Bạo lực tinh thần

Tú Lam xinh, khéo léo, là giám đốc một công ty Hàn Quốc. Chồng cô cũng là giám đốc công ty liên doanh, thu nhập ngất trời. Cứ tưởng hạnh phúc tràn ngập trong ngôi biệt thự của hai vợ chồng và hai cậu con trai, nhưng gần 8 năm chung sống, điều Lam đau khổ nhất là mối quan hệ với chồng.

Bình thường chồng Lam rất thương vợ, thương con. Nhưng mỗi khi không vừa lòng vợ hoặc có xung đột, chồng Lam thành một con người khác: không nói chuyện, không ăn cơm chung, không nhìn mặt vợ con!

 

Mỗi lần giận là "tịnh khẩu" từ một tuần đến một tháng. "Mình ủi quần áo đi làm cho anh ấy thì anh ấy đem vứt vào sọt rác. Con mừng bố thì bị bố quát mắng, đánh đập… Cả ba mẹ con cứ như kẻ thù không đội trời chung dưới một mái nhà với anh ấy", Lam kể trong nước mắt.

 

Không đối thoại được với chồng, Lam như muốn điên. Càng kéo dài Lam càng rơi vào trầm uất. "Chẳng thà anh ấy mắng chửi, giận quá thì cho mình một bạt tai cũng được. Miễn là đừng tra tấn mình bằng cách đó, mình ngột ngạt trong chính tổ ấm của mình", Lam tâm sự.

 

Kết hôn với một doanh nhân có tiếng ở TPHCM, ai cũng bảo P. "chuột sa hũ nếp". Mấy ai biết suốt gần 10 năm chung sống, P. ngày càng rơi vào trầm cảm vì bị chồng "khủng bố" tinh thần.

 

Không chỉ đầy thủ đoạn trên thương trường, chồng P. đem cả những thủ đoạn ấy về nhà để bằng mọi cách ly dị P. mà không phải chia khối tài sản kếch sù cho vợ.

 

Không chỉ liên tục khoe về các cô bồ, chồng P. còn tấn công vợ bằng những bài "võ miệng" kiểu: "Mày chả là cái gì. Không lấy tao chỉ có chết đói, bán thân mà ăn…".

 

Chịu đựng những đối xử đay nghiến, những thủ đoạn của chồng, từ lo âu, trầm cảm P. dần rơi vào rối loạn tinh thần và phải dùng đến thuốc.

 

Bạo hành tinh thần là một thực trạng rất đáng lo ngại, phát sinh từ áp lực của cuộc sống công nghiệp. Cảm xúc của một trí thức khi bị tổn thương về tinh thần mạnh mẽ hơn người khác.

 

"Bạo hành luôn xuất phát từ cảm giác bất lực của người bạo hành. Để mất cảm giác này họ dùng bạo hành để thị uy và điều khiển nạn nhân. Điều đáng nói là ngay trong khi bạo hành, người bạo hành thấy mình mất khả năng kiểm soát và khống chế", thạc sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga giải thích.

 

Hơn cả bạo hành về thể xác, bạo hành tinh thần gây ảnh hưởng xấu và kéo dài đối với những người bị bạo hành. Con cái sống trong gia đình có bạo hành cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trẻ không hình thành được nhân cách, ghét bố hoặc ghét mẹ. Dần dần, một cách không ý thức, trẻ học theo cách hành xử của người bạo hành và có thể lặp lại mô hình đó trong cuộc sống tương lai.

"Để giải quyết vấn đề và "cứu" người bạo hành, nạn nhân của bạo hành tinh thần phải nhận thức được vấn đề và đưa người bạo hành đi điều trị, gỡ nút thắt tâm lý cho chính người bạo hành" - các chuyên gia cho biết thêm.

 

Theo Tuổi Trẻ