Siêu thị Việt: Thay đổi để cạnh tranh
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực đối với các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước.
Đây được xem là lợi thế nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội địa, bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để tiếp tục cạnh tồn tại và phát triển hiệu quả, thời gian qua các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt. Một trong những siêu thị có tốc độ chuyển mình nhanh nhất là hệ thống siêu thị Vinatex (gọi tắt là Vinatexmart).
Đến với bất kỳ siêu thị nào trong hệ thống Vinatexmart ở thời điểm hiện nay, khách hàng sẽ cảm nhận được sự thay đổi trong từng biểu hiện nhỏ nhất. Đó là kết quả đầu tiên của quá trình chuyển đổi, làm mới từ bên trong đến bên ngoài mà hệ thống siêu thị này đang thực hiện để hướng đến mục tiêu gắn bó dài lâu, bền chặt với các gia đình Việt.
Bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi này là thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu của Vinatexmart được chính thức công bố vào ngày 10/10/2012 vừa qua.
Bên cạnh đó là diện mạo mới của các siêu thị, thể hiện ở không gian mua sắm được sắp xếp lại thông thoáng, lối đi rộng, hàng hóa trình bày khoa học, bắt mắt, dễ tìm kiếm, lựa chọn.
Chất lượng, chủng loại hàng hóa cũng được Vinatexmart chú trọng với hàng ngàn mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam của các nhà sản xuất tên tuổi, uy tín. Các dịch vụ mua sắm được nâng cao như thanh toán linh hoạt, giao hàng miễn phí nhanh chóng, hỗ trợ nhiệt tình từ các nhân viên bán hàng, thu ngân, giao nhận, bảo vệ thân thiện…
Cùng với sự thay đổi về logo là những đổi mới trong chiến lược kinh doanh để có thể phục vụ một cách tốt nhất các khách hàng.
Theo các chuyên gia, hệ thống phân phối là một trong những điểm yếu khá phổ biến của các doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, Vinatexmart đã và đang tiếp tục đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống phân phối. Năm 2012, Vinatexmart đặt chỉ tiêu có thêm 30 siêu thị mới. Trong các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ có thêm từ 30 - 40 siêu thị mới, trong đó sẽ có nhiều siêu thị đi sâu vào khu đông công nhân, nhiều siêu thị ở các tỉnh thành để mọi đối tượng khách hàng đều có thể đến với Vinatexmart. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2014 - 2015 sẽ có thêm hệ thống 150 cửa hàng tiện lợi, đi sâu vào các khu dân cư, phục vụ người tiêu dùng bận rộn.
Vinatexmart hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng vào năm 2012, tăng 30% so với năm 2011. Các năm kế tiếp có mức tăng trưởng cao hơn, 40%/năm, đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng vào năm 2014. Khi hệ thống phân phối, doanh thu tăng cao, siêu thị lại càng có cơ hội đàm phán về giá với nhà cung cấp, từ đó mang đến cho khách hàng những mặt hàng chất lượng với giá tốt nhất.
Tiếp đó là các bước đầu tư về trung tâm phân phối, thu mua, điều phối như đưa vào hoạt động Trung tâm phân phối tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM vào tháng 9-2013, gắn kết các trung tâm thu mua, thành lập phòng điều phối, hoàn tất phần mềm bán hàng với quy mô 200 điểm và 150 chi nhánh, có chương trình quản trị thu mua, quản trị bán hàng, quản trị tài chính và quản trị tồn kho vào tháng 9-2013, minh bạch hóa thông tin qua việc cung cấp đường dây nóng của lãnh đạo công ty…
Tất cả nhằm giải quyết tốt hơn mối quan hệ với các nhà cung cấp, tạo điều kiện thực hiện chính sách giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may sản xuất hàng hóa cho Vinatexmart sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và thông tin khách hàng để có thể tạo nên những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành thấp và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Nguồn nhân lực cũng tiếp tục được đầu tư phát triển, đào tạo bài bản hơn bằng các khóa tập huấn cho nhân viên hiện có, xây dựng trung tâm huấn luyện bán lẻ tại huyện Bình Chánh với quy mô đào tạo 500 sinh viên, có cư xá với đầy đủ trang thiết bị để sinh viên yên tâm học tập và phục vụ ngành bán lẻ.
Vinatexmart kỳ vọng sẽ cùng hàng Việt tỏa sáng khắp mọi nơi, vươn cao và vươn xa tới mọi gia đình Việt.
Minh Tâm