Cái giá của một thời nông nổi

(Dân trí) - Thời gian không trở lại. Có những sai lầm khi đã qua không bao giờ có thể sửa chữa được nữa. Hậu quả để lại là nỗi đau đớn, dằn vặt suốt đời. Đó là tâm sự của người phụ nữ vô sinh do nạo phá thai khi tìm đến một trung tâm tư vấn:

 
Cái giá của một thời nông nổi - 1


18 tuổi, tôi yêu Cường, bạn học cùng lớp. Mối tình đầu vụng dại và đầy đam mê không tránh khỏi những cảm giác tò mò và cả thứ ham muốn không tài nào định nghĩa.

 

Những buổi cha mẹ đi làm, ngoài giờ học, chúng tôi thường nán lại bên nhau bằng lý do Cường sang nhà tôi học nhóm. Việc “học nhóm” thường khá mất thời gian, bởi những va chạm dù vô tình hay hữu ý đều khiến hai đứa mất tập trung. Chúng tôi lại mất vài quãng “giải lao” để vui đùa, nô giỡn.

 

Cũng có đôi lần Cường tới chơi vào buổi tối, khi bố mẹ ở nhà. Trước mặt phụ huynh, chúng tôi cư xử như những người bạn học. Bố mẹ không nghi ngờ, chỉ nhắc nhở hai đứa vui chơi có chừng, tập trung học hành, vì năm nay đã là năm cuối cấp.

 

Cần phải nói thêm rằng, tuy nhắc nhở con là vậy, nhưng bố mẹ ít có thời gian quan tâm đến tôi. Bố nghề kiểm toán nên thi thoảng có những đợt công tác xa nhà. Mẹ tôi làm bác sĩ một viện nhỏ, có lúc phải trực đêm. Một mình ngủ đêm ở nhà, với tôi, là chuyện không có gì kinh khủng.

 

Có lẽ vì quen tự lo cho mình, nên so với một đứa con gái cùng tuổi 18, tôi độc lập và có phần già dặn.

 

Buổi tối cuối tuần hôm đó là sinh nhật nhỏ bạn cùng lớp. Cường chở tôi cùng đi rồi lại đưa tôi về. Cậu ấy uống say quá, tôi không yên tâm để cậu ấy về một mình trong tình trạng này. Bố mẹ đều không có nhà, tôi nói cậu ấy có thể nghỉ lại cho đến lúc tỉnh hơn.

 

Nhưng “chuyện ấy” đã xảy ra. Hai đứa trẻ, mà không, chúng tôi không còn là trẻ con, nhưng cũng chưa hoàn toàn thành người lớn. Hai kẻ “dở dở ương ương” với trái tim đã biết yêu và những rung động đầu đời mãnh liệt. Hoàn cảnh thì quá thuận lợi...

 

Cả hai đứa chúng tôi đều không ân hận về đêm đó. Thậm chí chúng tôi hạnh phúc vì đã dâng hiến cho nhau, trao và nhận, như một cặp đôi “thật sự”. Chúng tôi còn làm chuyện của các “cặp đôi thật sự” ấy nhiều lần sau đó.

 

Rồi cũng đến ngày tôi tắt kinh, không lâu sau đó thì cảm thấy nôn nao, khang khác trong người. Lúc nào tôi cũng thèm ăn, như một “liệu pháp” để điều trị cơn nôn nao trong dạ.

 

Tôi bảo với Cường trong hoang mang, lo sợ, rằng có thể tôi đã có thai. Mất vài ngày suy tính, Cường quyết định chở tôi ra ngoại ô tìm một phòng khám tư để giải quyết. Vì mẹ tôi là bác sĩ, chúng tôi không nên đến bất cứ bệnh viện nào.

 

Không thể tưởng tượng được, tôi có thai là sự thực. Bác sĩ nói tôi không nên bỏ, thủ thuật bỏ thai nào cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ. Nhưng, lúc ấy tôi không đủ dũng khí đối diện với sự thất vọng của bố mẹ, những lời đàm tiếu và ánh mắt miệt thị của bạn bè. Tôi nài nỉ bác sĩ “giúp” tôi trong nỗi đau đớn quằn quại về tinh thần và thể xác.  

 

Sau cái việc tày đình ấy, tôi không có thời gian suy nghĩ nhiều. Cả tôi và Cường đều đang đối mặt với kỳ thi sắp tới...

 

Rồi chúng tôi cũng vào đại học. Ở môi trường mới, Cường thay đổi rất nhiều. Một thời gian sau, chúng tôi chia tay trong sự luyến tiếc của tình đầu.

 

Ra trường, đi làm một thời gian, tôi lập gia đình. Chồng tôi là người đàn ông tốt và rất yêu thương vợ.

 

Một năm, rồi hai năm chung sống, chúng tôi vẫn chưa có tin vui. Những háo hức ban đầu biến thành nỗi mong ngóng, khắc khoải. Trước sự hỏi han của mọi người, chồng tôi vẫn nói “vợ chồng tôi kế hoạch”. Song anh cho rằng vì tôi hơi yếu lại không chịu tẩm bổ nên khó đậu thai. Anh chăm sóc tôi nhiều hơn.

 

Nghĩ lại chuyện năm xưa tôi lặng lẽ đi khám ở một trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín của Hà Nội. Bác sĩ cho biết tôi bị nhiễm trùng vòi trứng và niêm mạc tử cung, đó chính là nguyên nhân gây vô sinh.

 

Ra khỏi phòng khám, đầu óc tôi trống rỗng, cảm giác ân hận, tội lỗi tràn về. Sau nhiều ngày tự dằn vặt bản thân, tôi đấu tranh tư tưởng và chuẩn bị tinh thần đối diện với anh. Vẫn biết chồng mình là người đàn ông độ lượng và hiểu biết, nhưng tôi không dám mong anh sẽ tha thứ.

 

Đúng như lo sợ của tôi, chồng tôi sốc nặng khi nghe chuyện. Không hẳn vì tôi bệnh tật, anh ấy trách tôi sao ngày ấy nỡ tâm bỏ con nhiều hơn. Nhiều ngày trôi qua trong im lặng, anh ấy dường như đang suy nghĩ nhiều lắm.

 

Rồi anh ấy cũng lấy lại được đủ bình tĩnh để nói chuyện cùng tôi. Thời gian qua anh ấy đã suy nghĩ rất nhiều. Chuyện xảy ra khi tôi mới 18, anh ấy tin đó là sự nông nổi. Tình yêu của anh ấy với tôi vẫn còn, anh ấy không thể vì thế mà xa tôi. Rồi anh động viên tôi chữa trị, y học đã rất phát triển rồi, chúng tôi sẽ có con.

 

Nhưng 10 năm đã trôi qua, tôi lăn lộn hết các viện đầu ngành, vào Nam ra Bắc chữa trị, thử mọi cách lọc rửa, bơm tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm, mà hạnh phúc làm cha làm mẹ vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng tôi. Tất cả là tại tôi, chồng tôi đâu đáng phải chịu đựng nỗi hiếm muộn như thế!

 

Nhìn chồng mái đầu đã điểm sợi bạc mà chưa được làm cha, tôi thấy mình quá ích kỷ. Ai cho tôi quyền tước đi hạnh phúc của anh ấy như thế? Tôi nên ly hôn để giải thoát cho chồng? Xin hãy cho tôi một lời khuyên, hoặc chí ít là đủ dũng khí đưa anh ấy lá đơn ly hôn tôi đã viết sẵn rồi.

 

Hạnh Phúc - Huyền Anh

(Ghi)