Giúp người nuôi bò sữa, phải biết cách!

Hằng năm, cả nước thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư nhưng nguồn vốn đổ vào nông nghiệp là rất hạn hẹp dù có tới hơn 70% dân số Việt Nam sống bằng nghề nông.

Lí do cho sự lệch pha này là nhiều nhà đầu tư muốn đồng vốn sinh lợi nhanh, phát triển từ ngọn chứ ít ai chịu bỏ tiền để phát triển bền vững, sinh lợi từ gốc.

Nghề nuôi bò sữa: “Yếu” và “thiếu”

Đến nay, ngành chăn nuôi bò sữa tại VN không còn ở giai đoạn non trẻ, nhưng đánh giá khách quan đây vẫn là một ngành còn quá yếu và thiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn bò cả nước ước tính khoảng 105.500 con, cho lượng sữa khoảng 267 triệu kg/năm, trung bình 732 tấn/ngày. Với lượng sữa hiện nay, VN vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ sữa/đầu người hàng năm vào bậc thấp nhất khu vực và trên thế giới (6 lít/đầu người/năm), trong khi tại Thái Lan là 22 lít và Trung Quốc là 26 lít.
 
Giúp người nuôi bò sữa, phải biết cách! - 1
Người nông dân tham gia các lớp tập huấn trong chương trình phát triển ngành sữa (DDP) của công ty FrieslandCampina VN

Tại Việt Nam, trên 95% số hộ nuôi bò vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình (8-12 con/hộ), với sản lượng sữa khoảng 60 - 70kg /ngày. Trong khi đó, số hộ nuôi theo hướng chuyên nghiệp (quy mô 100 - 200 con, cho từ 300 - 1.000kg sữa/ngày) mới chỉ chiếm có 5%. Bên cạnh đó, rất ít hộ chăn nuôi bò sữa được trang bị hệ thống làm lạnh ngay tại trại, mà đa phần phải giao sữa tại những đầu mối thu mua, nhiều vùng nuôi vẫn còn tồn tại bộ phận những người chuyên đi thu gom sữa dạo, gây mất vệ sinh an toàn về chất lượng sữa khi đến tay người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chính khiến ngành sữa ì ạch là do sự thiếu gắn kết giữa bốn nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp, người nông dân). Điều này dẫn đến hệ quả là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hô hào mãi nhưng ngành sữa vẫn không thoát khỏi tình trạng yếu và thiếu.
 
Đi tìm mô hình lý tưởng

Trong số hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh trong ngành sữa tại thị trường Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu bỏ tiền đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đầu vào vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điểm mặt những doanh nghiệp dám chi mạnh tay cho người nông dân lại càng hiếm hơn.

Mười lăm năm trước, FrieslandCampina VN, tiền thân là Dutch Lady VN đã mạnh dạn chi tới 13 triệu USD cho chương trình phát triển ngành sữa VN (DDP). Đến nay kết quả của chương trình đó là những con số rất đáng phấn khởi: 100% lượng sữa thu mua được từ hợp đồng ký kết trực tiếp với người nông dân không qua bộ phận vắt sữa dạo; 100% số hộ nuôi bò đã chuyển qua sử dụng thùng nhôm, có nắp đậy được vệ sinh tiệt trùng theo đúng quy cách thay cho việc sử dụng can nhựa vốn gây mất vệ sinh và tiềm ẩn những hậu họa từ nhựa hóa chất; 100% hộ chăn nuôi có quy mô đàn từ 15 con trở lên đều sử dụng máy vắt sữa nhằm đảm bảo vệ sinh và chất lượng tốt nhất của nguồn sữa cung cấp đồng thời lại tiết kiệm được chi phí thuê nhân công vắt sữa.

Điểm tiến bộ của chương trình cần được nhắc đến là các hoạt động khuyến nông, phương thức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. FrieslandCampina VN đã xây dựng lực lượng khuyến nông chuyên nghiệp đông đảo, số lượng lên tới hơn 70 người. Đó đều là những người được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thú y trước khi gia nhập đội quân này. Với nhiệm vụ chính là tập huấn cho những hộ nuôi mới tham gia ký hợp đồng cung cấp sữa cho FrieslandCampina VN, từ những kỹ năng cơ bản như kỹ thuật về xây dựng chuồng trại, lựa chọn và chế biến thức ăn để đảm nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho đàn bò, cùng các quy trình vắt sữa, bảo quản và vận chuyển sữa… đến những kỹ năng cao hơn như kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, điều trị thú y…

Đến bất kỳ một điểm thu mua sữa của FrieslandCampina VN cũng có sẵn những hộp thư yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Trong trường hợp đàn bò sữa của các hộ gia đình có triệu trứng khác thường, biểu hiện mắc bệnh… nằm ngoài khả năng xử lý của các chủ hộ, ngay trong buổi giao sữa, chủ hộ sẽ gửi phiếu yêu cầu kiểm tra kỹ thuật cho đàn bò tại hộp thư này. Và trong thời gian ngắn nhất, nhân viên khuyến nông của FrieslandCampina VN sẽ xuống tận trại kiểm tra và điều trị cho đàn bò. Nhìn vào “đội quân” khuyến nông này đủ biết FrieslandCampina VN đã rất mạnh tay trong việc đẩy mạnh đầu tư tài chính chỉ để có được nguồn sữa tươi nguyên liệu thực sự chất lượng.

Sau hơn 15 năm thực hiện chương trình DDP, FrieslandCampina VN đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho diện mạo của 2.600 hộ nuôi bò cung cấp sữa nguyên liệu cho doanh nghiệp này. Số lượng bò sữa gia tăng từ 17.900 lên đến 27.200 con, sản lượng sữa bình quân từ 90 tấn/ngày đến nay đã đạt mức 172 tấn/ngày, năng suất bình quân cũng có bước nhảy vọt từ 39,7 kg/ngày/trại lên đến 71,8 kg/ngày/trại.

Ông Jan Bles, Tổng Giám đốc FrieslandCampina VN cho biết: “Chương trình phát triển ngành sữa của công ty không có điểm dừng. DDP sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm thu mua và trung tâm làm lạnh mới tại những vùng tiềm năng đối với ngành chăn nuôi bò sữa để nhân rộng mô hình này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi người nông dân Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình, cung cấp nguồn sữa chất lượng cho nhà máy để người tiêu dùng Việt Nam có được sản phẩm sữa tốt nhất.”

Thiên Đăng