Đàn ông Việt Nam uống bia vì lý do gì?
Thị trường bia tại Việt Nam vô cùng hấp dẫn và thú vị, hơn 400 nhà máy sản xuất bia, qui mô thị trường tương đương 3,67 tỉ US Dollar với tỉ lệ tăng trưởng hơn 15%. Thú vị còn qua phong thái của từng thương hiệu trong cuộc chơi, làm cho bức tranh toàn cảnh của ngành hàng này thật sinh động.
Dòng bình dân chiếm khoảng 27% chủ yếu là các loại bia hơi không có thương hiệu.
Dòng phổ thông là dòng rộng lớn nhất chiếm hơn 60% sản lượng của toàn ngành với nhiều anh tài. Bản chất của dòng phổ thông là dễ uống và nhẹ nhàng với túi tiền, thế nên điểm chung trong cách thể hiện tính cách của dòng này thường là sự vui vẻ thoải mái của cánh đàn ông khi cùng tề tựu bên chai bia.
Dòng cao cấp với khoảng hơn 7% với các thương hiệu. Cá tính của dòng này được định hình bởi 2 thương hiệu của Vietnam Brewery Limited (VBL) với hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam là Tiger và Heneiken.
Vào những năm đầu 90, Tiger tập trung xây dựng hình ảnh người đàn ông Tiger anh hùng và ga lăng khi dám bất chấp rủi ro, nguy hiểm cả tính mạng của mình để làm việc nghĩa. Đeo đuổi hình ảnh người anh hùng một thời gian dài, gần đây Tiger có sự chuyển mình và tập trung nói về sản phẩm nhiều hơn, về cảm giác mà Tiger mang lại cho người uống, đó là “It’s where you want to be” thông qua phim quảng cáo “Megacity”.
Trong khi đó, Heineken trước đây rất trung thành với việc xoáy sâu vào độ ngon đến tuyệt hảo “Chỉ có thể là Heineken” khiến đàn ông cũng trở nên ích kỷ, chỉ muốn chiếm thương hiệu bia này cho riêng mình. Cách định vị riêng một cõi này đã làm say lòng biết bao người Việt Nam với những quảng cáo dí dỏm như Jennifer Aniston và anh chàng xấu trai trong siêu thị. Gần đây thì Heineken gột bỏ hoàn toàn chuyện nói về sản phẩm và tập trung tô vẽ hình ảnh người đàn ông Heineken qua loạt phim quảng cáo “Open your world”. Đó là người đàn ông rất ngày nay, đi nhiều, biết nhiều, am tường và thích nghi với mọi nền văn hoá. Hướng đi này khá tinh tế và khó cảm nên chưa biết người tiêu dùng sẽ tiếp nhận sự thay đổi này ra sao.
Dòng siêu cao cấp thì chiếm phần rất nhỏ khoảng 6% với chủ yếu là các loại bia nhập và hiện giờ cũng chưa có thương hiệu nào xây dựng được một hình ảnh rõ rệt.
Tóm lại, dọc theo cả 4 phân khúc có thể nói bức tranh sinh động của thị trường bia được tô điểm rõ nét về mặt tính cách chỉ qua vài thương hiệu. Gần đây thị trường bia lại đón chào một “tay chơi” mới mang tên Sư Tử Trắng. Mặc dù mới ra trận nhưng qua quan sát, đặc biệt là những hoạt động tương tác với người uống bia tại các điểm bán (Activation) đem lại cảm nhận Sư Tử Trắng chú trọng vào tình bạn, tình anh em thông qua trò chơi đập búa và trúng cả một tủ lạnh đầy bia để thiết đãi bạn bè. Ngoài ra, dư luận những ngày gần đây còn xôn xao clip “Hôi bia đại chiến” khi Sư Tử Trắng “ăn theo” sự kiện “hôi bia” với cái kết rất bất ngờ, đậm chất “huynh đệ” mà nhãn hàng đang muốn xây dựng. Chỉ trong thời gian ngắn, clip “Hôi bia đại chiến” đã thu hút gần 100 ngàn lượt view trên youtube. Khi xem clip, tinh ý một chút không khó để nhận ra, Sư Tử Trắng – tay chơi mới đang gửi lời thách thức của mình đến chú hổ Tiger vốn ngự trị lâu năm trong khu rừng của mình.
Có thể nói, Sư Tử Trắng không phải là nhãn hiệu đầu tiên nói về tình anh em, bạn bè, niềm vui trên bàn nhậu nhưng cách họ tiếp cận có vẻ “dễ cảm” hơn, rõ ràng hơn với người tiêu dùng.
Tóm lại, hiện nay các thương hiệu đang đưa ra nhiều lý do để lôi kéo đàn ông uống bia: uống vì cảm giác được bước vào một thế giới khác, cao cấp hơn thế giới thực tại; uống để cảm thấy mình là người cấp tiến, đa tài - đa văn hoá; hay uống đơn giản là vui với bạn bè. Trong đó có thế nói uống để vui khi xum họp bạn bè là căn nguyên chính và phổ biến nhất trong từng góc bàn, từng quán bia của người Việt. Thiết nghĩ, Sư Tử Trắng chọn cách bắt đầu rất đi vào cốt lõi và không màu mè. Với mức giá bán thuộc vào dòng phổ thông, nhưng chất lượng và hình thức bao bì không kém cạnh dòng cao cấp, Sư Tử Trắng cho người tiêu dùng nhiều hơn những gì họ mong đợi: một lý do được thắt chặt tình bạn, một hình ảnh đẹp tinh tế mà không cần phải quá khó để cảm nhận.
Phạm Thị Diệu Anh