Nhiều bình gas bị 'cắt tai, mài vỏ' ở Hải Dương: Chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát

Tình trạng chiếm giữ, cắt tai, mài vỏ bình gas của nhau đã tồn tại từ lâu, dù có khá nhiều quy định để quản lý, vẫn không thể khắc phục được. Liên tiếp thời gian gần đây, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương phát hiện tình trạng tại một số đơn vị kinh doanh gas cưa vỏ bình gas có dấu hiệu bị làm giả, bên trong bình đã bị mài mòn để làm giả thương hiệu.

Bộ Công Thương vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Chỉ thị số 13, trong đó nhấn mạnh sẽ xóa sổ những điểm sang chiết trái phép.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách pháp chế - Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng tình trạng chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ bình gas không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn dẫn đến hoạt động sang chiết gas trái phép, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với doanh nghiệp (DN).


Hàng ngàn bình gas của nhiều hãng gas khác được cơ quan công an phát hiện tại khuôn viên công ty Hải Dương Gas (Ảnh: Công an cung cấp)

Hàng ngàn bình gas của nhiều hãng gas khác được cơ quan công an phát hiện tại khuôn viên công ty Hải Dương Gas (Ảnh: Công an cung cấp)

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, một vỏ bình gas sản xuất ra mất từ 450.000-500.000 đồng. Đơn vị chiếm dụng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn để "cắt tai, mài vỏ" biến thành bình của mình, DN bị chiếm dụng vỏ không có bình để sang chiết gas, phải đầu tư làm vỏ bình mới với chi phí rất lớn. Trong thời gian làm vỏ bình, hãng đối thủ đã chiếm thị phần và các khách hàng cũ.

Về giải pháp xử lý, nhiều DN cho rằng ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các đơn vị sang chiết gas, áp dụng chế tài mạnh về hành chính và hình sự, thì cũng phải tuyên truyền cho người dân kỹ năng nhận biết thế nào là vỏ bình gas đúng quy chuẩn, chất lượng, không bị cắt tai, mài vỏ. Từ đó, người dân sẽ tự tẩy chay những hãng gas gian dối.

Cũng theo các DN, lĩnh vực gas có đặc thù riêng bởi phân phối hầu hết qua các đại lý, các điểm bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng. Việc thu gom cũng tương tự, tức là từ điểm bán lẻ, đại lý rồi mới về hãng. Như vậy, khó tránh khỏi việc nhầm lẫn vỏ bình. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng có những điểm tập kết, chiếm giữ vỏ bình của nhau lên tới hàng năm trời, bình han gỉ, hỏng và phải vứt bỏ mà không xử lý được thì rất lãng phí. "Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ động cơ, mục đích của việc chiếm dụng số lượng lớn những vỏ bình này và có giải pháp xử lý. Các đơn vị kinh doanh gas phải tự quản lý các đại lý của mình, tránh việc nhầm lẫn vỏ bình của nhau" - một DN bày tỏ ý kiến.

Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), ông Trịnh Văn Ngọc, cho hay sắp tới đây, việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas sẽ chú trọng vào thanh tra, kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh gas. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh.

Mới đây nhất, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương, cơ quan chức năng tỉnh này cũng phát hiện nhiều vỏ bình gas đang bị “cắt tai, mài vỏ” trong khuôn viên công ty Hải Dương Gas. Vụ việc đã được chuyển đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cũng cho biết, hiện đơn vị cũng đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác làm rõ một số nội dung liên quan đến nghi vấn việc Công ty Hải Dương Gas có hay không có Giấy phép đủ điều kiện chiết nạp, giấy phép sửa chữa vỏ bình gas; Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép kinh doanh); Giấy phép xây dựng và Phòng cháy chữa cháy... Khu vực nhà máy của đơn vị này chưa được duyệt quy hoạch vào ngành gas hay chưa.

Lực lượng chức năng phát hiện 12.155 vỏ bình gas mang các nhãn hiệu không thuộc sở hữu của công ty Công ty Cổ phần Hải Dương Gas như: Petro Hồng Hà, AD Petrol, Venus Petrol, Vinape gas, Petrolimex, Sellan gas, Total gas...

Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tạm quản lý toàn bộ số bình gas nêu trên. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số vỏ bình, bình gas có dấu hiệu vi phạm như cắt tai bình gas, mài nhẵn nhãn hiệu gas được dập nổi trên chóp bình, đục lại năm kiểm định…

Cũng trong đợt kiểm tra này, cơ quan CSĐT Công an Hải Dương kiểm tra khuôn viên của công ty cổ phần Kim Thanh (thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương) phát hiện 2.815 vỏ bình gas mang các nhãn hiệu không thuộc sở hữu của công ty Hải Dương Gas.

Qua xác minh, số bình gas này được công ty Hải Dương Gas gửi nhờ tại công ty Kim Thanh.

Quá trình xác minh, cơ quan công an bước đầu nhận định công ty Hải Dương Gas đã có hành vi “Chiếm giữ trái phép chai LPG (gas) không thuộc sở hữu” theo quy định tại điểm b, khoản 6, điều 42, Nghị định 67 ngày 25/5/2017 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí).

Sau khi xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Hải Dương cùng tham gia nghiên cứu và cho quan điểm về vụ việc nêu trên xem có dấu hiệu tội phạm hay không. Sau đó hai bên sẽ họp thống nhất cách xử lý.

“Nếu có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan CSĐT sẽ xử lý về mặt hình sự. Trong trường hợp vi phạm hành chính sẽ xử lý về mặt hành chính” – Trung tá Trần Anh Ngọc, cán bộ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương nêu quan điểm.

Những lỗi vi phạm hành chính, Cơ quan CSĐT đã xác minh, điều tra rõ, tuy nhiên, riêng các lỗi hình sự hiện vẫn đang chờ quan điểm nhận định của Viện KSND tỉnh xem có thể xử lý về mặt hình sự hay không. Trên cơ sở đó, Cơ quan CSĐT mới xem xét xử lý vụ việc.

Hà An