16 cách giữ nhà gọn gàng

(Dân trí) - Là phụ nữ, bạn mang trên mình trọng trách “nội tướng” của gia đình. Căn nhà lúc nào cũng sạch gọn, thoáng mát sẽ khiến ông xã muốn trở lại tổ ấm hơn sau mỗi chiều tan sở. Trước khi vào vai cô Tấm chui ra từ quả thị, bạn hãy tự hỏi mình các câu hỏi sau:

1. Cái gì không dùng được nữa?

 

Hãy tự nghĩ xem phần nào trong ngôi nhà quan trọng nhất với bạn và tập trung vào lau dọn phần đó. Trước hết bạn xem lại đồ nào không còn dùng được nữa, vứt bỏ chúng đi mang lại ích lợi gì. Sau đó hãy nghĩ đến việc không gian nhà trông sẽ như thế nào và tiện lợi cho bạn ra sao khi được “giải phóng” khỏi những thứ đồ lỉnh kỉnh ấy.

 

2. “Vùng nguy hiểm” nằm ở đâu?

 

Hãy để tâm ngay lập tức nếu mỗi lần mở tủ bạn lại thấy đồ đạc trong đó rung lên hoặc rơi lả tả. Cần cảnh giác với loại tủ bằng vải bởi ta có xu hướng nhồi nhét đủ thứ vào đó, kể cả khăn và giấy cuộn toilet. Thêm một điểm cần lưu ý, không bao giờ để giấy hay hộp bìa các-tông ở gần nguồn nhiệt.

 

3. Hôm nay cần làm gì?

 

Lên danh sách những việc cần làm trong ngày và tự quyết định cái nào quan trọng nhất. Có thể phân loại công việc ra hai cột: Việc nhà, việc cơ quan. Đánh dấu vào những việc quan trọng hoặc bổ sung một danh sách nhỏ gồm nhiều nhất 4 việc cần ưu tiên. Một nguyên tắc nên nhớ là cố gắng đơn giản hóa để bạn không cảm thấy bị quá tải.

 

4. Bỏ cái gì đi trước?

 

Nên chọn đám bừa bộn nhất để dọn đầu tiên, và dọn đồ lớn trước, như vậy bạn sẽ giải phóng không gian nhanh hơn và thấy rõ kết quả công việc. Sách và tạp chí thường là những thứ bừa bộn nhất, hãy “ưu tiên” thu dọn chúng ngay.

 

5. Đồ nào để đâu?

 

Trước mỗi thứ đồ, hãy nghĩ xem bạn muốn giữ lại, vứt đi, mang đi làm từ thiện hay tái sử dụng, rồi gom chúng thành từng thùng theo mục đích đã đề ra.

 

6. Cái này dùng nữa không?

 

Nếu thấy mình đã tận dụng đủ giá trị sử dụng của đồ vật, hãy vứt chúng đi. Nếu không chắc chắn, nên tự hỏi: “Đồ vật này có còn hữu ích cho mình không? Liệu mình có khi nào cần dùng đến nó?”.

 

7. Ai cần đồ này hơn mình?

 

Bạn nên có danh sách các tổ chức quyên góp đồ từ thiện, nơi sẽ nhận những thứ bạn không còn dùng như sách, quần áo cũ, đồ nội thất cũ, các vật dụng gia đình và mang chúng đến cho những người cần hơn.

 

Thực tế, có đến 80% đồ đạc tích trữ bị lãng quên ở một góc nào đó mà bạn không tài nào nhìn ra nữa.

 

8. Khu vực nào lộn xộn?

 

Góc nào trong nhà bạn phải oằn mình với vài thùng catalog, giấy báo và hóa đơn? Bạn mất công tìm kiếm đồ để mặc trong những chiếc tủ nào? Có bao nhiêu lọ nước sốt cà chua trong tủ lạnh của bạn? Những người có tủ lạnh sắp xếp không quy củ thường mất công mua thêm nhiều đồ gia vị mà lẽ ra nếu ngăn nắp họ đã có thể dễ dàng tìm thấy rồi.

 

9. Mình có thể vứt chúng đi đâu?

 

Hãy mua những chiếc giỏ đựng thật xinh xắn, tất cả các hóa đơn sẽ được để vào giỏ này, thư từ ở giỏ kia. Khi các giỏ quá đầy, bạn ngồi xuống và phân loại chúng. Dùng lại, xé hoặc vứt những thư rác, tạp chí bạn không đọc nữa. Và nếu có tờ báo cuối tuần nào đó còn vương vãi trong nhà chưa được đọc tới, nên tạm dừng đặt mua trong một thời gian.  

 

10. Tìm hóa đơn ở đâu?

 

Giữ các hóa đơn, giấy tờ quan trọng trong một thư mục cứng hoặc đóng thành quyển với các ngăn nhựa plastic. Mỗi ngăn bạn dán nhãn tên dịch vụ có hóa đơn cần chi trả để tiện theo dõi. Lưu ý sắp xếp hóa đơn theo thứ tự thời gian, từ gần nhất đến xa dần.

 

11. Bếp tiện lợi

 

Hãy tự hỏi mình xem nhé, bạn hay dùng cái gì nhất? Về cơ bản, gia đình bạn cần bao nhiêu cốc, bát, đĩa, đũa ăn? Những thứ bạn không thường xuyên dùng, hãy đặt lên giá cao trên cùng còn bát đũa ăn hàng ngày nên đặt ở ngăn trước mặt, dễ lấy.

 

Với các hộp đựng có nắp, bạn nên để hộp và nắp riêng thành hai chồng, sắp xếp theo kích cỡ. Các dụng cụ thường xuyên phải dùng khác có thể cất vào ngăn kéo để cần là có thể với tay lấy được ngay.

 

Phân loại chai, lọ và đồ hộp. Đặt các loại gia vị vào cùng một ngăn, đồ hộp và mứt cũng gom lại tương tự.

 

12. “Dọn” máy tính thế nào?

 

Một cách cực kỳ đơn giản là bạn lưu trữ toàn bộ tài liệu của mình vào trong các thư mục hoặc thư mục con, giống như cách bạn lưu trữ giấy tờ trong các thư mục cứng, cặp đựng tài liệu.  Nếu con của bạn cũng dùng chung máy tính, hãy tạo cho cháu vài thư mục lưu trữ tương tự, giờ thì màn hình nền của bạn có thể đã thông thoáng hơn rồi.

 

Huyền Anh

Theo WD