Bi kịch nuôi con một mình

“… Lời ru buồn đêm đêm vẫn cất lên trong ngôi nhà N. Người đời chê trách chị nhẹ dạ, cả tin để rồi phải trả giá nhưng sự cảm thông, chia sẻ, lòng bao dung... vẫn là thứ mà chị nhận được nhiều hơn...”.

Đã hơn 6 năm nếm trải những cay đắng, cơ cực và cả nỗi cô đơn, lạc lõng khi phải một mình nuôi con, cuộc sống của chị Nguyễn Thị N (xã NA - huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định) vẫn chưa thể thăng bằng trở lại.

 

Dù không ngừng nỗ lực bù đắp cho con những thiếu hụt tình cảm, song trái tim chị vẫn quặn đau khi đối diện với câu hỏi ngây thơ của con trẻ: “Tại sao các bạn đều có bố mà con lại không có?”.

 

Chị thắt lòng khi đối diện với ánh mắt đầy khao khát của con khi nó ngây người nhìn theo một đứa trẻ đang cười đùa cùng bố hoặc được bao bọc trong tình yêu thương của một tổ ấm trọn vẹn.

 

Rất nhiều đêm, sau khi ru con ngủ, nước mắt chị lăn dài trên má. Chị trách mình quá nông nổi, dại khờ để rồi lỡ dở cả đời con gái, làm khổ cả đứa con trai bé bỏng...

 

Do quá tin tưởng chàng trai cùng xã tên H nên trong quá trình hai người đi làm ăn xa ở Lâm Đồng, chị N đã không ngần ngại trao thân cho anh ta.

 

Biết mình có thai, chị nói với H để hai người cùng trở về địa phương đăng ký kết hôn. H hứa sẽ nhanh chóng thu xếp công việc gia đình rồi tổ chức đám cưới với N theo đúng phong tục tập quán.

 

Nhưng anh chàng này lại quá yếu đuối, nhu nhược khi vấp phải sự phản đối của gia đình. Anh ta dùng dằng, trì hoãn đám cưới, mặc cho N đau khổ trước những lời bàn tán, dị nghị bởi cái thai trong bụng ngày một to ra...

 

Ngay cả lúc N sinh và nuôi con trong điều kiện vật chất eo hẹp, H cũng chẳng quan tâm, chẳng có trách nhiệm gì với mẹ con N.

 

Sau hơn 3 năm duy trì mối quan hệ vợ chồng trên giấy tờ, H đã chủ động làm đơn li dị để giải phóng cho mình.

 

N đã chết điếng người khi nghe H trình bày tại tòa rằng: Sau khi đăng ký kết hôn anh ta mới phát hiện ra N có thai 6 tháng và đó không phải là “sản phẩm” của anh ta nên tuyên bố không có trách nhiệm gì với đứa trẻ. Thậm chí H còn lớn tiếng nguyền rủa N là loại đàn bà lẳng lơ, trơ trẽn, định lừa anh ta vào bi kịch “không ăn ốc mà phải đổ vỏ”...

 

Sau khi áp dụng các điều khoản ở Luật hôn nhân và gia đình, Tòa án nhân dân huyện Nam Trực đã xử ly hôn nhưng cũng xác định đứa trẻ là con chung, yêu cầu H phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến tuổi trưởng thành.

 

Đứng trước những khó khăn chồng chất và tâm lý uất hận, N đã làm đơn kháng cáo, đề nghị tòa án giao con cho H nuôi. Chị định dùng đứa con để “trả đũa” kẻ bội tình. Nhưng rồi nghe mọi người xung quanh phân tích và những tình cảm thiêng liêng tình mẫu tử trỗi dậy, khiến chị chẳng những không thể rời xa con mà còn xác định đó là chỗ dựa, là “của cải” của đời mình.

 

Lời ru buồn đêm đêm vẫn cất lên trong ngôi nhà N. Người chê trách chị nhẹ dạ, cả tin để rồi phải trả giá nhưng sự cảm thông, chia sẻ, lòng bao dung... vẫn là thứ mà chị nhận được nhiều hơn...

 

Nói đến M (phường Cửa Nam - thành phố Nam Định) người ta thường gắn với câu “hồng nhan bạc phận” bởi cô gái xinh đẹp, có học thức ấy đã ngoài 30 tuổi rồi vẫn chưa thể hiện thực hóa mơ ước rất đỗi bình dị là một lần đắm mình trong thiệp hồng hoa cưới như bao cô gái bình thường khác.

 

Chẳng phải không có ai muốn gắn bó cùng cô, song như con chim đã một lần đậu phải cành cong, M sống lặng lẽ, khép mình và có phần ác cảm với người khác giới. Niềm tin trong M dường như đã hoàn toàn sụp đổ khi người đàn ông mà cô trao gửi trọn những tình cảm nồng thắm, mãnh liệt từ trái tim lộ nguyên hình là một gã Sở khanh.

 

Nghe M thông báo tin có thai, anh ta không chỉ chối bỏ trách nhiệm của mình mà còn lớn tiếng xúc phạm cô dễ dãi với anh ta thì cũng có thể dễ dãi với người khác và dọa sẽ không để cho M sống yên ổn nếu cố tình trói buộc anh ta.

 

Thời điểm M phải gồng mình lên đối diện với sự chỉ trích của người thân, với những ánh mắt soi mói về cảnh ngộ “không chồng mà chửa” thì cũng là lúc anh ta rình rang chuẩn bị đám cưới với một cô gái trẻ đẹp khác.

 

Sau một thời gian chìm trong hụt hẫng, tuyệt vọng và dày vò bản thân vì đặt niềm tin nhầm chỗ, M đã xác định phải sống mạnh mẽ, cứng cỏi dù nuôi con một mình đồng nghĩa với việc đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách...

 

Một gia đình trọn vẹn luôn là mục tiêu phấn đấu của phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau vẫn có những người phụ nữ rơi vào bi kịch nuôi con một mình. Họ rất cần trái tim đồng cảm, sẻ chia cũng như sự nhìn nhận bao dung của cộng đồng.

 

Theo Tuấn Nguyên

Phụ Nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm