Nâng cấp các chợ TPTS và vấn đề nâng cao nhận thức của hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại Hà Nội

Trong bối cảnh mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo sợ của toàn xã hội, Dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp các chợ thực phẩm tươi sống (TPTS) trong vài năm gần đây được đánh giá là đã và đang đóng góp một bước quan trọng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Đau đầu” chuyện vệ sinh thực phẩm tại chợ truyền thống

Là đô thị lớn với nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhưng hiện nay chợ truyền thống vẫn là lựa chọn quen thuộc của phần đông người dân Hà Nội, không chỉ ở các huyện ngoại thành mà còn với các quận nội thành. Chợ có những ưu điểm như: phong phú các mặt hàng, phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân, giá cả hợp lý… Chính vì thế chợ truyền thống chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục “sống khỏe” cùng người dân Hà Nội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống chưa được sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn dân.

Khảo sát khu bán TPTS tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi dễ dàng nhận thấy khu vực này thường là khu vực sân trống, không có mái che, bàn quầy kinh doanh thịt chủ yếu là bàn gỗ rất bẩn và khó vệ sinh; Vấn đề xử lý nước thải cũng chưa được chú trọng.

Đổi thay từ các chợ truyền thống được LIFSAP tài trợ

Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội, từ khi Dự án LIFSAP ra đời, đã xuất hiện những khu chợ bán TPTS với diện mạo mới, đáp ứng các điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có mặt trong một phiên chợ đông đúc tại chợ Cầu, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy sự sạch sẽ, khang trang của khu chợ bán TPTS: Hệ thống sàn, mái che của khu chợ cao ráo, thông thoáng; Các quầy bán thịt được xây dựng chắc chắn, ốp gạch men trắng xung quanh với những miếng thịt tươi ngon được bày bán trên mặt bàn ốp đá granit, có vòi nước rửa thịt, rửa tay cho khách hàng đến từng quầy. Chính sự thông thoáng và sạch sẽ của khu chợ đã tạo cảm giác yên tâm cho người tiêu dùng khi mua các sản phẩm tại nơi đây.

Hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Cúc đang mua hàng trong chợ Cầu, chúng tôi được biết, bà Cúc ở đội 5, xã Tây Sơn, huyện Đan Phượng, tuy từ nhà đến chợ Cầu không gần nhưng kể từ khi chợ Cầu được nâng cấp, hàng ngày bà vẫn thích đến chợ này để mua hàng. Bà nói, trước đây chợ TPTS này cũng giống như bao chợ khác đều rất mất vệ sinh, nhưng nay thì sạch sẽ tinh tươm nên người đi chợ rất đông. “Tôi đã đi nhiều chợ trong vùng và rất thích chợ Cầu vì ở đây rất sạch sẽ, sản phẩm luôn tươi ngon, hợp vệ sinh” – bà Cúc chia sẻ.

Gặp và trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã - Trưởng Ban quản lý chợ Cá, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, ông Thắng chia sẻ: Cũng chợ cá này nhưng chỉ cách đây 1 năm thôi thì điều kiện cơ sở vật chất hết sức khó khăn, chợ thường xuyên ngập úng vào mùa mưa và rất bụi bặm vào mùa khô. Sau khi được Dự án LIFSAP hỗ trợ thì chợ rất khang trang, sạch sẽ, TPTS đảm bảo vệ sinh thú y khiến bà con đến mua hàng ở chợ đông lên rất nhiều.

Khu chợ thuộc dự án LIFSAP trước và sau khi nâng cấp
Khu chợ thuộc dự án LIFSAP trước và sau khi nâng cấp

Có thể nói diện mạo các chợ buôn bán TPTS do Dự án hỗ trợ đã thay đổi đáng kể, khang trang và sạch sẽ hơn rất nhiều. Đặc biệt, với công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn Dự án đã giúp người kinh doanh tại các chợ có kiến thức và thực hành kinh doanh thịt an toàn. Điều này thật sự đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội.

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT Hà Nội chia sẻ: Từ trước đến nay, Hà Nội đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi nhưng chưa có dự án nào đầu tư cho các chợ truyền thống, đặc biệt là những chợ bán TPTS. Bởi vậy, việc Dự án LIFSAP đã hỗ trợ nâng cấp các chợ truyền thống xây dựng các khu bán TPTS riêng biệt đảm bảo vệ sinh thú y đã mang lại đổi thay rất lớn cho các chợ này. Theo ông Đăng, sự hỗ trợ này không chỉ khiến các tiểu thương vui mừng vì điều kiện làm việc của họ được cải thiện hơn, thu nhập của họ tốt hơn vì khách hàng nhiều hơn mà còn khiến bà con nhân dân trong vùng hài lòng vì bớt đi nối lo an toàn vệ sinh thực phẩm đang đè nặng lên tâm lý của các bà nội chợ.

Ông Đăng đánh giá, Dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp các chợ TPTS thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông bày tỏ mong muốn các mô hình của Dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới để đông đảo người dân được tiêu dùng các sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.