A lô đi anh!

“Dạ, em là nhân viên điều tra tâm lý học. Cho em gặp người không thèm nghe điện thoại của vợ để hỏi cảm giác của họ mỗi lần được sống tự do...”.

 
A lô đi anh! - 1


Chồng Hương đi công tác nhiều đến nỗi bây giờ việc “a lô” cho chồng giống như một thủ tục hành chính vậy. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy câu trao đổi kiểu như “đến chưa, ăn ở đâu, với ai, bao giờ về”... Không gọi thì thấy thiếu. A lô xong lại hụt hẫng, có cảm giác như phía bên kia cũng hờ hững giống bên này.

 

Rồi Hương tìm được một giải pháp tối ưu: Trao điện thoại vào tay con. Chao ôi, ngồi ngắm đứa trẻ gần lên 3 ề à nói chuyện với bố, Hương thấy như mình vừa có một phát minh vĩ đại vậy.

 

Cũng chỉ mấy câu: “Bố ăn cơm chưa, bao giờ bố về” thôi mà hai bố con nói đến nửa tiếng đồng hồ không thấy chán. Dần dà, Hương giao phó hết các “thủ tục hành chính” này cho con trai.

 

Chồng gọi về thì con trai tiếp chuyện bố. Lúc cần hỏi han cho “phải phép”, Hương lại bấm số điện thoại, rồi ấn vào tay con: “Bố đấy, con nói chuyện với bố đi”.

 

Rồi Hương có một chuyến xa nhà trong 3 ngày. Lâu lắm mới không bị trói buộc bởi những kỷ luật thép trong gia đình, Hương thấy tâm hồn thơ thới kỳ lạ. Thậm chí, cô còn ngạc nhiên khi không nhớ nhà như vẫn từng hình dung.

 

Mãi đến 9h đêm, sực nghĩ đây là giờ nhắc con xem xong “Chúc bé ngủ ngon” thì đánh răng, lên giường ngủ, Hương mới bấm số máy của chồng.

 

“A lô, mẹ à, sao mẹ đi lâu thế, mẹ không nhớ con à?”, giọng cu Tí như sắp khóc. Tự dưng lòng Hương chùng xuống. Đúng là Hương đã suýt quên bẵng đi rằng có một cậu bé 3 tuổi đang phụng phịu vì nhớ mẹ.

 

Chẳng biết chồng xoay xở ra sao với cu Tí nữa. Những ngày còn lại trong chuyến xa nhà tự dưng dài lê thê. Sáng, trưa, chiều, tối, Hương đều muốn “a lô” để chắc chắn rằng mọi việc ở nhà vẫn ổn.

 

Theo lời cu Tí thì chồng Hương là một người đàn ông đảm đang hiếm có. Hai bố con không phải ăn mì tôm hôm nào. Tối đánh răng, đi ngủ đúng giờ. Mục đọc chuyện cổ tích vẫn được duy trì hàng đêm. Hương nghe con kể bi bô, vừa vui, vừa có cảm giác ghen tị.

 

Mọi việc hơi rối tung lên một tí, có khi Hương lại thấy thỏa mãn hơn. Dường như có hay không có cô thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bố con cu Tí cả.

 

Chồng Hương tuyệt nhiên không nghe điện thoại. Cũng giống như cách Hương đã làm khi anh đi xa, mọi “thủ tục hành chính” đều giao phó vào tài líu lo của cậu bé 3 tuổi.

 

Hương không thể hình dung được anh đang làm gì lúc con trai nói chuyện với mẹ. Chống tay vào cằm, tủm tỉm cười, thỉnh thoảng nhắc nhở con một vài câu, hay lạnh lùng dán mắt vào máy tính, ngồi chơi trò xếp kim cương? Anh đã phát chán khi nhìn thấy tên vợ trên điện thoại rồi chăng, tại sao anh không nói với Hương một vài lời?

 

Tự dưng lòng Hương như có lửa đốt. Cô gọi về điện thoại bàn. Không có số hiện lên, cầu mong người nhấc máy là anh. Một vài giây sau, Hương hơi bối rối khi nghe được giọng “a lô” trầm ấm có phần khách sáo của chồng.

 

“Dạ, em là nhân viên điều tra tâm lý học. Cho em gặp người không thèm nghe điện thoại của vợ để hỏi cảm giác của họ mỗi lần được sống tự do...”.

 

Có tiếng cười khùng khục thoải mái phát ra từ đầu dây bên kia. Chồng Hương đã nhận ra vợ mình. Khi Hương chất vấn tại sao không thèm a lô cho vợ, dù chỉ một câu, anh bảo: “Cũng muốn than khóc một tí với vợ lắm, nhưng thấy vợ dạo này không thích tiếp chuyện chồng nên cố nhịn. Mà nhịn mãi thành quen”, rồi lại tiếp tục cười.

 

Nghe chồng đùa, Hương nhẹ cả lòng. Ít ra thì “hắn” cũng không đến nỗi lạnh lùng, “hắn” vẫn muốn tiếp chuyện mình. Chỉ tại mình tạo cho “hắn” thói quen lảng tránh điện thoại mà thôi.

 

Rồi đây, Hương sẽ lại phải thay đổi các “thủ tục hành chính” trong nhà mình. Không thể phó thác hoàn toàn trọng trách “a lô” cho con được. Xa nhà, Hương mới hiểu thế nào là sự cần thiết của một từ “a lô”.

 

Theo TGPN