Logistics hàng không: Thị trường đầy tiềm năng

(Dân trí) - Logistics hàng không là thị trường hấp dẫn, hứa hẹn đem lại tăng trưởng, lợi nhuận cao. Tại Việt Nam, logistics đang phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là mỗi tuần có khoảng 1.000 tấn hàng hóa được vận chuyển qua đường hàng không.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành “hậu cần hàng không”, thương mại điện tử ngày càng chứng tỏ tác động mạnh mẽ đến ngành logistics. Theo đó, các công ty điện tử như Samsung, LG, Microsoft… đã có mặt tại tại Việt Nam và thúc đẩy vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Mỗi tuần có khoảng 1.000 tấn hàng hóa qua đường hàng không.

Số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN cho thấy, thị trường vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình từ 15,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2011 - 2017. Riêng năm 2017, tổng thị trường hàng hoá hàng không đạt xấp xỉ 1,13 triệu tấn, tăng 25,9% so với năm 2016. Trong số này, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam năm 2017 đạt 318 nghìn tấn hàng hoá, tăng 11,3%.

Trong đó, sự thành công của Công ty Cổ phần Logistic Hàng không (ALS) được nhiều chuyên gia nhận là bài học thành công có tính điển hình tại thị trường Việt Nam. Thành lập năm 2007, Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) là đơn vị tiên phong về cung cấp các dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không, dịch vụ kho vận và các dịch vụ logistics khác tại Việt Nam. Đơn vị này hình thành bởi ba cổ đông sáng lập là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại Quốc tế (Interserco) và Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS).

ALS nhanh chóng gặt hái được thành quả khi "bắt sóng" đúng đối tượng mục tiêu. Đó là nhu cầu vận chuyển hàng hóa, linh kiện sản xuất của các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG tới các khu công nghiệp quanh Hà Nội.

Năm 2009, ALS đã thành lập Công ty TNHH ALS Bắc Ninh (ALSB) tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với mục tiêu đưa hàng hóa, nguyên vật liệu vận chuyển qua đường hàng không, sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ và chế xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong, trong đó nổi bật là các linh kiện cho nhà máy Samsung Electronic Viet Nam (SEV).

Năm 2012, ALS thành lập Công ty cổ phần ALS Đông Hà Nội (ALSE) tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh và các Khu công nghiệp phía đông Hà Nội.

Chưa dừng lại ở đây, năm 2013, khi Thái Nguyên vươn lên mạnh mẽ trong vai trò khu công nghiệp, ALS tiếp tục cùng Công ty cổ phần Dịch vụ Sân bay thành lập Công ty TNHH MTV ALS Thái Nguyên (ALST) tại Khu công nghiệp Yên Bình 1 (Thái Nguyên).

Những bước đi của ALS gắn chặt với sự phát triển của các khu công nghiệp và mang lại kết quả kinh doanh rất khả quan. Năm 2017, công ty đạt doanh thu 957 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 314 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận lên tới 33%. Sang năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.089 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 372 tỷ đồng.

Chỉ sau 10 năm phát triển, ALS đã chiếm trên 50% sản lượng hàng Quốc tế tại Sân Bay Nội Bài với nhiều khác hàng lớn là Cathay Pacific Airways (CX) và Hong Kong Dragon Air, Korean Air, China Airlines…

Hoạt động thu được hiệu quả cao, ALS thu hút được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư. Hiện tại, trong danh sách cổ đông lớn của công ty, quỹ Vinacapital là cái tên nổi bật, nắm giữ 9,9% cổ phần.

ALS lại có lợi thế mà các đối thủ cạnh tranh tại Nội Bài không có được. Đó là quỹ đất của ALS rộng lớn, tập trung. Công ty đang thuê hơn 40.000m2 đất tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và gần 7.000m2 đất nhận góp vốn, hợp tác tại Nam Từ Liêm. Tổng diện tích đất mà công ty đang quản lý là gần 51.000m2.

Yếu tố này giúp ALS phát triển các mặt bằng kho bãi rộng và hệ thống nhà ga kéo dài gần các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Công ty hiện có Nhà ga hàng hóa lớn nhất Nội Bài với diện tích mặt bằng 15.000m2 với 4 tầng, vị trí thuận lợi tiếp giáp với sân đỗ máy bay. Công suất phục vụ khoảng 200.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Bên cạnh đó, ALS còn có nhiều ga hàng không kéo dài để phục vụ cho hàng Samsung, Foxconn và các mặt hàng công nghệ cao khác. Các ga hàng không cũng đều có vị trí đắc địa trên trục giao thông chính nối liền từ các khu công nghiệp lớn phía Bắc đến sân bay Nội Bài.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh hoạt động tăng trưởng tốt của Samsung, LG tại thị trường Việt Nam, dự báo trong các năm tới, các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, ... đi vào thực tiễn sẽ kéo theo làn sóng đầu tư FDI ngày càng mạnh vào Việt Nam cũng như thúc đẩy nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây sẽ là động lực để ngành dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không tiếp tục tăng trưởng cao.

Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thực hiện các phương án M&A để tăng nhanh quy mô hoạt động rõ ràng cũng được các thương hiệu lớn trong ngành “hậu cần hàng không” tính tới.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là 1 trong 7 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2014-2017. IATA đánh giá, trong khi lưu lượng hành khách tăng với tốc độ 2 con số thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng hàng không dự kiến cũng sẽ tăng 15-20% mỗi năm. Bên cạnh thị trường trong nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa còn đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đang triển khai có tiềm năng biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và phân phối hàng hóa cho cả khu vực.

Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không, cần có sự đầu tư của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Cụ thể, ngành logistics hàng không cần một lộ trình đúng hướng đáp ứng nhu cầu trong nước và trên thế giới, cũng như cần tương thích với chuẩn mực quốc tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm