời gian ly hôn lại muốn tái hôn với bạn đời cũ. Lời “cầu hôn” thứ hai này thường gây phát sinh những tình cảm trái chiều đan xen lẫn lộn. Bên cạnh những tổn thương vì một lần đổ vỡ, vẫn còn nghĩa tình chồng vợ ngày nào.
Chị Tâm và anh Toàn là công nhân ở P.An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cùng từ miền Trung vào Nam lập nghiệp, hai người gặp nhau, tìm thấy sự đồng điệu và thương yêu nhau.
Họ lấy nhau, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Anh là công nhân kỹ thuật cao, chị là thủ quỹ của một công ty liên doanh với nước ngoài. Họ lần lượt có hai con, một trai một gái. Cuộc sống gia đình anh chị tưởng sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu như không xuất hiện ma men trong nhà.
Anh Toàn bình thường là người chồng tốt, thương vợ thương con, tiền làm được bao nhiêu, anh mang về hết cho chị giữ. Nhưng, anh lại có tật nghiện rượu. Lúc tỉnh thì thương yêu, ngọt ngào với vợ con, khi say lại như một người khác.
Đêm về, nếu có tí hơi men là anh lại “đòi yêu” vợ. Chị Tâm không chịu được mùi rượu nồng nặc từ chồng nên giữa họ thường xảy ra xô xát. Có lần bị chồng chửi một cách vô lý, chị cãi lại nên bị chồng đánh.
Ngay hôm sau, chị đưa việc này lên Đảng ủy cơ quan, nơi anh Toàn công tác. Anh bị kiểm điểm, hứa sẽ không tái phạm nhưng chưa đầy ba tháng sau, anh lại uống rượu, lại say, lại chửi và lại đánh vợ. Không thể tha thứ thêm lần nữa, chị Tâm đưa đơn ly hôn.
Ra tòa, chị Tâm giành quyền nuôi cả hai đứa con, anh Toàn mỗi tháng phải chu cấp một nửa tiền lương cho con. Cứ đến cuối tuần anh Toàn lại đến trường đón con. Những ngày con ốm, thấy con mếu máo đòi bố, chị lại gọi chồng về.
Việc anh tới lui thăm con khiến tình cảm của vợ chồng dần trở lại gần gũi hơn. Anh hứa sẽ bỏ rượu vì không muốn mất chị thêm lần nữa. Chưa đầy sáu tháng sau ly hôn, vợ chồng lại quay về sống với nhau.
Nhưng, tái hôn chưa được bao lâu, anh Toàn lại về nhà muộn trong tình trạng chân nam đá chân chiêu. Cực chẳng đã, chị Tâm phải dùng chiêu “độc dĩ độc”. Chị mua đủ loại thuốc về ngâm rượu cho chồng uống.
Chị nghĩ, chồng uống rượu ở nhà không có ai khích bác, sẽ không quá chén. Nhưng, chị đã nhầm. Vào ngày nghỉ, lễ, tết… nhà anh không lúc nào là không có người. Có khi là bạn đồng hương, là họ hàng xa, cũng có khi chỉ là ông hàng xóm.
Không những chị không thoát cảnh bị chồng “đòi yêu” khi say, đánh chửi khi xỉn, mà còn rước thêm việc dọn dẹp bãi chiến trường của các cuộc nhậu. Nhiều đêm ôm bộ mặt thâm tím vì bị chồng đánh, chị khóc tức tưởi, ân hận vì đã tái hôn.
Chị Hiền ở phường Dịch Vọng - Q. Cầu Giấy, Hà Nội cũng tái hôn với chồng cũ vì nghĩ chồng đã nhận ra sai lầm sau khi ly hôn. Tuy biết chồng “máu gái” nhưng chị vẫn nghĩ chồng mình chỉ mua vui kiểu “ăn bánh trả tiền”, chứ không sa đà vào chuyện yêu đương bồ bịch.
