FrieslandCampina Việt Nam hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa:
Giàu lên từ bò sữa
Cần mẫn và nghiêm túc trong công việc, đó là ấn tượng của chúng tôi về anh nông dân chân chất Trần Văn Phú, một nông dân nuôi bò tiêu biểu ở huyện Củ Chi.
Là người đầu tiên của xã Tân Phú Trung mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang chăn nuôi bò sữa, anh đã chứng minh được hướng đi của mình là đúng đắn.
Người nông dân nhạy bén
“Trước khi nuôi bò sữa, tôi cũng làm ruộng, vợ thì tráng bánh xuất khẩu, lại có nuôi thêm bò đực vàng để thả giống… rất vất vả nhưng thu nhập lại không bao nhiêu. Từ ngày nuôi bò sữa, cuộc sống khá hơn nhiều, mình chỉ tập trung vào bò sữa mà thôi. Cái nghề này không nặng nhọc lại có tiền mỗi ngày, không phải băn khoăn về cuộc sống về việc học hành của con cái”, anh Phú vừa cười mãn nguỵên vừa kể về cơ duyên đưa anh gắn bó với nghề bò sữa.
Bước đường anh “kết duyên” với nghề bò sữa cũng không ít chông gai. Ban đầu, do không nhiều vốn, giá bò sữa giống lại rất đắt, anh chỉ có thể vay mua được vài con. Lượng sữa thu được mỗi ngày do đó cũng không cao. Thế nhưng, để bán được sữa, sáng nào anh cũng phải dậy sớm vắt sữa rồi đạp xe lội ngược hơn chục cây số để bán. Ròng rã nhiều năm, khi đàn bò do anh gầy dựng đã đông hơn, thì phong trào nuôi bò sữa cũng bắt đầu nhân rộng. Với cách làm ăn nghiêm túc và trách nhiệm, hộ chăn nuôi của anh đã được công ty FrieslandCampina Việt Nam chọn làm điểm thu mua đầu tiên và duy nhất tại xã Tân Phú Trung hiện nay.
Hiện nay, theo khuyến khích của FrieslandCampina Việt Nam, anh là một trong những hộ đầu tiên liên kết cùng 5 hộ chăn nuôi khác để giao sữa theo nhóm. Với cách này, các thành viên trong nhóm sẽ có trách nhiệm quản lý chất lượng sữa lẫn nhau để sữa luôn đạt chuẩn để có được giá bán tốt nhất. Nhờ vậy mà mỗi kg sữa, ạnh bán được hơn 9.700 đồng, đạt lợi nhuận hơn 2.500 đồng./kg.
Nuôi bò sữa, phải biết cách
Theo anh Phú, bò sữa không phải giống dễ nuôi, nếu muốn sống được với nghề, người nông dân cần phải nắm rõ về kỹ thuật. “Cũng may là bước đầu khởi nghiệp, tôi được công ty Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampina VN) cho tham gia các lớp tập huấn để nắm vững kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm tích lũy dần dần mà tôi có được cơ ngơi như ngày nay.”
Theo anh, điều quan trọng nhất trong chăn nuôi bò phải là biết tính toán khẩu phần ăn của bò sao cho đầy đủ dinh dưỡng nhất. “Bò ăn tốt thì mới khỏe, cho sữa đạt chuẩn, bán tiền mới cao”, anh vui vẻ giải thích. Ngoài ra, móng bò cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý. Nếu móng tốt, bò có thể sống khỏe đến 8-10 năm, ngược lại chỉ vài ba năm là bò hư móng, không đứng được, phải loại thải. Ban đầu anh cũng ít quan tâm nhưng nhờ công ty khuyến cáo và hướng dẫn cách chăm sóc móng mà anh càng ngày chú ý. “Nhờ vậy mà 8 năm nay, tui chưa biết “gãy” con nào”, anh Phú tự hào khoe.
Không chỉ vậy, việc “bám sát” đàn bò còn cho anh kinh nghiệm quý báu về cách chọn con giống tốt. Đó là những con bò nước da mỏng, háng rộng, vú thưa thường là con giống tốt, có thể cho sản lượng sữa cao, thời gian cho sữa rất “bền”. Những kinh nghiệm và thành công của anh Phú đã chứng tỏ rằng nếu nuôi bò đúng kỹ thuật thì kết quả cao là tất yếu, không mang tính “hên xui” như trong tiềm thức của nhiều nông dân khác.
Sơn Lam
Từ năm 1996, FrieslandCampina VN (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, YoMost, Friso, Fristi…) đã thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi trực tiếp với các hộ nông dân và tiến hành chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Trong gần 15 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu đôla cho các hoạt động: xây dựng 4 trung tâm làm lạnh, 41 điểm thu mua, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ khuyến nông với hơn 70 người để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò. Ngoài ra, chương trình luôn khuyến khích người nông dân xản xuất sữa chất lượng tốt thông qua chính sách trả tiền theo chất lượng sữa. |