Áp lực của phái mạnh thời hiện đại

Tuy xã hội hiện đại đề xướng bình đẳng nam nữ nhưng với quan niệm cố hữu, phụ nữ vẫn là phái yếu, đàn ông vẫn là phái mạnh, vì vậy phái mạnh là chỗ dựa của phái yếu.

 
Áp lực của phái mạnh thời hiện đại - 1


Khi đấu tranh vì địa vị xã hội, phụ nữ nói “họ có thể nắm giữ mọi vị trí như đàn ông”, khi đấu tranh vì lợi ích họ nói “bình đẳng nam nữ, cùng làm như nhau, cùng hưởng như nhau”... Song, khi đối mặt với những áp lực trong công việc, phụ nữ có thể lựa chọn “đường thoát” mà không bị mọi người cười chê, còn đàn ông lại không thể. Đàn ông là xương sống của xã hội, là trụ cột trong gia đình nên đối mặt với các loại áp lực tuyệt đối không có lý do để thoái thác, càng không có đường rút lui.

 

Áp lực với đàn ông thời nào cũng tập trung ở ba phương diện: Kinh tế, chính trị và cuộc sống. Về kinh tế, họ lo phải kiếm được nhiều tiền. Về chính trị, họ phải phấn đấu để có một vị trí nhất định trong xã hội. Về cuộc sống, họ phải là chỗ dựa vững chắc của mọi thành viên trong gia đình.

 

Cả đời người đàn ông chỉ có thể hướng về phía trước, vì vậy áp lực tâm lý, áp lực sinh lý, áp lực cuộc sống và áp lực tinh thần mà người đàn ông phải chịu đựng một cách tự nhiên luôn cảm thấy nặng hơn nhiều so với phụ nữ. Ngay từ khi còn nhỏ, tuyệt đại đa số gia đình kỳ vọng con trai là người nối dõi tông đường, sẽ công thành danh toại nên cha mẹ thường có những yêu cầu cao hơn so với con gái.

 

Nhiều quan niệm rằng con gái học không giỏi còn có thể lấy được người chồng tốt nhưng con trai học không giỏi sẽ không có cơ hội phát triển tốt hoặc không có tiền đồ tốt đẹp. Vì vậy, từ khi còn là học sinh, cha mẹ thường đem lại cho con trai nhiều áp lực hơn con gái. Thành tích học tập tốt của con trai là niềm kiêu hãnh của cha mẹ, là sự thỏa mãn ý nguyện của cha mẹ và làm rạng danh tổ tông.

 

Phụ nữ sợ lấy phải người chồng không tốt, đàn ông sợ không có công danh sự nghiệp vững chắc. Nhìn chung đàn ông thường có sự lựa chọn nghề nghiệp rõ ràng, hiểu rõ mình phải làm gì và xác định rõ mục tiêu sự nghiệp của mình.

 

Người đàn ông nào cũng dồn tâm sức cho sự nghiệp. Vì vậy, sau khi kết hôn, phụ nữ có thể dựa vào đàn ông, còn đàn ông chỉ có thể dựa vào chính mình.

 

Ở cơ quan, đàn ông phải chịu áp lực công việc rất lớn. Muốn sự nghiệp có thành tựu cần có được sự chú ý của sếp, khi được sếp chú ý mới có cơ hội để thăng chức. Vì vậy, để đạt được mục đích, họ cần phải nỗ lực thực sự, phải xả thân vì công việc. Điều đó đem lại áp lực rất lớn mà chỉ người đàn ông mới có thể cảm nhận được hết.

 

Người đàn ông không có thành tựu trong sự nghiệp phần lớn không được phụ nữ tôn trọng. Công thành danh toại khiến họ có thể gánh vác tốt trách nhiệm gia đình, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người thân. Quan trọng hơn, họ nhận được sự tôn trọng của xã hội, sự khẳng định và tán dương của mọi người, sự tôn trọng của vợ và có được vị tri đặc biệt trong gia đình.

 

Nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, mà đa phần đàn ông là “cái máy ATM” của gia đình, họ không chỉ nỗ lực trở thành nguồn kinh tế chủ yếu, mà còn là trụ cột, lá chắn an toàn cho cả gia đình. Vì vậy, đàn ông phải chịu áp lực kiếm tiền rất mệt mỏi. Đứng trước những chi tiêu cần thiết cho sinh hoạt gia đình, cho học tập của con cái, trước những hóa đơn cần thanh toán hàng tháng... đàn ông thường ăn không ngon, ngủ không yên. Bên cạnh đó, còn là sự đòi hỏi chia sẻ, gánh vác việc nhà của các bà vợ khiến họ phải căng ra thêm.

 

Đối với con đường chính trị, trong sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, bất cứ khi nào, bất cứ phương diện nào họ cũng không dám buông lơi. Có khi để đạt được chức vị cao hoặc quan trọng hơn đàn ông vừa phải phấn đấu cả đời, vừa phải nghĩ ra nhiều mưu cao, kế sâu.

 

Đàn ông còn phải chịu đựng áp lực về mặt sức khỏe, điều họ sợ nhất là khi vợ nói họ không “đàn ông”, nói họ không gánh vác được trách nhiệm là nghĩa vụ của người chồng, nói họ không thỏa mãn sinh lý của vợ.

 

Công danh, lợi lộc là những thứ mà đàn ông vĩnh viễn không có cách nào thoát ra được, khiến cho họ suốt đời phải trả và chịu những áp lực vô cùng lớn.

 

 

Theo Lê Hương

Phụ Nữ