Bất lực với con vì ông bà nội

(Dân trí) - Ai cũng biết trường học quan trọng thế nào, nhất là bậc mầm non, nhưng với bố mẹ chồng em thì hình như đó là nơi nên tránh càng xa càng tốt.

 
Bất lực với con vì ông bà nội - 1


Con em, nó còn bé cho ở nhà đã đành, khi tuổi rưỡi đã có trường nhận ông bà vẫn nhất quyết không cho đi. Ông bà bảo “nó đã biết nói đâu, đứng còn chả vững, ra đấy các bạn đẩy cho thì sao. Nó sinh cuối năm, khéo lại bị bọn lớn hơn bắt nạt”. Rồi bà mắng vốn em: “Mày định đẻ chục đứa con không mà chả thèm quan tâm gì đứa này thế?”.

 

Con được hai tuổi ông bà vẫn kiên cường giữ ở nhà, vì “nó như con cua bấy thế kia, tao chả yên tâm”. Nó nô như giặc, ông bà chẳng sung sướng gì nhưng cứ thích cháu ở nhà cho vui vì nghĩ thế mới là tốt cho cháu. Lúc nào cũng gắng cung phụng thằng cháu đích tôn, đến ăn cũng phải nài mãi mới xong, có bao giờ luyện để cháu tự ăn đâu mà mỗi lần bảo để cháu đi lớp ông bà lại gào lên: “Nó đã biết tự xúc cơm đâu, muốn để nó chết đói à, mẹ gì mà máu lạnh thế?”.

 

Em thì luôn ngỡ như con bị chứng tăng động giảm trí nhớ. Nó nghịch kinh khủng khiếp, ông bà cũng hơi hoảng nhưng lại cho rằng có hiếu động, tìm tòi khám phá thì mới sáng dạ. Ông bà nhất quyết không cho mang cháu đi khám vì “đọc báo thấy có trường hợp tăng động mang đi tiêm cái thuốc gì bị thần kinh kia kìa. Nó đang bình thường, khỏe mạnh, thông minh...”.

 

Nó lớn rồi ông bà lại sợ đến lớp nó bắt nạt bạn, đánh, cắn bạn, người ta kiện cho. Năm tuổi rồi mà con em vẫn như cái cây dại chẳng được uốn nắn. Phải thừa nhận nó láo. Ai lại mỗi lần mẹ đi làm về, nó lao đến tủ lạnh lấy từng quả trứng gà một, ném bốp xuống sàn như trêu ngươi mẹ. Ông bà thì cứ cười trừ bảo thôi kệ. Mẹ mà phát cho vào mông nó la hét ầm ĩ, rồi quát “sao mày dám đánh tao”.

 

Hôm vừa rồi chả rõ ông không cho cái gì, nó nghĩ ra cách khuân một cục gạch ra bờ ao cạnh nhà, hét rõ to: “Ông ơi cháu đi chết đây”, rồi ném tủm cục gạch xuống và chạy biến đi, nấp ở mấy gốc chuối trong vườn. Ông mặt xám ngoét chạy ra, lao ùm xuống ao kiếm nó, còn bà thì hoảng loạn kêu rên khắp làng khắp xóm, nó mới trồi mặt ra cười hì hì.

 

 Em nghe kể thấy bực mình. Em bảo “đánh nó không chết được đâu, nhưng nghịch dại và hư đốn thì mới chết” vậy mà ông bà vẫn cứ chiều cháu hết sức.

 

Chồng em đi làm xa, lúc nào cũng coi lời mẹ là thánh chỉ, chẳng dám trái bao giờ. Tới khi nào em mới được cho con đi học? Có lẽ em thất bại với con, bất lực với ông bà nội nó rồi.

 

Bảo Yến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm