“Đặt hàng cho cơ sở dịch vụ - lối mở tạo việc làm cho nhân lực ngành CTXH”

(Dân trí) - “Sinh viên ngành CTXH thất nghiệp một phần do thiếu cơ sở tuyển dụng và mức lương chưa hợp lý. Cục Bảo trợ xã hội sẽ tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế đặt hàng các cơ sở dịch vụ CTXH, từ đó tạo sự phát triển về dịch vụ và tạo thêm nhiều việc làm”.

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi về định hướng phát triển nhân lực ngành Công tác xã hội (CTXH) tại Hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội năm 2015”, chương trình do Tạp chí LĐXH, Cục Bảo trợ xã hội vừa tổ chức trong tháng 6 tại Hải Phòng.

Sẽ tính toán lại nhu cầu thực tế đào tạo

Giải đáp nhiều thắc mắc tại Hội thảo về tình trạng thất nghiệp của sinh viên ngành CTXH, ông Tô Đức chia sẻ: Muốn phát triển nghề CTXH phải có đội ngũ nhân viên và mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH, nhưng thực tế cơ chế không thể cho phép tăng thêm nhân sự mới. Nếu trông chờ vào biên chế Nhà nước thì “đầu ra” của nghề CTXH không giải quyết được.

Để chăm sóc trẻ em mồ côi, cần nhiều nhân lực ngành CTXH

Để chăm sóc trẻ em mồ côi, cần nhiều nhân lực ngành CTXH

Trong khi đó, nhu cầu xã hội đang rất cần sự tham gia của nhân viên CTXH trong rất nhiều lĩnh vực: Chăm sóc người già, người cô đơn; hỗ trợ đối tượng yếu thế như người nghiện ma túy, gái mại dâm; chăm sóc trẻ trẻ mồ côi, trẻ bị phạm tình dục; giải quyết các phát sinh về gia đình bạo hành, ly hôn…

Đưa ra giải pháp tạo lối thoát cho tình trạng thất nghiệp của sinh viên ngành CTXH, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho biết đang phối hợp với Vụ giáo dục đại học của Bộ GD ĐT để làm khảo sát số liệu đào tạo ngành CTXH hàng năm, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã làm đúng ngành nghề bao nhiêu, nguyên nhân vì sao thất nghiệp.

Cả nước hiện có hơn 40 trường đại học, cao đẳng và 20 cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo, dạy nghề CTXH.  Hơn 80 % đội ngũ giảng viên đều chuyển từ các ngành khác như tâm lý, xã hội học...chuyển sang. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không có nhiều.

“Trên cơ sở đó đưa ra đề xuất đưa ra chỉ tiêu và kế hoạch đào tạo gắn với cơ sở cung cấp dịch vụ và cơ sở sử dụng nguồn lực CTXH. Nếu làm được việc này, việc dự báo kế hoạch đào tạo, việc giao chỉ tiêu đào tạo sẽ có sự sâu sát và bám với thực tế hơn” - ông Tô Đức cho biết.

Tạo việc làm từ tăng dịch vụ cung cấp CTXH

Bên cạnh đó, bài toán tạo việc làm cho nhân lực ngành CTXH sẽ được tính toán lại. Ông Tô Đức cho biết, Cục Bảo trợ xã hội sẽ xây dựng danh mục trợ giúp xã hội sử dụng ngân sách Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội. Từ đó thúc đẩy cơ chế cấp kinh phí và cơ chế cung cấp dich vụ đối với dịch vụ CTXH.

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ
LĐ-TB&XH)

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Mục tiêu nhằm tạo sự đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong đó, các cơ sở công lập phải tổ chức lại, việc cấp kinh phí Nhà nước phải theo kết quả đầu ra, số đối tượng thu hưởng dịch vụ. Với mô hình cơ sở ngoài công lập, nếu cơ sở nào đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH thì sẽ được ký hợp đồng đặt hàng.

Dự kiến trong băm 2016, Cục Bảo trợ xã hội sẽ đề nghị Bộ Tài chính ban hành khung giá dịch vụ và tham mưu với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế hướng dẫn các địa phương thực hiện cơ chế đặt hàng và ký kết hợp đồng với các cơ sở ký kết dịch vụ.

Ông Tô Đức nhấn mạnh: “Đây là cách tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở cung cấp dịch vụ, qua đó mới tạo ra nhiều vị trí việc làm mới. Còn chỉ trông chờ vào các cơ sở bảo trợ xã hội thì không thể bố trí được đội ngũ nhân lực CTXH mới được đào tạo”.

Cục Bảo trợ xã hội cũng đưa ra giải pháp nhằm phát triển đội ngũ cộng tác viên cộng đồng. Việc hình thành đội ngũ cộng tác viên sẽ hỗ trợ tích cực thực tế hiện nay đang thiếu nhân sự CTXH tại cơ sở. “Tới nay, hơn 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng được đội ngũ công tác viên xã, phường. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành cũng xây dựng lộ trình hình thành đội ngũ công tác viên từ nay tới năm 2020” - ông Tô Đức nói.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Cả nước có 55 trường ĐH - CĐ đào tạo nghề CTXH

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 đang được Bộ GD - ĐT triển khai đào tạo CTXH tại 55 trường CĐ, ĐH trong toàn quốc. Trong đó, 3 trường đang đào tạo hệ thạc sĩ, tiến sĩ ngành CTXH. Hệ thống đào tạo này đang tuyển sinh khoảng 3.500 sinh viên/năm. Ngoài ra, hệ thống còn đào tạo nhân sự theo chương trình vừa học vừa làm cho 13.391 người. Về đào tạo ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các trường ĐH tổ chức đào tạo 300 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường nghề, trường trung cấp; đào tạo 320 cán bộ quản lý cấp cao tại 2 miền Nam - Bắc; đào tạo 25 giảng viên nguồn CTXH cho các trường đai học ở VN. Giai đoạn 2015-2020, Cục Bảo trợ xã hội đặt mục tiêu đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ cho 50 % cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH tại cấp xã, phường, thị trấn, các cở sở cung cấp dịch vụ CTXH…

H.N

Vai trò ngành CTXH trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên phạm tội

Theo khảo sát mới đây của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), tình hình phạm tội của người chưa thành niên từ 16-18 tuổi có chiều hướng gia tăng và chiếm 60 %, từ đủ 14 đến 16 tuổi chiếm 32 % và dưới 14 chiếm 8% trong tổng số các vụ phạm tội do ngưởi chưa thành niên và trẻ em thực hiện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (ĐH KHXH&NV Hà Nội), thực tế trên đòi hỏi sự can thiệp của nhân viên công tác xã hội nhiều hơn trong công tác tư pháp đối với người chưa thành niên. Cụ thể, nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người vị thành niên, như: Công tác xã hội trong thực thi án treo và tạm tha, trong hệ thống trại giam và trường giáo dưỡng, hỗ trợ làm chứng trước tòa…

K.V