Giá sữa sẽ còn tăng?
Nhiều năm nay, người tiêu dùng phải đối mặt với thực tế dù có thu nhập rất thấp so với mặt bằng chung nhưng lại phải mua sữa với giá cao hơn nhiều so với thế giới…
3 năm tăng 16 lần
Thông tư 122/2010/TT-BTC có hiệu lực từ 1/10 quy định, đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa phải thực hiện kê khai giá, đăng ký giá trước khi bán mặt hàng này ra thị trường lần đầu và trước khi điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng đối với loại sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nên vẫn tạo kẽ hở cho doanh nghiệp "lách" luật. Nhiều hãng sữa đã tranh thủ tăng giá bán các dòng sản phẩm sữa đang tiêu thụ mạnh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 năm qua, thị trường sữa bột tại Việt Nam đã tăng giá tới 16 lần, mỗi lần tăng giá từ 3-10%. Khảo sát thị trường sữa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác, hiện hầu hết các mặt hàng sữa đã tăng cao.
Tại một cửa hàng bán đồ trẻ em trên đường Thái Hà (Hà Nội), chủ cửa hàng cho biết: vừa điều chỉnh bảng giá các loại sữa với mức tăng bình quân 10%, bởi họ nhận được thông báo tăng giá bán của hầu hết nhãn hiệu sữa. Chính vì vậy, họ đã chủ động tăng giá bán trước để đón đầu đợt điều chỉnh này. Cửa hàng này tiết lộ, họ còn nhận được “thông báo miệng” của hãng sữa là sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục phi mã.
Và còn tăng tiếp ?
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, sữa bột đã có 4 lần tăng giá. Vào tháng 1, các hãng sữa Abbott, Mead Johnson, Friesland Campina Việt Nam…đã tăng giá 4 - 9% so với giá bán trong tháng 12/2009. Đến tháng 3, Dumex, Meiji… cũng điều chỉnh giá cho một số sản phẩm với mức tăng 4-5%. Đợt tăng giá sữa lần thứ ba bắt đầu từ những ngày cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 8, các hãng sữa ngoại Dumex, Friesland Campina Việt Nam, XO tăng giá một số sản phẩm sữa nước, sữa đặc với mức tăng khoảng 5-7%. Và đợt tăng giá thứ 4 được một số hãng lần lượt thực hiện vào đầu tháng 9, ngay trước thời điểm Thông tư 122 có hiệu lực. Chỉ duy nhất có nhãn sữa Milex, vốn đã giữ được giá ổn định suốt từ đầu năm 2010 vẫn cam kết với người tiêu dùng sẽ không tăng giá bất kỳ sản phẩm Milex nào từ nay đến hết năm 2010.
Ông Claus Pedersen – Trưởng văn phòng đại diện Arla Foods tại Việt Nam cho biết, cam kết trên của Milex xuất phát từ việc tập đoàn Arla Foods xem Việt Nam là một thị trường chiến lược, và nhãn sữa Milex luôn cam kết mang đến cho khách hàng các lợi ích tối đa. Milex không chỉ cung cấp sản phẩm tốt nhất thế giới đến tay người tiêu dùng mà còn tạo cho họ sự an tâm về giá cả. Đây là nỗ lực của tập đoàn Arla Foods nhằm hỗ trợ cho thị trường mặc dù đồng USD và giá của một số nguyên liệu tăng thời gian qua.
Các chuyên gia nhận định, việc quá ít các hãng sữa giảm giá hoặc chí ít là giữ nguyên giá bán đã khiến các hãng khác “hùa nhau” tăng giá. Đặc biệt, việc tăng giá trước và sau Thông tư 122 như thể “khiêu khích” các nhà quản lý. Và rất có thể đợt tăng giá thứ 4 vừa qua chưa phải là cuối cùng của năm nay.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thực tế việc tăng giá sữa tập trung chủ yếu ở sản phẩm ngoại nhập có sức tiêu thụ cao, doanh nghiệp thường đưa ra lý do tăng giá vì sản phẩm có công thức mới nhưng không ai kiểm soát. Vì vậy, cần tổ chức lại hệ thống cấp phép, phân phối và kiểm soát chất lượng sữa. Khi hãng sữa công bố thành phần mới thì Bộ Y tế cần kiểm định, công nhận thành phần mới để cơ quan quản lý giá có cơ sở đánh giá.
Các đại lý sữa cho rằng, tình hình tỷ giá còn biến động từ giờ tới cuối năm và thông tin Nhà nước sắp điều chỉnh tăng lương cơ bản rất có thể khiến các hãng sữa “vin” vào để tiếp tục tăng giá sữa, vắt kiệt túi tiền người tiêu dùng.
Ngọc Minh