Bi hài chuyện thuê thám tử “rình” chồng

Bà vợ là thạc sĩ, công tác tại một trường Cao đẳng thuê thám tử theo dõi chồng trong vòng một tháng với số tiền rất hào phóng chỉ để biết ông đi đâu và làm gì.

 
Những năm trước, nếu như việc nhờ đến thám tử tư để tìm những thông tin cần biết còn rất lạ lẫm thì hiện tại, trung bình mỗi tháng các công ty thám tử tiếp nhận khoảng 50 hợp đồng. Trong đó, hợp đồng theo dõi bạn đời chiếm từ 60-70% và phần lớn người thuê thám tử đều là người trí thức. Tuy nhiên, không phải tất cả người vợ, người chồng đều tìm đến thám tử với mục đích để hiểu rõ mối quan hệ hôn nhân của mình, có rất nhiều hợp đồng thuê thám tử mà người thuê chỉ nhằm tìm ra một “bằng chứng” để hợp pháp hóa mưu đồ cá nhân.
 
Bi hài chuyện thuê thám tử “rình” chồng - 1

Càng trí thức, chiêu càng “độc”

Trung tuần tháng 4/2008, một công ty thám tử nhận được một hợp đồng béo bở: Bà vợ (là một thạc sĩ, công tác tại một trường Cao đẳng) thuê thám tử theo dõi chồng mình trong vòng một tháng với số tiền rất hào phóng, điều kiện chỉ là báo cáo ông đi đâu, làm gì cho bà từng giờ. Theo bà, dạo gần đây ông có nhiều biểu hiện “nghi vấn” và bà muốn biết có phải ông đang có bồ nhí hay không.

Mọi phương án theo dõi được các thám tử triển khai, mọi đường đi nước bước của ông chồng đều được báo cáo về cho bà vợ đầy đủ hàng giờ theo yêu cầu. Sau 3 ngày theo dõi, các thám tử dấy lên sự nghi ngờ vì mọi hoạt động của ông chồng đều rất “sạch”: không bù khú bạn bè, không gặp gỡ bất cứ cô gái nào, không đến những nơi có dấu hiệu “mờ ám”…

Và khi dùng phương pháp theo dõi ngược, các thám tử phát hiện ra rằng người ngoại tình chính là bà vợ, và việc thuê thám tử theo dõi 24/24 chỉ nhằm mục đích bà nắm được thời gian biểu của ông để dễ dàng gặp tình nhân hơn!

Ly kỳ hơn, có bà vợ (là trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu) vừa muốn sống với người tình, vừa muốn mình trở thành nạn nhân để không bị hàng xóm, họ hàng chê cười. Sau khi tìm đủ mọi lý do để chồng sang tên một số bất động sản sang cho mình, người phụ nữ tiến hành bước thứ hai để đưa chồng vào bẫy.

Soạn sẵn cho mình một cái nick rất hiền ngoan, ngày ngày bà chat với chính chồng mình. Ban đầu chỉ là những lời thăm hỏi vu vơ, sau dần bà chuyển sang “tâm sự” và “chia sẻ”, đặc biệt bà xoáy vào những điều mà ông thích, những nỗi niềm mà ông hay trăn trở… Dần dần, ông chồng như tìm được sự đồng cảm mà vợ mình không có. Nắm “thóp” đó, bà vợ chủ động hẹn gặp, và ông chồng đồng ý. Thấy chồng “dính câu”, bà vợ tìm đến công ty thám tử Lương Gia yêu cầu cử một thám tử nữ đóng giả là người có cái nick kia, tìm cách lả lơi, ôm ấp rồi chụp hình lại để bà làm bằng chứng ra tòa.

Theo ông Lương Hiền Duy - Giám đốc công ty thám tử Lương Gia, 60% người đến thuê thám tử theo dõi bạn đời là phụ nữ, và hầu hết đều muốn làm rõ trắng đen về việc chồng mình có quan hệ bất chính bên ngoài hay không. Nhưng bên cạnh đó, những trường hợp thuê theo dõi bạn đời với ý đồ xấu không phải là hiếm và không còn là điều lạ đối với các thám tử.

Mướn thám tử theo dõi bạn đời - lợi bất cập hại!

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, PGĐ Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (thuộc Hội LHTN Việt Nam), rất dễ hiểu vì sao hầu hết các đối tượng nhờ đến thám tử để theo dõi bạn đời đều là người trí thức.

“Với những người ít hiểu biết, chỉ cần có một chút nghi vấn là đã có thể làm ầm lên, nhưng với những gia đình trí thức thì không thể làm thế vì sợ bị cho là hồ đồ, họ đành nhờ vào thám tử”, bà nhận định. Theo đó, khi tìm đến thám tử để theo dõi bạn đời nghĩa là đã bế tắc trước sự nghi ngờ của bản thân mình, nhưng điều này cũng rất cần phải cân nhắc vì đó cũng là một hành động xúc phạm bạn đời nặng nề nếu bạn đời “vô tội”.

Có trường hợp người vợ đến tìm bà nhờ tư vấn vì ông chồng đòi ly dị sau khi biết bà thuê thám tử theo dõi ông. Số là công ty ông có một dự án marketing mới và ông là người phụ trách, nên ông hay đi sớm về trễ. Một lần ông phát hiện có người theo dõi mình, lo sợ đối thủ trong kinh doanh chơi trò “bẩn” nên ông báo cáo lên ban giám đốc công ty. Công ty ông liền nhờ đến một công ty thám tử, và kết quả cuối cùng thám từ báo về là người theo dõi ông cũng là một thám tử, do vợ ông thuê. Phần xấu hổ với công ty, phần tổn thương vì bị vợ nghi ngờ vô cớ nên ông nhất quyết đòi ly dị.

Cũng theo bà, việc tìm được bằng chứng ngoại tình của bạn đời trong tay cũng có nhiều điều đáng bàn. Khi mọi việc chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ hoặc không “sâu sát” mối quan hệ mờ ám kia, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua hơn nếu bạn đời biết hối cãi. Nhưng một khi đã có bằng chứng mười mươi trong tay, sự tổn thương cao độ sẽ khiến việc tha thứ trở nên khó khăn hơn. Điều tốt nhất trong các trường hợp này là các vợ chồng nên thẳn thắng bày tỏ suy nghĩ của nhau, cho dù đó là những suy nghĩ nghi ngờ. Tuy nhiên, phải có cách thể hiện suy nghĩ đó dựa trên tiêu chí tôn trọng bạn đời.

Sự đúc kết qua rất nhiều trường hợp đến tư vấn tại trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình cho thấy, dù biết rõ hay không biết rõ việc bạn đời ngoại tình, hầu hết người bị phản bội đều không muốn gia đình tan vỡ. “Mối quan hệ hôn nhân nào cũng cần phải có sự tha thứ. Khi tình yêu không còn thì nên chia tay nhau, nhưng nếu vẫn còn yêu nhau và vẫn còn muốn giữ một gia đình, thì đừng đẩy bản thân mình đi đến chỗ không thể tha thứ cho người kia”, bà đúc kết.

Theo Trương Quốc Phong
Zing