6 bí kíp khiến “ổi ương” biết lắng nghe

Làm thế nào để có thể đối thoại với lũ nhóc tuổi teen và hơn nữa, để chúng chịu nghe lời cha mẹ?

 
6 bí kíp khiến “ổi ương” biết lắng nghe - 1




Khuyên bảo những “ổi ương” đang thích tỏ ra độc lập chẳng hề đơn giản. Thái độ không thích phụ thuộc của chúng giống như một rào cản ngáng trở mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết chính ở độ tuổi này trẻ đang rất cần có sự giúp đỡ, định hướng của cha mẹ. Lúc này, trẻ đang phải đối diện với nhiều điều mới mẻ, khó khăn liên quan đến tình bạn bè, tình yêu và nhiều mối quan hệ khác. Bởi vậy những lời khuyên đúng đắn của cha mẹ là rất cần  thiết. Vấn đề là làm thế nào để những lời khuyên ấy không vào tai này, ra tai nọ mà thôi.

 

Dưới đây là mấy nguyên tắc giúp bạn có thể nói chuyện hiệu quả với đứa con ở tuổi “ổi ương”: 

 

1. Hãy trò chuyện với tâm thế bình tĩnh, không cáu giận, tránh đi vào phê phán hay làm tổn thương con. Chẳng hạn, thay vì mắng con thiếu lễ độ với bác hàng xóm, hãy tỉ tê với con rằng con thử đặt mình vào địa vị của bác ấy, đang mệt mà lại phải nghe tiếng nhạc ầm ĩ thì bác ấy rất dễ cáu…

 

Nói chung, khi con đã lãnh hậu quả do cách ứng xử của mình, bạn không cần phê phán thêm nữa mà chỉ cần giúp con biết nhìn lại hành vi. Khi đã được bạn định hướng, con sẽ suy ngẫm, rút kinh nghiệm rồi tự có quyết định đúng đắn hơn. Nên nhớ được tự quyết định đối với teen là rất quan trọng.

 

2. Hãy nói chuyện một cách rõ ràng, ngắn gọn, bởi những cuộc trò chuyện mông lung, “dây cà dây muống” sẽ khiến con… ù tai và ức chế. Xin nhớ thêm là đừng bao giờ “tua đi tua lại” một “bài”, nếu không, kết quả cuộc trò chuyện của bạn với con sẽ bằng zero.

 

3. Nói đúng lúc. Hãy chọn thời điểm con dễ lắng nghe nhất - có thể là trước khi đi ngủ, trong lúc hai mẹ con cùng làm việc nhà hay đang nghỉ ngơi sau giờ ăn... Nếu đề tài có vẻ gay cấn thì nên đợi đến lúc cả hai thật bình tâm mới nói. Nỗi bực tức thường “đầu độc” suy nghĩ của ta, hơn nữa thời gian sẽ khiến ta nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn, từ đó có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện khôn ngoan hơn.

 

4. Nói đúng chỗ. Đừng khuyên răn nhắc nhở con trước mặt người khác. Bận bịu với cảm giác khó chịu vì mất thể diện, con sẽ chẳng thể thấm nhuần nội dung mà bạn muốn truyền đạt.

 

5. Hãy cho con có quyền cân nhắc. Cứ thảo luận với con các phương án khác nhau, nhưng nếu con khăng khăng chọn phương án không mấy khả thi (thích ngủ dậy trễ hơn và cam đoan rằng vẫn kịp để đến trường!) thì cứ để con thử. Đôi khi cần để con sai lầm thì con mới… nhớ đời. Khi đã nếm mùi thất bại con sẽ phải tự thay đổi.

 

6. “Cài cắm” những lời khuyên của bạn vào trong những câu chuyện vu vơ hàng ngày, khi đó cơ hội được con lắng nghe sẽ tăng lên gấp bội.

 

Theo Diễm

Đẹp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm