Ba tôi “dạy” vợ
Ba tôi giải thích rằng, sở dĩ trong dân gian có câu “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về’’, bởi đó là một nhiệm vụ nặng nề mà người đàn ông phải làm!
Từ xa xưa, người đàn ông vẫn được coi là trụ cột gia đình, sự coi trọng đó xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất. Là trụ cột tuy vinh quang nhưng cũng đầy cam go. Cho nên người đàn ông cả đời vất vả “tu nhân tích đức” để xứng danh là “trụ cột”.
Tuy không nói ra nhưng tôi ngấm ngầm cho ba là người quá cầu kỳ, cứng nhắc và có gì đó rất lý thuyết. Tôi nào thấy ba vất vả trong việc “dạy” má tôi. Tôi hỏi ba: “Ba dạy má thế nào, con thấy má có gì đâu mà phải dạy. Ai cũng khen má”. Ba cười sung sướng, rồi im lặng nhìn tôi rất lâu. Tôi nín thở đợi chờ câu trả lời của ba. “Má con được như ngày hôm nay là do kết quả dạy dỗ của ba đấy!”. Tôi như người chạm phải điện. Trời ơi, sao ba lại tự cao tự đại và coi thường má tới vậy? Má kém cỏi đến thế hay sao? Má tôi mất rồi, nếu còn sống nghe được câu này của ba thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Hình như đoán được suy nghĩ ấy, ba nhắc đến má bằng những lời trìu mến: “Má con thì giỏi nhiều thứ, chỉ có điều má con không giỏi gọn gàng ngăn nắp. Thí dụ, khi kết thúc một bữa nấu ăn, nhìn vào bếp của má như một bãi chiến trường. Ba góp ý, liền bị má nổi đóa bằng những câu rất khó nghe và bảo thủ”. Chỉ vì chuyện luộm thuộm của má mà ba má suýt bỏ nhau. Ba tôi từng là người lính, nên cái máu “kỷ luật sắt” vẫn còn ngự trị trong ông. Biết điểm yếu của má, ba tôi đã vận dụng “trường kỳ kháng chiến…”. Khi má làm việc gì, nếu rảnh là ba cùng tham gia, sắp đặt các vật dụng, xong cái nào là để luôn vào chỗ quy định. Ba phải mất mấy năm trời “kèm cặp” mới thay đổi được thói quen “làm đâu bỏ đấy” của má.
Khi má tôi góp ý đúng cho ba cái gì là ba vui vẻ tiếp thu, công khai cảm ơn má trước các con của mình. Ba không hề tỏ ra giấu dốt, đó cũng là một yêu cầu cao ở các thành viên trong gia đình. Hóa ra ba tôi “dạy” vợ bằng chính việc làm và sự thông minh sáng tạo, ông chẳng bao giờ màng tới chuyện “tranh công” với vợ.
Theo Đào Cao Cường
PNO