Một số chất tẩy rửa có thể gây hại sức khỏe

Hiện nay, chất tẩy rửa được sử dụng rộng rãi trong mọi gia đình để đảm bảo một không gian sống vệ sinh và lành mạnh. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà sản xuất ngày càng không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm với nhiều sản phẩm với chủng loại và mẫu mã đa dạng.

Trên thị trường hiện nay, bên cạnh những sản phẩm đảm bảo chất lượng của các nhà sản xuất uy tín, không ít sản phẩm được giới thiệu là có khả năng tẩy rửa và diệt trùng 100%. nhưng ẩn chứa nhiều hóa chất độc hại gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Một số chất tẩy rửa có thể gây hại sức khỏe - 1

Nếu nhìn trên bao bì những sản phẩm tẩy rửa này, người tiêu dùng chỉ có thể nắm bắt được vài thông tin rất cơ bản và mơ hồ, như: hóa chất hoạt động bề mặt, hương liệu, phụ gia, công dụng, hiệu quả...Đi sâu vào tìm hiểu, vẫn tồn tại trên thị trường những sản phẩm còn chứa những hóa chất đã cấm sử dụng ở các nước tiên tiến từ một thập kỷ trước, đơn cử như Nonylphenone.

Tìm đến các chuyên gia hóa học, TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Công nghệ Hóa học ĐH Bách khoa TP HCM lý giải ở góc độ chuyên môn: “Trong công nghiệp hóa chất thường dùng Nonylphenone (được tạo thành bởi phương pháp alkyl hóa (với xúc tác axit) phenon với hỗn hợp nonenes) để sản xuất len sợi và kim loại, các chất tẩy rửa và chất diệt côn trùng.

Thậm chí trong cả công nghiệp dược và mỹ phẩm một số nhà các nhà sản xuất vẫn sử dụng hóa chất này nhưng sẽ có phương pháp làm tinh khiết hơn. Với công nghệ sản xuất chất tẩy rửa, Nonyphenone đã được sử dụng như chất hoạt động bề mặt để sản xuất ra sản phẩm tẩy rửa...

Bản thân chất Nonylphenone không gây nguy hại, song những  chất đi kèm theo trong quá trình tổng hợp chất này lại là vấn đề đáng bàn.  Trong khi đó, do tốn kém trong quá trình tổng hợp nên trong sản xuất công nghiệp, độ tinh khiết của chất này không được đảm bảo, từ đó dẫn đến đến khả năng gây bệnh của Nonylphenone”.

Ở bình diện lớn hơn, theo  một số tài liệu được đăng tải trên mạng, từ lâu giới chuyên môn thế giới đã phát hiện ra Nonylphenone có khả năng phá vỡ nội kết vì khả năng làm yếu và đồng thời phá vỡ tính cân đối của hormone trong vật thể sống.

Hóa chất này được phát hiện trong nước thải ở rất nhiều nơi trên thế giới và làm dấy lên sự lo lắng về khả năng gây độc và làm hại tới các sinh vật thủy sinh như tôm cá, sò, ốc… Khi bị thải ra môi trường nước, Nonylphenone có thể tích tụ khá bền vững trong sinh vật sống này, gây nguy hiểm nếu con người ăn phải những sinh vật đó.

Khi chất này được đưa vào cơ thể con người, nó có khả năng gây nhiễm độc, dẫn đến biến đổi tế bào, có nguy cơ gây các bệnh nguy hiểm nhu ung thư.

Cũng liên quan đến hóa chất này, sau một nghiên cứu trên chuột, TS William Baldwin và cộng sự (ĐH Texas at El Paso và Clemson - Mỹ) đã  đưa ra lời khuyến cáo: "Tiếp xúc lâu dài với nonylphenone có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú".

Dựa trên những nghiên cứu này, từ năm Nonylphenone đã bị cấm sử dụng tại các nước thuộc cộng đồng châu Âu do những tác hại của nó đối với môi trường và sức khỏe con người. (Chỉ thị của Ủy ban châu Âu EEC năm 1976 Directive 76/769/EEC, sửa đổi mới nhất vào năm 2003 Directive 2003/53/EC), ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng ban hành những quy định về giới hạn nồng độ cho phép của chất này trong môi trường tự nhiên

Với lợi thế về nghiên cứu và phát triển, các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia chuyên sản xuất nước tẩy rửa không sử dụng nonylphenone trong công thức sản xuất, mà sử dụng những hóa chất an toàn khác dù chi phí cao hơn.

Vẫn còn một số doanh nghiệp tiếp tục sử dụng nonylphenone sản xuất những mặt hàng tẩy rửa, bất chấp đến ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Do đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng và sử dụng những sản phẩm uy tín và chất lượng để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Nguyệt Cầm