TMĐT năm 2020: Cú nhảy vọt thành công?
Cục Thương mại điện tử (TMĐT) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TMĐT bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước; trong khi đó, Lazada đặt ra hẳn mục tiêu 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của Lazada vào năm 2020.
Liệu mục tiêu này có khả quan và tạo nên một cú nhảy vọt thành công cho thị trường TMĐT Việt Nam?
Bắt lấy những cơ hội vàng
Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhờ vào quy mô dân số, sự phát triển của Internet cũng như sự gia tăng tỷ lệ người sử dụng thiết bị di động thông minh. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, quy mô của TMĐT tại nước ta còn quá nhỏ bé.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thì năm 2015, doanh thu từ TMĐT tại Mỹ đạt 355 tỷ USD, chiếm 5% tổng tỉ trọng ngành bán lẻ, ở Trung Quốc là 637 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng tỷ trọng ngành bán lẻ. Còn tại Việt Nam, với doanh thu hơn 4,07 tỷ USD, mới chỉ chiếm 2,8% tổng tỷ trọng ngành. Do đó, chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TMĐT bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Một mục tiêu quan trọng khác được đề ra trong kế hoạch là tới năm 2020 sẽ có 30% dân số Việt Nam tham gia TMĐT với giá trị mua hàng trực tuyến dự tính đạt 350 USD/người/năm. Riêng Lazada đặt ra hẳn mục tiêu 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của Lazada vào năm 2020.
Những dự đoán cũng như mong chờ vào sự phát triển vượt bậc của TMĐT trong vòng 3 năm nữa là hoàn toàn khả quan khi tiềm năng TMĐT Việt Nam còn quá lớn. Vấn đề là các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực TMĐT phải có những phương án phát triển phù hợp để một mặt tiếp tục phá vỡ những rào cản như niềm tin người tiêu dùng, dịch vụ giao nhận, thanh toán, hậu cần… một mặt đưa TMĐT trở thành hình thức mua sắm ưa chuộng, phổ biến nhất tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Sự khác biệt của “người dẫn đầu” thị trường TMĐT
Thời gian qua, cùng với việc ra đi của nhiều sàn giao dịch TMĐT thì sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp mới đã góp phần giúp thị trường TMĐT “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, Lotte.vn vẫn còn là một ẩn số, Vingroup vẫn chưa tạo được đột phá, Thế giới di động với vuivui.com vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm… Phải chăng, thị trường TMĐT chỉ đang thật sự được “lèo lái” bởi những doanh nghiệp kỳ cựu và giàu tiềm lực như Lazada? Bởi thực tế, doanh nghiệp này luôn có những bước đi tiên phong và giữ vững vị thế dẫn đầu thị phần TMĐT Việt Nam 5 năm qua.
Vừa qua, Lazada tiếp tục đưa ra mục tiêu phát triển vào năm 2020 theo hướng mở rộng chiều ngang lẫn bề sâu. Cụ thể, Lazada đặt ra kỳ vọng có thể thu về 100 triệu đô la trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11.11.2020, hợp tác với 100,000 nhà bán hàng với tất cả các thương hiệu. Riêng trong năm 2017, những con số này lần lượt là 6,6 triệu đô la, 6,500 nhà bán hàng và 327 thương hiệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới giao nhận, mở thêm 5 nhà kho mới để có thể xử lý lượng đơn hàng khủng cũng như rút ngắn thời gian giao hàng tối đa, còn khoảng 2,3 ngày, đồng thời ra mắt dịch vụ P2P, phối hợp với AhaMove cho dịch vụ giao hàng hỏa tốc chỉ trong vòng 1 giờ. Trong một thị trường TMĐT có xu hướng phát triển cực nhanh tại Việt Nam hiện nay, Lazada nhận ra hệ thống phân phối có thể trở thành nút thắt cổ chai nếu không được đầu tư đúng đắn. Do đó, Lazada đang nỗ lực để trở thành đơn vị logistic số 1 trong ngành TMĐT.
Mặt khác, ngoài việc tiếp tục đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp, nhà bán lẻ uy tín, sắp tới, Lazada sẽ ra mắt công cụ kết nối giữa người bán và người mua cho phép người tiêu dùng trao đổi trực tiếp với nhà bán hàng, đồng thời thành lập trung tâm sửa chữa và bảo hành Lazada. Lazada cũng sẽ mở rộng khách hàng ở khu vực nông thôn chứ không chỉ tập trung ở Tp.HCM hay Hà Nội.
Bên cạnh đó, Lazada vẫn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận TMĐT để có thể “win-win” khi tham gia vào sàn giao dịch TMĐT. Ông Alexandre Dardy - Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng đào tạo và cung cấp công cụ để nhà bán hàng tự chủ động điều tiết hoạt động kinh doanh của mình trên Lazada như điều chỉnh giá, khuyến mãi, quà tặng. Đến cuối năm 2017, Lazada sẽ là nền tảng mở và mỗi đối tác sẽ được cung cấp tài khoản để tiếp cận được thông tin về hành vi khách hàng và thói quen mua sắm, từ đó có thể thiết kế chương trình chiêu thị riêng cho nhu cầu của từng nhóm người tiêu dùng khác nhau trên Lazada.”
Có thể nói, đóng vai trò như nhân tố thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam, Lazada gần như bung sức ở mọi “mặt trận”, hứa hẹn những bứt phá mới trong năm 2020. Sẽ có thất bại và thành công, song không ai khác ngoài người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều nhất.
Giang Khanh