Lý do là hàng ngày anh Nghĩa - chồng chị, vẫn phê phán những người đàn ông đèo bòng vợ nọ con kia là dại dột. Vì tin như thế nên khi phát hiện mối quan hệ không bình thường của chồng với người bạn của mình, chị quá sốc, ngay lập tức ly hôn.
Sau ba năm ly hôn, một lần hai vợ chồng có dịp gặp nhau trong bệnh viện, khi mẹ anh Nghĩa sắp qua đời.
Anh nói với chị không ai làm cho anh hạnh phúc được như chị. Nghĩ chồng đã “chán phở, thèm cơm”, thực sự muốn quay lại, chị chấp thuận lời đề nghị tái hôn của anh. Chưa kịp nếm trọn hạnh phúc, chị lại phát hiện chồng mình cặp kè với một cô chủ quán karaoke ở Hà Đông, dù cô này có chồng con đàng hoàng.
Chị tâm sự: “Có lẽ chồng tôi thích lối sống phóng đãng, trong khi tôi là một người phụ nữ truyền thống. Tôi lại muốn ly hôn nhưng thực sự thấy khó khăn nếu phải ra tòa lần thứ hai”.
Vì ngộ nhận người bạn đời đã thay đổi nên những cuộc tái hôn này rơi vào bế tắc. Xung đột khiến cuộc hôn nhân của họ từng một lần đổ vỡ, giờ tiếp tục tái diễn. Bi kịch là ở chỗ, người trong cuộc không nhận ra bản chất đích thực của những xung đột vợ chồng.
Chiếc máng lợn cũ
Tuy nhiên, không phải cuộc tái hợp nào cũng rơi vào bi kịch. Thực tế, cũng có những cuộc tái hợp sau ly hôn tốt đẹp hơn ban đầu, nhưng đó thường là những cuộc hôn nhân tan vỡ bởi những lý do thiếu xác đáng.
Có những người sau khi nếm trải những thất bại từ một cuộc tình “say nắng” mới nhận ra giá trị “cái máng lợn cũ” của mình. Đã mất một lần, khi lấy lại được, họ luôn biết nâng niu và trân trọng nhau hơn.
Không ít người đàn ông bỏ vợ để chạy theo người tình, nhưng khi chung sống mới phát hiện người mới không bằng người cũ. Lúc này, họ mới nhận ra sai lầm. Nhờ sự gắn kết của con cái, khi quay về được với nhau, cuộc sống gia đình của họ trở nên yên ấm và hạnh phúc hơn trước.
“Hiện tượng” quay về với “cái máng lợn cũ” thường xảy ra nhiều hơn ở đàn ông. Không phải đàn ông dễ bị “say nắng” hơn phụ nữ mà do họ có điều kiện để tái hôn hơn phụ nữ. Phụ nữ một khi đã bỏ chồng để chạy theo người tình thường khó có cơ hội quay về.
Cái được lớn nhất của tình trạng tái hôn với người cũ là không còn phải trải qua giai đoạn khủng hoảng đầu tiên của hôn nhân. Vì vậy, công cuộc “xây tổ ấm” của những cuộc hôn nhân này thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc này, vấn đề của họ chỉ là có “chấp nhận” được nhau hay không mà thôi. Vợ chồng quay lại với nhau sau ly hôn cũng như biển sau giông bão, bao giờ cũng yên ả và đẹp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên viên tâm lý vẫn cho rằng, chỉ nên quay lại với nhau khi cả hai vợ chồng đều nhận ra giải pháp ly hôn trước đây của họ là không sáng suốt. Quan trọng hơn, cả hai phải xác định có chấp nhận được những nhược điểm của người bạn đời hay không. Nếu không chấp nhận được cá tính của nhau thì không nên quay lại, đừng nên ôm giấc mộng cải tạo.
Theo Lâm Thanh
Phụ Nữ