Mua hàng qua truyền hình: phải biết chọn mặt gửi vàng!
Thay vì phải dành hàng giờ đi siêu thị, với lỉnh kỉnh hàng hóa “tay xách nách mang”, các bà nội trợ ngày nay có thể ngồi nhà, nhấc máy gọi điện thoại để được tư vấn và mua những món hàng mình yêu thích nhất.
Nở rộ kênh truyền hình mua sắm
Phương thức bán hàng qua truyền hình xuất hiện trên thế giới từ hàng chục năm nay. Một trong những kênh truyền hình shopping đầu tiên là QVC được thành lập năm 1986 tại Mỹ sau đó phát triển sang Anh, Đức và Nhật Bản.
Tới giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, xu hướng bán hàng qua truyền hình lan rộng và nở rộ tại nhiều quốc gia châu Á. Đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, mỗi nước có tới 4 - 5 kênh truyền hình chính thống chuyên về mua sắm, hoạt động rất hiệu quả.
Các kênh truyền hình này đã tạo được thói quen xem và mua hàng qua vô tuyến của các bà nội trợ, do vậy được họ đón nhận và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có giá trị từ nhỏ tới rất lớn như mỹ phẩm, nước hoa, bộ tủ bếp cao cấp, bồn tắm massage, ô tô Mecerdess… Doanh số của mỗi kênh đã lên tới hàng triệu đô la/ngày.
Tại Việt Nam, khái niệm bán hàng qua truyền hình bắt đầu “lộ diện” từ vài năm trước. Tuy nhiên, mãi đến giữa năm 2008 mới có kênh truyền hình đầu tiên chuyên về mua sắm - TVShopping - VCTV11 của Truyền hình Cáp Việt Nam.
Cùng trong xu hướng đó, nhiều đài truyền hình cũng “ăn theo” phong cách này để sản xuất các chương trình truyền hình có format tương đối giống với các chương trình bán hàng, hoặc phát những trailer mang tính chất quảng bá sản phẩm kiểu tư vấn tiêu dùng...
Còn nhiều hạt sạn
Kèm theo những tiện ích của mua sắm trên truyền hình như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mặt hàng mới lạ, hấp dẫn… xung quanh chuyện bán hàng qua tivi cũng có nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Chị Hoàng Lan, nhà tại Xuân Đỉnh, Hà Nội tới giờ vẫn còn ấm ức khi kể về sự việc mua được chiếc vòng “rởm” khi xem quảng cáo trên một kênh truyền hình mua sắm địa phương. Theo chị, chiếc vòng được quảng cáo là “Chiếc vòng hộ mệnh titan” có “n” tác dụng … với giá chỉ 990.000 đồng/bộ đôi vòng nam và nữ. Tuy nhiên khi nhận hàng, chị thất vọng tràn trề bởi chiếc vòng quá bình thường với giá chỉ đáng vài chục nghìn.
Còn bà Lài ở Trung Kính - Hà Nội thì cho biết: “Là một “fan” hâm mộ của các kênh mua sắm trên truyền hình, tôi cũng đã mua được một số mặt hàng ưng ý như chảo hai mặt, máy ủ sữa chua, bộ nồi nấu ăn qua TVShopping.
Tuy nhiên, một dịp mua được chiếc chổi quét đa năng, sau một thời gian ngắn sử dụng chất lượng không ổn định, gọi điện đến số tổng đài của kênh TVShopping thì hóa ra hàng này không phải của họ. Thế mà cứ gọi điện đến chỗ nào mua cũng thấy họ nhận là TVshopping hay shopping gì đó. Nhiều đài bán hàng quá, mấy cô phân biệt số điện thoại giao dịch tôi mới biết”.
Trên nhiều diễn đàn, khách hàng cũng “phàn nàn” về việc giá cả nhiều mặt hàng trên truyền hình không mấy cạnh tranh so với các mặt hàng tương tự bán ngoài.
Chất lượng sản phẩm cũng là điều khiến nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi. Ai cũng biết nhà Đài không phải là cơ quan chuyên môn để kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm được bán qua sóng của mình.
Một số kênh khá cẩn thận khi luôn xem xét kĩ tính hợp pháp của sản phẩm như xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng, đăng ký kinh doanh của đơn vị bán, thậm chí là dùng thử trước khi cho quảng bá.
Một số chương trình, kênh bán hàng vẫn khá dễ dãi trong việc sử dụng lời ngợi ca “tuyệt vời, số một, tốt nhất, hoàn hảo…”, vẫn tổn tại tình trạng một số thông tin quảng cáo “thổi phồng” sự thật khiến người mua thất vọng về sản phẩm đặt hàng qua truyền hình.
Xu hướng phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia, bán hàng qua truyền hình tại Việt Nam tuy còn khiêm tốn so với các hình thức mua sắm truyền thống nhưng đã góp phần tạo nên một “diện mạo” tiêu dùng mới trong xã hội và thực sự đã có một cộng đồng khách hàng riêng của mình.
Trong tương lai, xu thế này sẽ trở thành tất yếu khi bộ ba doanh nghiệp - đài truyền hình - người tiêu dùng tuân tủ chặt chẽ các quy định về chất lượng, dịch vụ, giá cả cũng như sự thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống.
Ngay tại thời điểm này, trong khi một số thương hiệu lặng lẽ quan sát và thăm dò thì nhiều thương hiệu lớn đã chớp cơ hội hợp tác với các kênh truyền hình để tiếp cận trực tiếp với khách hàng mục tiêu.
Một số sản phẩm tên tuổi được người tiêu dùng đón nhận phải kể đến trang sức có PNJ, vàng Phú Cường; đồ điện tử Panasonic, Viettel; nội thất Picenza, An Duong Home Centre; đồ gia dụng thương hiệu Sunhouse, Goldsun… đã hợp tác với kênh mua sắm TVShopping - VTCV11; hay các mặt hàng đa dạng trên kênh VHS, HSN đang ngày càng củng cố niềm tin của khách hàng, đặc biệt là các bà nội trợ, về phương thức mua hàng hữu ích qua truyền hình.
PV