Bố tôi tặng căn nhà 3 tỷ đồng cho người giúp việc

Phút cuối đời, bố tôi đã lập một bản di chúc khiến tất cả chúng tôi bàng hoàng.

Bố mẹ tôi lấy nhau hơn 35 năm nhưng không một giờ phút nào chúng tôi cảm thấy hạnh phúc dưới mái nhà mà ông bà cùng nhau xây đắp.

Bố mẹ tôi có 3 người con, trên tôi là 2 anh và tôi là con gái út. Tôi không hiểu sao họ lại có thể yêu nhau, kết hôn rồi lại sống với nhau còn tệ hơn người dưng nước lã.

Tuổi thơ của tôi chìm ngập trong tiếng chì chiết của mẹ, tiếng ném bát đĩa, đồ đạc của bố và những cái đập cửa đòi nợ của cánh cho vay tiền.

Đặc biệt năm tôi học lớp 6, bố tôi làm ăn thua lỗ, tình hình gia đình càng thêm căng thẳng.

Mẹ tôi chê bố là "đồ bất tài, đàn ông không lo được cho vợ con cuộc sống êm ấm, không biết xấu hổ khi nhìn sang hàng xóm, bạn bè". Bố tôi chán ngán vì mẹ là phụ nữ mà "lắm điều, chỉ được cái nói nhiều, không giúp được gì cho chồng".

Gia đình mâu thuẫn nên việc học của con cái cũng chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Hai anh tôi tốt nghiệp cấp 3 được mẹ tôi mượn vốn cho đi xuất khẩu lao động.

Ngày anh đi, mẹ tôi còn mát mẻ: "Đi làm ăn mà cứu lấy cái nhà này chứ đừng như bố chúng mày…".

Tốt nghiệp cao đẳng, tôi về làm cô giáo mầm non ở một trường gần nhà.

Con cái rời gia đình cũng là lúc hai ông bà công khai chuyện họ chẳng thể nhìn mặt nhau. Bao năm nay, họ chịu đựng nhau vì thể diện, vì con cái thì nay họ có dịp được tung hê hết sự chán ngán về nhau.

Căn nhà chúng tôi ở xưa nay to, rộng ngay giữa con phố lớn - vốn là do ông bà nội để lại cho bố tôi - nay ngăn làm hai.

Bố tôi ở 2 tầng trên, mẹ tôi ở 2 tầng dưới. Cùng một mái nhà, họ ăn riêng, ngủ riêng và không một lời dành cho nhau. Cứ thế suốt bao năm qua…

Họ ghét nhau đến độ khi bố tôi ốm yếu, mẹ tôi cũng không thèm chăm nom. Tôi chỉ biết sau giờ làm, chạy về chăm bố. Nhưng rồi tôi còn công việc, còn gia đình, đành thuê cho bố một người giúp việc đỡ đần ông lúc đau ốm.

Cô là người cùng quê với gia đình nội tôi, đã góa chồng từ lâu. Cô hiền lành, ít nói và rất thương bố.

Ngoài chăm sóc bố bữa cơm, bữa cháo cô còn chia sẻ với bố nhiều thứ trong cuộc sống. Từ ngày có cô, bố có thêm một người bạn, ông vui hơn. Tôi cũng yên tâm phần nào…

Nhưng tình hình sức khỏe của bố tôi ngày càng tệ. Ông gần như nằm liệt giường. Mẹ tôi vẫn chẳng ngó ngàng gì đến bố dù hai người vẫn ở chung một ngôi nhà.

Các anh tôi cũng thỉnh thoảng chỉ đảo qua nhà, hỏi han ông vài câu. Mọi việc sinh hoạt, ăn uống… ông đều phải nhờ cậy đến cô giúp việc. Cô chăm sóc bố tôi rất tử tế. Tôi cảm nhận, điều cô làm với bố không đơn giản là vì tiền công mà vì cô thương bố tôi thật lòng.

Mẹ tôi đi tới đi lui nguýt dài, bóng gió tôi khéo chọn vợ 2 cho bố. Tôi biết, bà vẫn giận ông rất nhiều…

Thế rồi, bố tôi qua đời. Ông ra đi thanh thản. Cô giúp việc khóc rất nhiều. Lo xong chuyện cho bố, ngày tiễn cô về quê, tôi nhìn cô mà chạnh lòng.

Nhưng rồi một chuyện xảy ra khiến gia đình tôi được phen xáo trộn. Đó là tờ di chúc của bố tôi. Ông để cho con gái tôi (cháu ngoại của ông) một sổ tiết kiệm do ông tích góp được nhiều năm nay. Số tiền này gia đình tôi hoàn toàn không hay biết.

Nhưng điều đáng nói hơn, ông để toàn bộ căn nhà chúng tôi sinh sống bao năm qua cho cô giúp việc. Ông nói đây là căn nhà của bố mẹ ông, nay ông muốn tặng cho cô để cảm ơn sự chăm sóc, tình cảm chân thành mà cô dành cho ông.

Nhờ cô mà những năm cuối đời ông cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, được yêu thương, được tôn trọng…

Di chúc do ông thuê luật sư lập khi còn tỉnh táo chứng tỏ ông đã suy nghĩ rất kỹ về việc này.

Gia đình tôi, trước bản di chúc đó, vô cùng bàng hoàng. Các anh tôi tỏ ra thất vọng còn mẹ thì phẫn nộ. Bà vốn đã hận chồng nay càng không tiếc lời trách móc.

Bà còn trách sang cả tôi, cho rằng tôi dẫn người dưng về chiếm nhà và yêu cầu tôi phải có trách nhiệm giải quyết, xử lý.

Chưa vơi nỗi đau mất bố, tôi lại bị cả gia đình chỉ trích, lòng tôi thực sự rối bời, xin độc giả cho tôi lời khuyên…

Theo Lê Thị Thu H. 

Vietnamnet