Chính sách quản lý giá: Khi chủ trương không giống thực tế!
Mâu thuẫn trong chủ trương và thực tế thực hiện trong quy định về kê khai giá đã tạo ra nhiều rào cản hành chính không đáng có cũng như tác động tới quyền tự định đoạt giá của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới lợi ích xã hội.
Thông tư "bẻ cong" luật
Mới đây, Thông tư 56/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 177/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/4/2014 đã bị đề cử vào danh sách 30 quy định tồi nhất trong một cuộc bình chọn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Do mâu thuẫn với văn bản Luật cấp trên trong vấn đề kê khai giá, Thông tư này được đã tạo ra nhiều rào cản hành chính không đáng có đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, Thông tư 56 đã vô hình chung “đánh đồng” quy trình, thủ tục thực hiện đăng ký giá và kê khai giá, trong đó cả 2 đều phải tuân thủ theo một quy trình tương tự và về cơ bản đều cần phải có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tại đây, biện pháp kê khai giá đã trở thành biện pháp xin phê duyệt giá thay vì thông báo về giá như Quốc hội nêu ra ban đầu, cũng như trái với khái niệm đã được đưa ra trong Luật Giá 2012.
Trên thực tế, theo quy định trong Luật Giá 2012, niêm yết và kê khai giá khác với việc phải đăng ký giá. Đăng ký giá chỉ áp dụng với một số ít các mặt hàng, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá và phải chịu thẩm quyền xem xét của cơ quan quản lý. Trong khi đó, kê khai giá là việc đơn vị sản xuất, kinh doanh gửi văn bản thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan quản lý khi định giá, điều chỉnh giá.
Điều đáng nói, ngày 25/3/2016, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định 177 một lần nữa làm thay đổi khái niệm gốc trong Luật Giá 2012 khi thay đổi khái niệm “gửi thông báo mức giá kê khai trước khi định giá, điều chỉnh giá” thành “gửi văn bản kê khai giá trước khi định giá, điều chỉnh giá”.
Hơn nữa, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định đối với trường hợp kê khai giảm giá, trong đó cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi thông báo mức kê khai giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này cũng có nghĩa là đối với trường hợp doanh nghiệp kê khai tăng giá thì vẫn cần phải được sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Đánh mất” quyền tự định giá của doanh nghiệp
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp taxi giải thích một trong những nguyên nhân vì sao giá cước taxi – một trong những hàng hóa thuộc diện kê khai giá - không thể giảm nhanh theo giá xăng dầu là do thủ tục kê khai giá cước. Trong trường hợp muốn điều chỉnh, thay đổi giá, việc phải chờ làm thủ tục, hồ sơ xin giảm giá cước nộp về Sở Tài chính và chờ ý kiến chấp thuận của Sở Tài chính khiến giá cước không thể theo kịp giá xăng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng “cơ chế điều hành giá cước hiện nay còn rất rườm rà, phức tạp, không phù hợp với quy luật của thị trường. Mỗi lần điều chỉnh giá thì doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký, chờ cơ quan chức năng thẩm định và trên cơ sở đó mới tiến hành thủ tục kẹp, niêm phong… điều này rất mất thời gian, ít nhất phải mất từ 7-10 ngày và còn rất tốn chi phí.”
Trong khi đó, có tới 50% số người trả lời đánh giá chính sách bình ổn giá của Nhà nước hoàn toàn không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít, theo Báo cáo “Việt Nam chuyển đổi: Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 7/2015.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thoả - Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng đinh: “Các mặt hàng thuộc diện kê khai giá sẽ do doanh nghiệp tự tính toán theo các nguyên tắc, phương pháp Nhà nước hướng dẫn.Doanh nghiệp tự quyết đinh mức giá và bán hàng theo giá do mình quyết đinh,Nhà nước có trách nhiệm hậu kiểm để phát hiện tính hợp lý và không hợp lý để có biện pháp hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng chứ không quyết đinh giá thay doanh nghiệp đươc”.
Theo ông Thoả, ngoài những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá,để bảo đảm cạnh tranh và quyền tự định giá của doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn kiểm soát được thì phải áp dụng tổng hợp nhiều giải pháp. Trong đó, Nhà nước phải hướng dẫn, quy định cụ thể các nguyên tắc, phương pháp tính giá cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải công khai, minh bạch về giá theo quy định của Luật giá theo hướng các doanh nghiệp phải có quy chế công khai về giá, Nhà nước có chế tài đối với việc công khai, minh bạch về giá. Ngoài ra, Nhà nướccũng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá kết nối được với doanh nghiệp.
“Từ đó cơ quan quản lý mới có thể nắm được các hành vi ứng xử về giá của doanh nghiệp, tiến hành hậu kiểm để có các biện pháp xử lý cần thiết nếu doanh nghiệp vi phạm Luật giá, Luật cạnh tranh...góp phần làm cho thi trường hoạt động bình thường”, ông nói.
Việt Anh