Bảo nhau vượt khó

(Dân trí) - Là con trai độc nên Hậu rất được cưng. Học cùng cấp hai, Lê không ưa Hậu vì đó là học sinh cá biệt, vừa dốt vừa nghịch dại, lại hay đánh nhau. Lên cấp ba, Lê vào hệ A, Hậu học Dân Lập, bẵng đi thời gian dài không biết tin.

 
Bảo nhau vượt khó - 1


Học xong trung cấp, Lê xin được vào công ty tư nhân gần nhà làm kế toán. Do kiêm nhiệm nhiều mảng, làm cả ngày nghỉ và không chỉ tám tiếng một ngày nên lương của Lê khá cao, với con gái thế là tạm ổn. Nay chỉ cần kiếm tấm chồng nữa là xong.  

 

Duyên số run rủi Lê gặp lại Hậu, lúc này đã có mác công tác tại Hà Nội. Anh về quê ghé thăm nhà cậu mợ, cũng c hính là nơi Lê làm. Hậu không còn vẻ lấc cấc, láo nháo, thay vào đó,  là nhiều phần chững chạc.

 

Được cậu “phím”, Hậu liền đến “tán”, Lê cảm thấy xuôi xuôi, không lâu sau đó thì họ lấy nhau.  

 

Song Lê dần cảm thấy phiền lòng với anh chồng có phần trẻ con, ẩm ương của mình. Đi làm lương cũng phải đưa vợ ít nhiều để trang trải, chắt bóp lo cho tương lai, đằng này Hậu vẫn quen nết tụ tập đàn đúm với bạn, tiền chẳng còn là bao khiến Lê thêm nặng gánh.

 

Rồi Lê sinh con, thằng nhóc giống đặc bà nội, thành ra bà cưng gấp vài lần bố nó ngày trước. Vậy là tối ngày bà ngồi ôm cháu, việc giặt giũ, cơm nước, đồng áng được đặt lên vai cô con dâu chịu khó, dù còn đang ở cữ cần được kiêng khem. Vì nghỉ ở nhà nên kinh tế khó khăn, Lê chỉ còn trông chờ vào lương chồng. Song đúng thời điểm đó công ty Hậu hết việc, những ai đang là hợp đồng ngắn hạn đều bị sa thải.

 

Có mấy đồng trợ cấp thất nghiệp cũng được chồng hào phóng chiêu đãi tạm biệt mọi người. Lúc ấy Lê tủi thân chỉ biết khóc, trong khi mẹ chồng lại luôn đinh ninh cậu con giời con phật của mình làm được bao nhiêu cúm núm đưa hết cho vợ. Nay bà nói cần cái này, mai lại phải sửa cái kia, mở miệng là nhắc đến tiền, rồi bà cứ ngồi bế cháu vẻ chẳng muốn rời, đẩy cho Lê đi chợ mua thức ăn.

 

Tiền dự phòng đã tiêu cạn, Lê hốt hoảng nhắc chồng thì anh chàng vô tư lại gằn giọng: “Tiền giấu hết bên nhà ngoại chứ gì?”. Lê đành mếu. Ngày ấy để dành được một ít thì đem sắm đồ cưới, rồi trả tiền cỗ bàn đã hết, cứ ngỡ lấy nhau cùng chung chí hướng “bàn tay ta làm nên tất cả”, vậy mà trăm thứ phải tiêu, túi của Lê đâu phải là không đáy.

 

Cho con bú mà nước mắt Lê cứ nhỏ long tong, muốn rời khỏi đây ngay lập tức, nơi này chẳng thể khiến mẹ con Lê được yên. Những lo toan cơm áo luôn đè nặng khiến Lê căng thẳng, lại còn cả người chồng vô tâm chẳng giúp vợ được gì…

 

Nhưng rồi Lê tự an ủi mình, bụng bảo dạ, nhẫn nhịn là hơn. Đi dễ nhưng khó về, người đời ai chẳng có tật nọ tật kia, mấy khi được tròn trịa. Mình ra đi nhàn nhẹ thân nhưng rồi con sẽ khổ…

 

Hôm cậu mợ đến thăm, biết hoàn cảnh liền thủ thỉ, công ty đang thiếu một chân tiếp thị, bảo Hậu đến làm luôn. Còn thằng bé giờ đã cứng cáp thì Lê cũng nên đi làm, thời gian mợ sẽ cho xông xênh hơn chút mà về chăm con.

 

Lê mừng rỡ với sáng kiến ấy. Còn Hậu ngồi chơi mãi cũng chán, nay được đi làm, lại gần nhà nên hào hứng gật đầu.

 

Nhờ chỉn chu làm ăn, nhờ nhẫn nhịn mà Lê đã giúp chồng thuần tính hơn, biết lo nghĩ cho vợ con, không còn mải mê chơi bời như trước. Lê giữ tiền, hàng tháng đưa một khoản cố định cho mẹ chồng, đồng thời công khai các khoản thu chi, không để vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau. Mọi việc dần trở nên suôn sẻ, dễ thở hơn.

 

Lê hiểu, những mâu thuẫn, cãi cọ hầu hết từ kinh tế thiếu thốn mà ra. Cũng may Trời không đến nỗi triệt đường sống của ai. Chỉ cần vợ chồng biết nhường nhịn, bảo ban nhau cùng cố gắng.

 

TSL